Trung Quốc muốn làm tàu điện ngầm: Hết cửa ở Hà Nội?

Công ty hữu hạn cổ phần Tập đoàn Cát Châu Bá, Trung Quốc, muốn đầu tư các dự án đường sắt trên cao và tàu điện ngầm tại Việt Nam.

Ông Trần Hiểu Hoa - Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế Tập đoàn Cát Châu Bá, Trung Quốc (CGGC) khẳng định, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển ổn định, điều này tăng niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Hà Nội tuyên bố chỉ chọn doanh nghiệp Nhật tư vấn phát triển tàu điện ngầm

Hà Nội tuyên bố chỉ chọn doanh nghiệp Nhật tư vấn phát triển tàu điện ngầm

"Đây là lý do được đưa ra để khẳng định mong muốn đầu tư của tập đoàn này vào giao thông Việt Nam", Phó Chủ tịch CGGC cho biết.

Theo thông tin trên Infonet, tham gia tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thông tin thêm, thời gian qua đã có một số doanh nghiệp của Trung Quốc trúng thầu và tham gia thi công các công trình giao thông của Việt Nam.

Ông Đông cho biết, Việt Nam đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, coi việc phát triển cơ sở hạ tầng là một trong ba khâu đột phát chiến lược, tuy nhiên nguồn vốn hạn chế: "Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước trong đó có CGGC với những thế mạnh của mình, tham gia đầu tư vào các dự án giao thông của Việt Nam theo hình thức PPP hoặc nhận thầu thi công công trình”.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với CGGC để cung cấp thông tin cụ thể về các dự án.

Hà Nội chỉ chọn Nhật

Mong muốn của doanh nghiệp Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa tuyên bố "chỉ chọn Metro Tokyo Nhật là nhà tư vấn phát triển tàu điện ngầm cho Hà Nội".

Khẳng định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vì lo ngại sự phát triển tàu điện ngầm kiểu "năm cha ba mẹ" sẽ thiếu đồng bộ, khó tích hợp hệ thống điều hành quản lý.

Đề cập đến những khuyến cáo của chuyên gia nước ngoài về quá trình phát triển tàu điện ngầm tại Việt Nam, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, hiện Hà Nội xây dựng các tuyến đường sắt với nhiều công nghệ khác nhau sẽ dẫn tới sự thiếu đồng bộ, lãng phí trong bảo trì khi tới đây đưa vào sử dụng.

Điều này được các chuyên gia nước ngoài cảnh báo "Hà Nội và TPHCM sẽ phải trả giá cho việc phát triển tàu điện ngầm do nhiều nước chế tạo vì sau này rất khó tích hợp các phần mềm của các hãng lại với nhau thành một.

Các nước chỉ có một trung tâm điều khiển về tàu điện ngầm thôi vì khi phát triển hệ thống đầu tàu, toa tàu với số lượng ít thì sau này tiền bảo dưỡng bảo hành và thay thế thiết bị rất đắt”.

Ông Chung cho hay qua tham vấn các hãng làm tàu điện ngầm uy tín của thế giới như Đức, Nhật Bản, Malaysia… thì đều nhận được câu trả lời tương tự.

Từ những lo ngại trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đi đến thống nhất sẽ mời các doanh nghiệp ở Tokyo (Nhật Bản) đến tư vấn phát triển hệ thống tàu điện ngầm cho Hà Nội.

Câu hỏi của Chủ tịch Hà Nội về đường sắt đô thị

“Sau này nuôi hệ thống bảo trì của đường sắt mới là đắt. Cho nên vừa qua chúng tôi mới mời Metro Tokyo (Nhật Bản) là đơn vị tư vấn, đào tạo cán bộ quản lý đường sắt đô thị cho Hà Nội.

Họ đồng ý là đào tạo miễn phí và tư vấn cho Hà Nội về phát triển tàu điện ngầm” – ông Chung nói.

Với lời tuyên bố của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội liệu có thể hiểu doanh nghiệp Trung Quốc khó có cửa tham gia vào các dự án phát triển tàu điện ngầm của Hà Nội.

Thái An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/trung-quoc-muon-lam-tau-dien-ngam-het-cua-o-ha-noi-3340486/