Trung Quốc: Kinh tế chững lại, start-up vẫn “như nấm sau mưa”

Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến sự bùng nổ của doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) tại Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và chế tạo.

Trung Quốc đã vươn tầm từ “công xưởng của thế giới” trở thành một đầu mối của khởi nghiệp và sáng tạo

Trong bối cảnh các công ty tư nhân đang dần thay thế hàng loạt doanh nghiệp nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả, để trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đã trở thành mảnh đất màu mỡ lớn thứ hai thế giới sau Mỹ cho môi trường khởi nghiệp. Các chủ doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ đang mọc lên như “nấm sau mưa” tại Trung Quốc, lại được sinh ra trong giai đoạn công nghệ chế tạo bắt đầu bùng nổ, qua đó tạo dựng nên một thứ văn hóa khởi nghiệp mới đầy thú vị.

Từ chế tạo tới phát triển

Tại văn phòng của NXROBO, nhà sản xuất các loại robot gia đình có trụ sở tại Thâm Quyến, bạn có thể tương tác với Big-I, chú robot hình trụ được trang bị công nghệ nhận dạng giọng nói tiên tiến, một camera và khả năng di chuyển. Big-I có thể nhận ra con người và giao tiếp với họ, cũng như kiểm soát các thiết bị gia dụng từ xa. NXROBO đang chào bán Big-I và nhận đặt hàng với giá 799 USD/robot.

Sự phát triển nhanh chóng của NXROBO thực sự là câu chuyện khởi nghiệp đáng kinh ngạc, khi công ty này mới chỉ thành lập hồi tháng 8 năm ngoái, với số tiền gây quỹ thông qua các hoạt động công cộng.

Giám đốc điều hành NXROBO Lam Tinlun nhấn mạnh về sự thay đổi môi trường khởi nghiệp bất ngờ tại Thâm Quyến, một đầu mối công nghệ tại tỉnh Quảng Đông. Chỉ một tuần tại thành phố sôi động này cũng giá trị bằng một tháng hoạt động tại Thung lung Silicon ở Mỹ, Lam Tinlun khẳng định.

Từ nhiều năm qua, Thâm Quyến đã là trung tâm sản xuất đại trà của các nhà chế tạo lớn. Và nay, thành phố này đang nổi lên là trung tâm phát triển sản xuất của các doanh nghiệp trên toàn cầu. Họ bị cuốn hút tới Thâm Quyến vì mạng lưới phân phối lớn nhất thế giới, cho phép các nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) mua tất cả các linh kiện cần thiết “chỉ trong một nốt nhạc”. Sự cơ động và sẵn có này giúp các doanh nghiệp chế tạo sáng tạo ra các sản phẩm nguyên mẫu một cách nhanh chóng và phát triển ý tưởng thành lợi nhuận khả thi.

Tinh thần và văn hóa khởi nghiệp

Cho dù kinh tế Trung Quốc đang phải chật vật để duy trì động lực tăng trưởng, bước tiến của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại quốc gia này vẫn chưa cho thấy bất kỳ tín hiệu chậm lại nào.

Năm 2015, có khoảng 4,43 triệu công ty mới đăng ký hoạt động tại Trung Quốc, tăng 20% so với năm trước đó. Số doanh nghiệp khởi nghiệp tăng nhanh một phần được trợ lực từ các khoản đầu tư từ nước ngoài. Kể từ đầu năm 2016 đến nay, đã có 193,9 tỷ Nhân dân tệ (29 tỷ USD) được đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Trung Quốc, cao hơn cả năm 2015 cộng lại, đồng nghĩa với việc Trung Quốc là nhà đầu tư cho khởi nghiệp lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.

Làn sóng khởi nghiệp trong công nghệ thông tin (IT) cũng đang lan rộng tại nhiều thành phố lớn khác như Bắc Kinh và Thượng Hải. Shen Haiyin, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành doanh nghiệp khởi nghiệp Zhiche Auto tại Bắc Kinh cho biết, hãng đang theo đuổi mục tiêu tham vọng nhằm vượt qua Tesla Motors trong phát triển xe điện thông minh. Được thành lập tháng 10/2014, Zhiche Auto tập trung phát triển ô tô điện với nền tảng kết nối mọi vật trên Internet. Hãng đã công bố một ô tô nguyên mẫu và bắt đầu kế hoạch bán ra một lượng xe nhỏ vào năm 2017, trước khi sản xuất đại trà vào năm 2018.

Theo công ty nghiên cứu thị trường CB Insights, nhờ thị trường tiêu dùng khổng lồ và nguồn vốn rót vào đang gia tăng mạnh mẽ, Trung Quốc đã vươn tầm từ “công xưởng của thế giới” trở thành một đầu mối của khởi nghiệp và sáng tạo. Dù hiệu quả chưa biết ra sao, nhưng Trung Quốc đang cho thấy sức mạnh và các động lực thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp.

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/quoc-te/trung-quoc-kinh-te-chung-lai-startup-van-nhu-nam-sau-mua-166627.html