Trung Quốc đưa thiết bị cảm biến đến Biển Đông

Báo South China Morning Post ngày 13.10 đưa tin Trung Quốc đã đưa 8 thiết bị cảm biến do nước này tự sản xuất đến Biển Đông với danh nghĩa thu thập dữ liệu về môi trường dưới đáy biển phục vụ nghiên cứu khoa học. Giới phân tích nhận định dữ liệu sẽ có ích cho các hoạt động quân sự của Trung Quốc.

Đội ngũ của dự án Argo tại Trung Quốc đưa thiết bị cảm biến đến Biển Đông - Ảnh: South China Morning Post

Các thiết bị cảm biến mà Trung Quốc lắp đặt có hình trụ, cao khoảng 2m, nặng đến 30kg và được lắp đặt vào tháng 9 vừa qua. Chúng thường di chuyển đến độ sâu cách mặt biển 1km hoặc sâu hơn và sau đó sẽ nổi lên. Trong quá trình lặn xuống đáy biển và nổi lên, các cảm biến sẽ không ngừng ghi nhận dữ liệu về môi trường dưới đáy biển như nhiệt độ, độ mặn, nồng độ oxy, dòng chảy.

Báo South China Morning Post cho biết 8 thiết bị cảm biến nói trên chỉ là giai đoạn đầu của kế hoạch thiết lập 20 cảm biến tại Biển Đông của Trung Quốc.

Kế hoạch này là một phần trong dự án mang tên “Argo” đặt mục tiêu triển khai một hệ thống hơn 3.800 thiết bị cảm biến trên phạm vi toàn cầu. Dữ liệu mà các cảm biến thu thập sẽ được chia sẻ cho hơn 30 quốc gia tham gia dự án, trong đó có Trung Quốc, sử dụng.

Theo thông tin trên trang web của dự án Argo, dữ liệu của các cảm biến có thể dùng trong nghiên cứu khí hậu và hàng hải, dự báo bão, hoạt động đánh bắt hải sản lẫn hoạt động quân sự.

Nguyên lý hoạt động của các thiết bị cảm biến Argo - Ảnh: Jamstec

Ông Hứa Kiến Bình, người đứng đầu dự án Argo tại Trung Quốc, cho biết: “So với các vùng biển khác, hiểu biết của chúng tôi về Biển Đông rất ít vì vùng biển này khá sâu. Nhưng bây giờ chúng tôi đã có công nghệ để có thể nghiên cứu nhiều hơn về Biển Đông”.

Ông Hứa cho biết thêm các thiết bị cảm biến Argo cứ cách 5 ngày sẽ tự động lặn xuống độ sâu cách mặt biển 2km để ghi nhận dữ liệu. Sau khi nổi lên, dữ liệu mà các cảm biến thu thập sẽ được gửi đến hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc, sau đó chuyển về trung tâm dữ liệu ở Hàng Châu để xử lý trước khi được chia sẻ.

Cũng theo ông Hứa, sau khi hoàn thành kế hoạch triển khai 20 cảm biến đến Biển Đông vào năm 2017, đội ngũ Argo mỗi năm sẽ đưa 10 thiết bị cảm biến mới đến thay các thiết bị đã hết pin.

Theo nhà phân tích quân sự Antony Wong Dong tại Macau, các cảm biến Argo sẽ đem lại lợi ích lớn cho hải quân Trung Quốc. Đặc biệt, dữ liệu mà các cảm biến cung cấp sẽ giúp ích cho hoạt động của tàu ngầm vốn rất cần thông tin về nhiệt độ, áp suất và luồng nước.

Ông Wong cho biết: “Biển Đông rất rộng lớn và có rất nhiều điểm mà Trung Quốc không biết hết được. Môi trường biển thay đổi rất nhanh chóng. Sẽ rất nguy hiểm nếu triển khai tàu ngầm mà không theo dõi chặt chẽ môi trường biển”.

Từ khi tham gia dự án Argo vào năm 2001, Trung Quốc đã triển khai hơn 300 thiết bị cảm biến đến Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Lần đưa 8 cảm biến đến Biển Đông là lần thứ hai Trung Quốc triển khai thiết bị cảm biến tự sản xuất. Trước đó nước này đã đưa 5 cảm biến đến vùng biển Thái Bình Dương ở phía đông Philippines vào năm 2015.

Bản đồ hệ thống cảm biến được Argo triển khai trên toàn cầu tính đến tháng 9.2016 - Ảnh: Argo Project

Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc bắt đầu chú ý và tài trợ mạnh cho dự án Argo.

Vào tháng 8, Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ đã đồng ý với đề nghị thay thế cảm biến ngoại nhập bằng cảm biến tự sản xuất và cho phép trung tâm dữ liệu của Bắc Đẩu ở Hàng Châu trở thành trung tâm toàn cầu thứ 3 của Argo.

Ông Hứa cho biết các nhà khoa học Trung Quốc đang cố gắng phát triển công nghệ giúp thiết bị cảm biến có thể thăm dò tới độ sâu 4-6km. Ông hy vọng chính phủ Trung Quốc sẽ đầu tư nhiều hơn cho Argo khi sáng kiến "con đường tơ lụa trên biển" được thực hiện.

Con đường tơ lụa trên biển giúp kết nối bờ biển phía đông Trung Quốc với các cảng biển, bao gồm cảng Colombo (Sri Lanka), cảng Gwadar (Pakistan), vượt qua Ấn Độ Dương và Biển Đỏ đến Piraeus (Hy Lạp), kết thúc ở Venice (Ý).

Cẩm Bình (theo South China Morning Post)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/trung-quoc-dua-thiet-bi-cam-bien-den-bien-dong-44959.html