Trung Quốc gần trở thành đất nước không cần tiền mặt

Người dân tại các thành phố lớn ở Trung Quốc, đặc biệt là Bắc Kinh hiện đã hoàn toàn có thể sống mà không cần đến ví tiền mặt của mình theo Chanel News Asia.

Mới đây, phóng viên Jeremy Koh thường trú tại Bắc Kinh của Chanel News Asia đã được biên tập của anh yêu cầu thực hiện một thử thách đó chính là sống sót một ngày ở thủ đô Trung Quốc mà không cần tiền mặt.

Clip một ngày không dùng tiền mặt ở Bắc Kinh:

Ngay khi nhận được thử thách, Koh cho biết anh cảm thấy chuyện này sẽ khá dễ thực hiện khi mà người dân xung quanh hiện đang dùng smartphone để trả tiền cho mọi thứ và anh không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên vấn đề với anh là do công việc phóng viên của anh phải thường xuyên đi lại phỏng vấn nên có thể anh sẽ buộc phải dùng tiền mặt trong một số tình huống.

Buổi sáng, Koh rời khỏi nhà đi làm. Anh quyết định mua đồ ăn sáng trước khi tới tòa soạn và đi làm bằng xe đạp điện.

Koh tất nhiên không có xe đạp điện nên anh đã thuê một chiếc. Thật vậy, tại Bắc Kinh có rất nhiều bãi xe đạp điện bạn chỉ cần chọn một chiếc xe, thanh toán tiền qua điện thoại và khóa xe sẽ mở để bạn tự do dùng xe. Chi phí cho việc thuê xe cũng rất rẻ, chỉ vài nhân dân tệ một giờ và bạn có thể dừng sử dụng ở bất kỳ đâu bằng cách khóa xe lại và thanh toán trực tuyến qua điện thoại.

Trên hành trình tới tòa soạn, Koh ghé một tiệm bánh pancake kiểu Trung Quốc, một món ăn sáng phổ biến ở Bắc Kinh. Dù chỉ là tiệm bánh đường phố Koh cũng có thể thanh toán tiền bánh bằng điện thoại của mình thông qua mã QR được đặt ngay tại điểm bán.

"Ngày nay người ta dùng WeChat để trả tiền mọi thứ và họ không có đem theo tiền mặt, vì vậy chúng tôi không còn lựa chọn nào hết. Chúng tôi phải chấp nhận WeChat", Guo Juan chủ cửa hàng bánh nói.

Sau đó, Koh rong ruổi hết cả ngày tại Bắc Kinh chỉ với chiếc điện thoại của mình và không dùng tiền mặt. Trên hành trình của mình anh thậm chí còn đi taxi truyền thống và trả tiền bằng WeChat, mua hàng tại tiệm tạp hóa truyền thống và cũng trả bằng WeChat hoặc AliPay.

Khi ăn trưa tại nhà hàng, đồng nghiệp của Koh giành trả tiền và tất nhiên là cũng bằng cách sử dụng điện thoại. Vì lịch sự, Koh trả lại một phần tiền ăn cho đồng nghiệp bằng cách chuyển tiền qua tài khoản WeChat của cô.

Dù đã khá quen với việc không sử dụng tiền mặt ở Trung Quốc, Koh nhận xét rằng anh thật sự rất ngạc nhiên khi mình có thể sống một ngày thậm chí là hàng tháng trời không dùng tới tiền mặt, miễn là tài khoản ngân hàng của anh còn tiền.

Chính vì vậy anh đã gặp Andy Mok, giám đốc của Red Pagoda Resources để hỏi vì sao Trung Quốc có thể thực hiện bước tiến bộ to lớn như vậy trong việc sử dụng tiền tệ hàng ngày.

