“Trung Quốc hầu như không có khả năng cứng rắn chống các nước láng giềng”

BizLIVE - "Bây giờ Trung Quốc hầu như không có khả năng hành động cứng rắn chống lại các nước láng giềng bởi vì không muốn và chưa sẵn sàng gây ra cuộc đối đầu trực tiếp với bộ máy quân sự của Mỹ”.

Tàu chiến của Mỹ và Nhật.

Các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Trung Quốc, đang phân tích những hậu quả có thể có sau khi nội các của Thủ tướng Nhật Bản thông qua quyết định về “quyền tự vệ tập thể”.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, nguyên nhân chính của quyết định dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể là việc gia tăng cuộc xung đột Trung-Nhật.

Theo ý kiến của các nhà phân tích Trung Quốc, quyết định này của nội các Nhật Bản đã được thông qua dưới ảnh hưởng mạnh của "yếu tố bên thứ ba". Tức là, trong chính sách quốc phòng của Tokyo, định hướng chính là các lợi ích quân sự và chính trị của nước đồng minh lớn nhất của họ - Hoa Kỳ.

Mặc dù Trung Quốc luôn thổi phồng yếu tố “thiếu tính độc lập” trong đường lối chính trị của Nhật Bản, nhưng, kết luận này phần nào phù hợp với tình hình thực tiễn.

Mục đích chính trong chính sách “trở lại châu Á” của Mỹ là kiềm chế Trung Quốc. Washington muốn để Bắc Kinh càng lâu càng tốt không tạo nguy cơ đe dọa ưu thế quân sự và chính trị của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.

Theo chuyên gia Yuan Yang, "Hoa Kỳ không muốn đứng ở vị trí tiền tiêu, họ muốn sử dụng những mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Nhật Bản để tạo ra những trở ngại kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc. Điều này phục vụ lợi ích chiến lược của Mỹ".

Vì thế Trung Quốc rất quan ngại trước kế hoạch trao cho Nhật quyền phòng thủ sau khi dỡ bỏ một số hạn chế trong hoạt động của Lực lượng phòng vệ. Chuyên gia Trung Quốc nói rằng, bước đi tiếp theo sau khi dỡ bỏ lệnh cấm tự vệ tập thể sẽ là việc Nhật Bản tham gia các hành động chung với một số quốc gia hoặc khối quân sự, mà điều đó là rất nguy hiểm.

Nhiều chuyên gia Nga chia sẻ ý kiến này, họ cho rằng, sự phát triển tiềm lực quân sự của Nhật Bản là một thách thức nghiêm trọng đối với Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên, chính hiện nay Chính phủ của ông Abe tuyên bố về khả năng dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể đã tồn tại trong nhiều năm.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên đài Tiếng nói nước Nga, nhà phân tích chính trị, Giáo sư Trường cao học Kinh tế Dmitry Evstafiev nhận xét rằng, từ quan điểm chính trị, Nhật Bản là một nước bị ruồng bỏ trong khu vực do các cuộc xung đột với Trung Quốc và Hàn Quốc, và Tokyo không có nhiều khả năng duy trì vai trò sức mạnh đáng kể, hoặc ít nhất phô trương sức mạnh.

Giáo sư Dmitry Evstafiev cho biết: “Tất nhiên, quyết định của Nhật Bản là một thách thức đối với Trung Quốc. Đăc biệt là, thách thức này đã xuất hiện vào thời điểm không phải thuận lợi nhất đối với Trung Quốc, khi Bắc Kinh phải tiến hành cuộc đối thoại với Hoa Kỳ về các vấn đề kinh tế. Bây giờ Trung Quốc hầu như không có khả năng hành động cứng rắn chống lại các nước láng giềng bởi vì không muốn và chưa sẵn sàng gây ra cuộc đối đầu trực tiếp với bộ máy quân sự của Mỹ”.

Cần phải lưu ý rằng, nếu so với các chuyên gia Trung Quốc, thì ban lãnh đạo nước này có phản ứng nhẹ hơn trước quyết định của chính phủ Nhật Bản. Rõ ràng, nguyên nhân của điều đó không chỉ là việc Trung Quốc không muốn nóng lên tình hình vốn đã "nóng" ở Biển Hoa Đông.

Ban lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được rằng, dư luận Nhật Bản không đồng nhất thái độ với quyết định này của nội các bộ trưởng. Mấy ngày gần đây, chỉ số uy tín của Chính phủ Nhật Bản giảm xuống còn 47,8%, mà đây là lần đầu tiên kể từ ngày thành lập nội các của ông Abe vào tháng 12 năm 2012.

Theo thăm dò dư luận, khoảng 54% người được hỏi ý kiến chống lại việc công nhận quyền sử dụng lực lượng tự vệ tập thể trong các hoạt động quân sự ở nước ngoài.

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su-the-gioi/trung-quoc-hau-nhu-khong-co-kha-nang-cung-ran-chong-cac-nuoc-lang-gieng-267250.html