Trung Quốc: Những cột mốc trong chiến dịch 'săn cáo'

Chiến dịch “săn cáo 2016” của Trung Quốc đã bắt giữ thành công 634 đối tượng tội phạm lẩn trốn tại 67 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đây là thông tin mới công bố do giới truyền thông dẫn nguồn từ Bộ Công an Trung Quốc. Theo đó, 16 đối tượng nằm trong danh sách truy nã đặc biệt gồm 100 đối tượng tội phạm người Trung Quốc của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) đã sa lưới. Trong số 634 đối tượng bị dẫn độ về nước có 50 trường hợp phạm tội liên quan đến chức vụ và 31 đối tượng buôn lậu; 205 đối tượng phạm tội với số tiền từ 10 triệu nhân dân tệ trở lên, trong đó có 59 trường hợp phạm tội với số tiền lên đến hơn 100 triệu Nhân dân tệ.

Quan tham nhũng Trung Quốc bị dẫn độ về nước trong chiến dịch "săn cáo"

Bên cạnh đó, có 48 đối tượng đã trốn truy nã trong hơn 5 năm, và 17 đối tượng trong số này không để lại dấu vết trong vòng hơn 10 năm. Đại diện Bộ Công an Trung Quốc khẳng định, mặc dù chiến dịch “săn cáo 2016” được khởi động từ tháng 5/2016, đã đạt được nhiều thắng lợi quan trọng, song bộ này vẫn sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế để đảm bảo rằng tất các đối tượng tội phạm lẩn trốn ở nước ngoài đều sẽ bị đưa ra xét xử trước pháp luật.

Hàng nghìn quan tham Trung Quốc cả trong nước và cả những đối tượng đào tẩu ra nước ngoài đã sa lưới kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền và đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng. Tùy từng trường hợp cụ thể, Trung Quốc có những biện pháp “săn cáo” riêng. Trong một số vụ, Trung Quốc sẽ cử điều tra viên đi thuyết phục những kẻ đào tẩu về nước, nhưng cũng có vụ, họ sẽ cung cấp bằng chứng về hoạt động tội phạm cho nước chủ nhà để hồi hương những người nhập cư bất hợp pháp trực tiếp hoặc thông qua nước thứ 3. Bộ Công an Trung Quốc còn thành lập đơn vị chuyên trách bí mật truy lùng các đối tượng tham nhũng ngay trong lãnh thổ nước khác.

Theo số liệu thống kê, chỉ tính trong năm 2015, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đã truy bắt 857 quan chức tham nhũng lẩn trốn ở nước ngoài. Các đối tượng bị dẫn độ chủ yếu từ các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia và Campuchia, và cũng có cả những đối tượng tình nguyện trở về nước. Trong đó phải kể tới Lí Hoa Ba, tội phạm kinh tế Trung Quốc bị Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) truy nã gắt gao, đã bị dẫn độ về nước sau khi thụ án ở Singapore - nơi ông ta ẩn náu nhiều năm qua với số tiền 4,1 triệu USD. Gần đây nhất, tổ “Săn cáo” của Trung Quốc đã áp giải thành công nghi phạm đầu tiên lẩn trốn ở Pháp. Nghi phạm họ Trần này được cho là đã tham ô khoảng 3 triệu USD trong giai đoạn từ 2009 - 2012 và trốn sang Pháp vào năm 2013.

Thực chất, chiến dịch “săn cáo” 2016 là sự tiếp nối và kế thừa từ năm 2015 do Bộ Công an Trung Quốc phát động, triển khai. Chiến dịch này đã được đẩy mạnh trong thời gian ngắn, bởi Trung Quốc đạt được thỏa thuận dẫn độ tội phạm với Canada, một trong những thiên đường lẩn trốn của quan tham. Bên cạnh đó, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký kết hiệp ước dẫn độ tội phạm với khoảng 40 quốc gia, tuy nhiên lại chưa có hiệp ước tương tự với Mỹ, Australia – những quốc gia được coi là “thiên đường” của các tội phạm kinh tế do thủ tục dẫn độ khó khăn.

Mới đây, ngay trước thềm Hội nghị toàn thể Ban chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 6 khóa 18 (gọi tắt là Hội nghị T.Ư 6) khai mạc ngày 24/10, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố báo cáo cho biết, 1,01 triệu quan chức nước này bị điều tra tham nhũng trong giai đoạn 2013 – 2016. Được biết, trong số những đối tượng trên có 409 tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài đã bị bắt giữ trong chiến dịch “săn cáo”.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/trung-quoc-nhung-cot-moc-trong-chien-dich-san-cao-258314.html