Trung Quốc giám sát chặt hơn trường quốc tế

GD&TĐ - Thượng Hải – thủ phủ tài chính của Trung Quốc – là thành phố có nhiều trường quốc tế nhất so với các thành phố khác của Trung Quốc. Trường quốc tế mọc lên đáp ứng nhu cầu người nước ngoài làm việc tại Thượng Hải và cả người trong nước giàu lên nhanh chóng.

Tuy nhiên, chương trình GD của các trường quốc tế “copy” hoàn toàn chương trình nước ngoài bị cho là loại bỏ những giá trị GD bản sắc quốc gia…

Lo ngại xói mòn giá trị truyền thống

Cơ quan quản lí giáo dục tại Thượng Hải đã tái khẳng định một quy định của chính phủ cấm các trường quốc tế có tuyển sinh học sinh Trung Quốc sử dụng chương trình nhập khẩu hoàn toàn.

Hành động trên được đưa ra giữa những ý kiến lo ngại về việc xói mòn giá trị Trung Quốc và bản sắc quốc gia trong chương trình giáo dục thế hệ trẻ.

Trong một động thái mới nhất, Sở Giáo dục Thượng Hải đã triệu tập hiệu trưởng của 21 trường quốc tế và song ngữ tại thành phố cùng với đại diện các Phòng Giáo dục tham gia một cuộc họp với nội dung thông báo Sở sẽ giám sát chặt chẽ chương trình của các trường.

Lãnh đạo Sở Giáo dục Thượng Hải cũng nhắc nhở lãnh đạo các trường quốc tế tuân thủ quy định chính phủ về “giáo dục quốc gia” – dạy lịch sử, hiến pháp, luật và đạo đức Trung Quốc.

Trong một bài xã luận đăng ngày 13/10, hãng thông tấn Tân Hoa Xã chỉ trích một số trường quốc tế vi phạm luật và các quy định của chính phủ Trung Quốc khi không đưa những môn học đặc thù Trung Quốc vào chương trình. Tân Hoa Xã quy kết nguyên nhân là sự thiếu giám sát chương trình quốc tế của lãnh đạo GD địa phương.

Khi số nhà giàu Trung Quốc tăng lên, nhiều phụ huynh coi trường quốc tế là lựa chọn tốt hơn thay thế chương trình cứng nhắc và kiểu học vẹt trong trường công lập và xem các trường quốc tế là bàn đạp cho trẻ tiếp tục du học nước ngoài.

Trấn an phụ huynh

Động thái siết chặt quản lí chương trình trường quốc tế đã làm nảy sinh tranh luận nóng bỏng trên mạng xã hội. Nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại rằng những thay đổi trong thời gian tới có thể khiến trường quốc tế không còn khác biệt so với trường công.

Trước những lo ngại đó, Sở Giáo dục Thượng Hải trấn an phụ huynh không nên suy đoán quá nhiều và rằng đây chỉ là một hoạt động quản lí bình thường nhằm đưa trường quốc tế phù hợp với luật và quy định của Trung Quốc về giáo dục.

Đối với các trường quốc tế chỉ dành riêng cho học sinh người nước ngoài – sẽ không chịu tác động của chính sách kiểm soát trên. Đối với những trường có tuyển sinh học sinh Trung Quốc, có thể phải cắt bớt số môn học theo chương trình nước ngoài và thêm các môn học “giá trị Trung Quốc” theo quy định.

Chính sách mở cửa cho trường quốc tế tạo điều kiện cho nhiều thương hiệu giáo dục lớn nhất thế giới vươn tay tới Bắc Kinh và Thượng Hải. Trong khi bùng nổ trường quốc tế phản ánh sự thịnh vượng tăng nhanh trong một bộ phận cư dân Trung Quốc, thì cũng đồng thời phản ánh sự bất bình đẳng xã hội ngày càng nới rộng.

Zeng Xiaodong, giảng viên ĐH Nhân dân Bắc Kinh, nhận xét: “Phụ huynh có điều kiện sẵn sàng bỏ cả núi tiền để con cái họ tương lai là một thành viên của thế giới quốc tế hóa.

Nhưng lựa chọn này là không tưởng với những gia đình nông thôn. Hiện trạng này làm trầm trọng hơn sự bất bình đẳng xã hội. Trẻ em nghèo sẽ mãi không được tiếp cận môi trường giáo dục tiên tiến – và điều này sẽ trở thành đặc quyền của tầng lớp nhà giàu”.

Hơn 150.000 học sinh Trung Quốc hiện đang theo học tại các trường quốc tế và dự kiến số học sinh tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/trung-quoc-giam-sat-chat-hon-truong-quoc-te-2500588-b.html