Trung Quốc không dùng quốc tửu trong lễ hạ thủy tàu sân bay

Việc sử dụng champagne thay cho những loại rượu đặc sản như Mao Đài là cách để Trung Quốc thể hiện rằng tàu sân bay của họ đang gần đạt đến tiêu chuẩn quốc tế.

Hôm 26/4, Trung Quốc đã tổ chức lễ hạ thủy tàu sân bay đầu tiên mà nước này tự chế tạo. Một nghi thức xuất hiện trong buổi lễ diễn ra ở Đại Liên, Liêu Ninh. Đó là việc chai champagne được ném vào mũi tàu.

Đây là lần đầu tiên một truyền thống phương Tây được áp dụng cho tàu chiến của quân đội Trung Quốc. Theo chuyên gia về hải quân Li Jie, nhiều vị khách có mặt tại buổi lễ đã thắc mắc tại sao lại là champagne mà không phải là một loại "quốc tửu" Trung Quốc, chẳng hạn như rượu Mao Đài.

"Áp dụng tập quán phương Tây với nghi thức ném chai, Trung Quốc muốn ra hiệu rằng tàu sân bay của nước này đang tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế", ông Li chia sẻ với South China Morning Post.

Tàu sân bay mới của Trung Quốc trong lễ hạ thủy hôm 26/4 tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Ảnh: Reuters.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc không nêu rõ ai là người ném chai champagne trong buổi lễ. Theo chuyên gia quân sự Antony Wong Dong sống tại Macau, người này thường là một phụ nữ trong nghi thức ở phương Tây.

Khi Mỹ hạ thủy tàu sân bay thế hệ mới USS Gerald R. Ford vào năm 2013, Susan Ford Bales, con gái cố Tổng thống Ford, được mời đến để thực hiện nghi thức ném chai champagne vào mũi tàu.

Tuy nhiên, loại rượu được chọn không phải lúc nào cũng là champagne Pháp. Khi nữ hoàng Elizabeth của Anh chủ trì lễ hạ thủy tàu sân bay đặt theo tên mình vào năm 2014, bà đã dùng một chai rượu whiskey.

Nguồn gốc của nghi thức ném chai được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Một số người cho là tập tục này liên quan đến việc những người bị đắm tàu thả ra biển chai đựng thư bên trong với hy vọng họ sẽ được tìm thấy. Đập vỡ chai là cách để xua đi vận rủi có thể khiến tàu bị đắm.

Chuyên gia Li cũng lưu ý rằng sự kiện ở cảng Đại Liên hôm thứ tư cũng là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức lễ hạ thủy tàu sân bay. Tàu sân bay đầu tiên của nước này mang tên Liêu Ninh được hạ thủy ở Ukraine năm 1988.

Tuy nhiên, theo ông Wong, buổi lễ không hoàn toàn tuân theo thông lệ quốc tế. "So với các nước phương Tây, cách làm của Trung Quốc vẫn rất xưa cũ khi cờ phướn giăng đầy khắp nơi", vị chuyên gia bày tỏ.

Tàu sân bay mới của Trung Quốc, hiện vẫn chưa được đặt tên, có thiết kế rất giống tàu Liêu Ninh nhưng được cho là có một số cải tiến. Giới phân tích quân sự nhận định tàu sân bay mới vẫn tụt hậu nhiều so với hàng không mẫu hạm của Mỹ.

Đông Phong

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trung-quoc-khong-dung-quoc-tuu-trong-le-ha-thuy-tau-san-bay-post741426.html