Trung Quốc hạn chế đầu tư khách sạn, phim ảnh, thể thao ở nước ngoài

Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 18-8 đã ban hành các quy định nhằm kiểm soát các khoản đầu tư “bất hợp lý” trong các lĩnh vực từ bất động sản cho đến giải trí và khách sạn ở nước ngoài.

Khách sạn Waldorf Astoria ở New York, Mỹ đã được tập đoàn bảo hiểm Anbang của Trung Quốc mua lại với giá 2 tỉ đô la Mỹ vào năm 2014. Ảnh: Reuters

Hãng tin Bloomberg cho biết các quy định này đặt ra các lĩnh vực mà các công ty Trung Quốc bị cấm, bị hạn chế và khuyến khích đầu tư ở nước ngoài.

Các lĩnh vực bị cấm đầu tư bao gồm ngành công nghiệp cờ bạc và tình dục. Quốc vụ viện Trung Quốc không giải thích rõ về lý do cấm đầu tư trong các lĩnh vực này nhưng gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt xây dựng các sòng bài ở các nước như Lào hay ở đảo Saipan thuộc quần đảo Bắc Mariana của Mỹ, những nơi có đông du khách Trung Quốc ghé đến chơi.

Các lĩnh vực bị hạn chế đầu tư gồm bất động sản, khách sạn, phim ảnh, giải trí và thể thao. Trong khi đó, Quốc vụ viện cho biết sẽ khuyến khích “các doanh nghiệp có năng lực” đầu tư vào các nước liên quan đến sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình.

“Những thay đổi sâu sắc đang diễn ra ở trong nước và quốc tế và các doanh nghiệp Trung Quốc đang đứng trước những cơ hội tốt những cũng đối mặt nhiều rủi ro và thách thức khác nhau trong các thương vụ đầu tư ra nước ngoài”, thông báo của Quốc vụ viện cho biết.

Dưới áp lực của các cơ quan quản lý trong nước, gần đây, một số tập đoàn tư nhân hàng đầu Trung Quốc như Anbang, Fosun International, Dalian Wanda và HNA đã phải thu hẹp các khoản đầu tư ở nước ngoài.

Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, các thương vụ đầu tư của các tập đoàn Trung Quốc  ở các công ty nước ngoài không hoạt động trong lĩnh vực tài chính đạt 57 tỉ đô la Mỹ trong bảy tháng đầu năm nay, giảm mạnh so với 103 tỉ đô Mỹ vào cùng kỳ năm ngoái,

Robin Xing, nhà kinh tế trưởng ở chi nhánh Ngân hàng Morgan Stanley tại Hồng Kông nhận định: “Các thay đổi gần đây là một phần của gói chính sách phòng ngừa nhằm ngăn chặn dòng vốn chảy ra nước ngoài trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang tăng lãi suất. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng lo ngại về rủi ro tài chính và nguy cơ đầu tư thua lỗ liên quan đến hoạt động thâu tóm những tài sản có giá trị cao ở nước ngoài, một bài học mà họ có thể đã rút ra từ làn sóng thâu tóm ở nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản vào cuối thập niên 1980”.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/163793/trung-quoc-han-che-dau-tu-khach-san-phim-anh-the-thao-o-nuoc-ngoai.html