Trung Quốc dòm ngó eo biển Malacca

Bắc Kinh đang tìm kiếm tuyến đường qua biển Ả Rập và Ấn Độ Dương, từ đó tiếp cận khu vực vịnh Ba Tư và Trung Đông

Một liên doanh Malaysia - Trung Quốc đang xúc tiến kế hoạch xây cảng biển trị giá 10 tỉ USD ở eo biển Malacca - dự án gây không ít lo ngại về mục đích thật sự.

Thương mại hay quân sự?

Theo kế hoạch, toàn bộ dự án mang tên “Cửa ngõ Malacca” sẽ được hoàn thành vào năm 2025. Riêng cảng biển nước sâu dự kiến được xây xong vào năm 2019. Chính phủ Malaysia hy vọng sẽ thu hút 100.000 tàu, trong đó hầu hết là tàu Trung Quốc, qua lại eo biển Malacca hằng năm.

Việc Trung Quốc tích cực dòm ngó eo biển Malacca không có gì khó hiểu bởi đây là tuyến đường giao thương và vận chuyển năng lượng trên biển chính của họ. Giờ đây, dự án trên là một phần của liên minh giữa Bắc Kinh và Kuala Lumpur nhằm tăng cường thương mại song phương và hoạt động vận chuyển hàng hóa dọc “con đường tơ lụa hàng hải” mà Trung Quốc đang ra sức thúc đẩy. Vì thế, không ít chuyên gia nghi ngờ sự háo hức của Bắc Kinh đối với dự án có liên quan đến những lợi ích chiến lược quan trọng của nước này tại eo biển Malacca.

Tàu khu trục Lan Châu số hiệu 170 Type 052C thuộc Hạm đội Nam Hải của Hải quân Trung Quốc diễn tập với Hải quân Malaysia ở eo biển Malacca vào tháng 9-2015Ảnh: TÂN HOA XÃ

“Yếu tố kinh tế thường bắt đầu trước rồi đến sự hiện diện của hải quân bởi Trung Quốc có trách nhiệm bảo đảm sự đi lại an toàn của các tàu thương mại nước này” - chuyên gia Johan Saravanamuttu thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nhận định. Tờ The Straits Times (Singapore) hôm 14-11 chỉ ra sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại vùng biển quanh Malaysia đã tăng đáng kể từ năm ngoái. Vào tháng 9-2015, quân đội Trung Quốc đã tiến hành tập trận “cứu trợ thiên tai” tại eo biển Malacca. Chưa hết, Trung Quốc còn được phép sử dụng cảng Kota Kinabalu ở bang Sabah. Vị trí này nằm gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), nơi các hoạt động xây dựng phi pháp của Bắc Kinh gây căng thẳng ở khu vực thời gian qua.

Một yếu tố gây tranh cãi là liệu Malaysia có cần thêm cảng biển mới lúc này hay không. Chính phủ Malaysia dĩ nhiên là trả lời có, lấy lý do cảng biển Klang sẽ quá tải vào năm 2020. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2015 cho thấy chưa cần xây một cảng biển mới ở bờ biển phía Tây Malaysia vì các cơ sở hiện có chưa được khai thác hết công suất. Những nhận định trái ngược này khiến nhiều người tự hỏi có phải mục đích thật sự của dự án trên là quân sự chứ không phải thương mại.

Mở đường thương mại mới

Ngoài việc tăng cường kiểm soát eo biển Malacca, Trung Quốc còn đang tìm tuyến đường thuận tiện, đáng tin cậy qua biển Ả Rập và Ấn Độ Dương, để từ đó tiếp cận khu vực vịnh Ba Tư và Trung Đông. Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), ước tính trị giá 46 tỉ USD, được xem là một phần của nỗ lực này.

Hôm 13-11, các nhà lãnh đạo Pakistan đã tham dự lễ khánh thành tuyến đường thương mại quốc tế nối liền cảng Gwadar ở tỉnh Baluchistan với TP Kashgar thuộc khu tự trị Tân Cương - Trung Quốc. Họ đã tiễn con tàu Trung Quốc đầu tiên rời khỏi cảng Gwadar mới xây xong, mang theo hàng hóa xuất khẩu sang Trung Đông và châu Phi. Theo AP, số hàng hóa trên được đoàn xe tải của Trung Quốc mang đến Gwadar một ngày trước đó thông qua các con đường mới xây.

Nằm ở biển Ả Rập, cảng Gwadar có vị trí chiến lược giữa Nam Á, Trung Á và Trung Đông. Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif cho rằng CPEC sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện kinh tế đất nước và chất lượng cuộc sống người dân. Ông cũng cam kết sẽ bảo đảm an ninh tốt nhất cho giới đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện để họ sử dụng cảng do Trung Quốc tài trợ cho thương mại quốc tế.

Quân đội Pakistan đã lập lực lượng đặc biệt bảo vệ cảng Gwadar và các tuyến đường thương mại mới bởi tình hình an ninh tại tỉnh Baluchistan đang bất ổn. Hôm 12-11, một vụ nổ xảy ra tại một ngôi đền ở tỉnh này khiến gần 50 người thiệt mạng. Giới chức Pakistan cho biết vụ tấn công được tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận trách nhiệm này nhằm phá hoại các dự án được Trung Quốc tài trợ tại đất nước.

HUỆ BÌNH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trung-quoc-dom-ngo-eo-bien-malacca-2016111422075305.htm