"Phần lớn thành công tới với Wechat của Tencent gồm cả WeChat wallet hoặc WeChat pay là vì những công cụ này rất thông minh và tiện dụng. Rõ ràng mọi sự bắt đầu khi có rất nhiều người sử dụng WeChat và nhờ vào chuyện phong bao lì xì điện tử mà nhiều người đã quay sang dùng thanh toán điện tử trong cuộc sống hàng ngày", ông Mok nói.

Phong bao lì xì điện tử chỉ mới được tung ra trong khoảng 2 năm trở lại đây và nhanh chóng trở thành cách lì xì phổ biến ở Trung Quốc do tính tiện dụng. Hồi cuối năm 2016, WeChat đã có 690 triệu người dùng thường xuyên, hơn 1 nửa số người dùng này đăng nhập vào ứng dụng ít nhất 90 phút mỗi ngày là một trong những động lực khiến thanh toán trực tuyến trở nên phổ biến tại Trung Quốc.

Dù vậy, với số lượng tiền lưu hành trên mạng quá lớn, nhiều người lo lắng về sự bảo mật thông tin người dùng và bảo mật tài khoản ngân hàng.

"Tất nhiên, sự riêng tư luôn là một mối quan tâm rất lớn và là nghi ngờ của nhiều người. Nhưng tôi cho rằng chuyện này là tất yếu vì chúng ta đang sống trong một xã hội mà điều này đang trở thành xu hướng toàn cầu. Ví dụ như vì chủ nghĩa khủng bố toàn cầu mà chúng ta đang bị giám sát bằng video ở mọi nơi và nhiều phần mềm đang thu thập thông tin của chúng ta dù chúng ta có thích hay không. Tôi nghĩ rằng khái niệm về tính riêng tư mà chúng ta biết đang thay đổi", ông Mok chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề bảo mật thông tin người dùng.

Theo các số liệu thống kê tại Trung Quốc, cứ mỗi 10 đồng nhân dân tệ được dùng qua điện thoại thì hết 9 đồng đã được dùng qua WeChat và Alipay.

Tất nhiên, câu chuyện của Koh chỉ là ở mức độ cuộc sống thường ngày, khi người dân Trung Quốc đang dần có thói quen không sử dụng tiền mặt. Còn về mặt vĩ mô, hay chính sách của nhà nước thì chính quyền Trung Quốc thật sự đang có nhiều bước đi để tiến tới loại bỏ tiền mặt hoàn toàn và chuyển sang dùng tiền điện tử.

Hồi cuối tháng 6, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã chính thức thử nghiệm hệ thống tiền điện tử quốc gia, song song cùng tồn tại với tiền mặt hiện nay. Việc thử nghiệm tiền điện tử dựa trên công nghệ Blockchain này khiến Trung Quốc trở thành nước đi đầu áp dụng tiền điện tử vào cuộc sống.

Việc sử dụng tiền điện tử mang lại khá nhiều lợi ích, đặc biệt cho Trung Quốc.

Thứ nhất, nó sẽ làm giảm chi phí thực hiện giao dịch, và do đó nó sẽ khiến cho các dịch vụ tài chính trở nên dễ tiếp cận hơn với mọi người, điều này sẽ giúp hàng triệu người tại Trung Quốc, những người không có điều kiện để kết nối trực tiếp với ngân hàng.

Thứ hai, vì tiền điện tử được phát triển dựa trên công nghệ Blockchain, nên nó sẽ có khả năng làm giảm các nguy cơ về gian lận và giả mạo, điều này sẽ giúp ích cho chính phủ trong nỗ lực chống tham nhũng, rửa tiền.

Cuối cùng, việc tạo ra tiền điện tử sẽ giúp cho các giao dịch quốc tế trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, và nó sẽ làm cho lượng giao dịch tăng lên, đi kèm theo đó là sự phát triển của nền kinh tế.

Ái Vi

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/cong-nghe-cuoc-song-c-104/trung-quoc-gan-tro-thanh-dat-nuoc-khong-can-tien-mat-67945.html