Trung Quốc là thủ phạm tàn phá Biển Đông

Các học giả, chuyên gia quốc tế tố Trung Quốc là thủ phạm tàn phá Biển Đông.

Đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông

Theo GS. TS. John McManus (Đại học Tổng hợp Miami, Mỹ): “Tòa Trọng tài Quốc tế chỉ trích các dự án tôn tạo và các công trình xây dựng các đảo nhân tạo tại 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa, đồng thời cho rằng, Trung Quốc đã “gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rạn san hô, vi phạm nghĩa vụ bảo tồn các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe dọa và hủy diệt”.

Vựa cá khổng lồ đang bị đe dọa

Trong ngày làm việc thứ hai của Hội thảo “An ninh môi trường và hàng hải vì một biển Đông xanh” diễn ra tại TP Hải Phòng, các đại biểu là các học giả nổi tiếng trong nước và quốc tế tiếp tục đưa ra nhận định: Biển Đông chiếm vị trí địa chiến lược quan trọng và chứa đựng các lợi ích không chỉ đối với 10 quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực mà còn với phần còn lại của thế giới. Biển Đông đã trở thành địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng của các nước, đồng thời đang đối mặt với an ninh môi trường biển. Các học giả thống nhất khẳng định, biển Đông có một tam giác san hô với 500 loài san hô khác nhau, có mối liên kết sinh thái và môi trường chặt chẽ với các vùng biển ven bờ của các quốc gia trong khu vực này. Đây cũng là ngôi nhà chung của hơn 3.000 loài sinh vật và là nơi phát tán, cung cấp các nguồn giống thủy sản cho cả khu vực.

TS. Duncan Currie (chuyên gia tư vấn luật và chính sách quốc tế - Tổ chức Hòa bình xanh) khẳng định: Biển Đông là vùng có đa dạng sinh vật biển rất cao, có số lượng loài cao gấp từ 5 - 10 lần ở các vùng biển khác như Caribbean hoặc Hawaii.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo biển Đông đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt tài nguyên do các hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản và hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc. GS. TS. McManus cho rằng: “Ít nhất 160km2 rạn san hô đã bị hư hại, trong đó 17km2 bị hư hại lâu dài do hoạt động nạo vét xây dựng đảo nhân tạo, 143km2 bị hư hại do hoạt động nạo vét cát và đào bới sò khổng lồ. Theo ông, các nước liên quan nên sớm thiết lập công viên biển hòa bình trên biển Đông.

Trung Quốc - thủ phạm phá hoại biển Đông

Trong thông cáo chung sau hội thảo, gần 200 nhà khoa học thống nhất nhận định: Việc mở rộng, bồi đắp các bãi cạn, đá để xây dựng thành đảo nhân tạo của Trung Quốc ở khu vực giữa biển Đông là quá thô bạo, vượt quá tiêu chuẩn. Các học giả cũng khẳng định, 95% tác động phá hủy môi trường biển Đông trong những năm gần đây là của Trung Quốc.

TS. Michael Parsons, Cố vấn Bộ TN&MT Việt Nam cho rằng: “Dự án xây dựng đảo quy mô lớn được Trung Quốc tiến hành từ năm 2013 vượt xa quy mô của những dự án mà Trung Quốc tiến hành trước đó. Trung Quốc đã bố trí một hạm đội tàu với quy mô lớn tại 7 đá ở Trường Sa. Họ chủ yếu sử dụng thiết bị “nạo, vét, cắt, hút” để tạo ra một khu vực đất mới có diện tích 12 triệu m2 trong khoảng thời gian chưa đến 3 năm. Trung Quốc đã gây ra những tổn hại không thể cải tạo đối với môi trường cư trú ở các rạn san hô tại đá Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Gạc Ma, Vành Khăn… Trong kết luận của Tòa Trọng tài nêu rõ: Dựa trên bằng chứng có tính thuyết phục, báo cáo của các chuyên gia và đánh giá thực chất các yêu sách của Trung Quốc, Tòa Trọng tài không nghi ngờ việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc tại 7 đá ở Trường Sa gây tổn hại lâu dài mang tính hủy hoại môi trường. Do đó, Tòa Trọng tài kết luận là thông qua các hành vi xây dựng của mình, Trung Quốc đã vi phạm một loạt các điều luật về bảo vệ môi trường biển”.

“Mỗi năm mất 4 tỷ USD vì các hoạt động khai thác bừa bãi của Trung Quốc ở rạn san hô Trường Sa. Điều đó không chỉ tổn hại đến hòa bình mà cả sự thịnh vượng của các quốc gia trong khu vực”, GS. TS. Annette Junio Menene (Viện Khoa học biển, Đại học Philipines) cho hay.

Các học giả nhận định: Sau phán quyết của Tòa Trọng tài PCA, Trung Quốc sẽ tìm cách tiếp cận các quốc gia không phản đối cũng không ủng hộ Trung Quốc vì họ biết rằng, họ đang bị cô lập về các vấn đề trên biển. Phán quyết của PCA là một phép thử đối với tính trung tâm, sự đoàn kết của ASEAN. Với vai trò là các nhà khoa học, gần 200 đại biểu đóng góp tiếng nói trong các diễn đàn quốc tế theo phương thức tiếp cận từng bước. Trước hết tăng cường tạo dựng niềm tin bắt đầu từ hợp tác khoa học theo phương thức “ngoại giao dựa vào khoa học”.

Việt Hòa

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/trung-quoc-la-thu-pham-tan-pha-bien-dong-d172022.html