Trung Quốc dùng tiền thao túng ngân hàng đa quốc gia, Ấn Độ phản đối

(GDVN) - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã được tờ báo hàng đầu nước này ca ngợi khi ông đứng lên chống lại Trung Quốc có âm mưu thao túng một ngân hàng.

Hình minh họa.

Bưu điện Hoa Nam ngày 7/7 đưa tin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã được tờ báo hàng đầu nước này ca ngợi khi ông đứng lên chống lại Trung Quốc có âm mưu thao túng một ngân hàng phát triển đa quốc gia mới, các cuộc đàm phán thành lập ngân hàng này có thể trở thành điểm nóng tiếp theo trong quan hệ Trung - Ấn sau tranh chấp lãnh thổ.

Hai quốc gia đông dân nhất thế giới này cùng với Brazil, Nga và Nam Phi được mệnh danh là những nền kinh tế mới nổi (BRIC) đang tiến hành giai đoạn cuối của các cuộc đàm phán trước khi thông báo rộng rãi về việc thành lập 1 ngân hàng phát triển mới, làm đối trọng với các định chế tài chính toàn cầu do Mỹ chi phối.

Truyền thông Ấn Độ cho rằng tiến trình đàm phán đã bị cản trở bởi Trung Quốc âm mưu thao túng ngân hàng mới bằng đề nghị góp cổ phần nhiều hơn 4 thành viên khác.

Ngân hàng chung của 5 quốc gia này được thiết lập để chống lại ảnh hưởng chi phối của Mỹ trong các tổ chức cho vay quốc tế và khu vực hiện có như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á sau nhiều năm các nước BRIC kêu gọi cải cách hệ thống cho vay quốc tế.

Theo tờ The Hindustan Times, Trung Quốc đã đề xuất góp vốn nhiều hơn định mức để có thể kiểm soát tổ chức tài chính mới này. Vốn ban đầu của ngân hàng được chia đều cho 5 thành viên sáng lập, mỗi nước đóng góp 10 tỉ USD, riêng Trung Quốc đề nghị được góp vốn ban đầu 60 tỉ USD nâng tổng số vốn ban đầu lên 100 tỉ USD, theo tờ Calcutta Telegraph cho biết hôm Chủ Nhật.

Ấn Độ đã bác bỏ đề xuất này của Trung Quốc. Vị trí đặt trụ sở chính của ngân hàng này cũng chưa được quyết định và đang là vấn đề gây tranh cãi trong khi nước nào cử đại diện làm Chủ tịch đầu tiên của ngân hàng mới hiện chưa thể thống nhất.

Không giống như Quỹ tiền tệ quốc tế IMF hay Ngân hàng Thế giới WB nơi ghế Chủ tịch do người Mỹ hoặc thành viên EU đảm nhiệm, ghế Chủ tịch ngân hàng mới của nhóm BRIC sẽ do các nước luân phiên đảm nhiệm trong một khoảng thời gian nhất định.

Ngân hàng mới của nhóm BRIC dự kiến sẽ bắt đầu cho vay trong năm 2016, các quan chức Brazil nói với Reuters. Dự kiến đến lúc đó nguồn vốn của nó có thể tăng từ 50 tỉ USD lên 100 tỉ USD thông qua đống góp hơn nữa từ các thành viên sáng lập và cũng có thể là từ các thành viên mới.

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/quoc-te/trung-quoc-dung-tien-thao-tung-ngan-hang-da-quoc-gia-an-do-phan-doi-post147052.gd