Trung Quốc đối mặt với ngập lụt nặng vì El Nino

Cơn càn quét của hiện tượng El Nino nghiêm trọng nhất kể từ giai đoạn 1997-1998 sẽ khiến Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt nặng nề, khi mực nước dâng cao đến 80%.

Tân Hoa xã ngày 1/4 dẫn lời Liu Ning, Tổng thư ký Trung tâm chỉ huy phòng chống lụt bão và cứu trợ hạn hán quốc gia, cho biết rất có thể sông Dương Tử (hay Trường Giang) sẽ ngập lụt nặng ở trung lưu và hạ lưu trong năm nay. Các thác nước ở khu vực dọc sông Dương Tử đang có lượng nước cao hơn mức trung bình và tại nhiều nơi, mùa lũ đã bắt đầu sớm hơn so với những năm trước.

Theo ông Liu, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với điều kiện khí hậu nghiêm trọng hơn trong năm nay do tác động của El Nino, vốn bắt đầu từ tháng 9/2015 và dự kiến kéo dài đến hết tháng 6/2016. El Nino đang ảnh hưởng đến Trung Quốc theo cách tương tự các điều kiện khí hậu từng gây ra lũ lụt năm 1998.

 Xả nước tại đập Tam Hiệp tại Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc , trong đợt lụt năm 2010. Ảnh: Xinhua

Xả nước tại đập Tam Hiệp tại Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc , trong đợt lụt năm 2010. Ảnh: Xinhua

El Nino là hiện tượng ấm lên bất thường của nước biển ở vành đai xích đạo Thái Bình Dương, thường diễn ra theo chu kỳ 3-4 năm một lần. Trong khi vừa gây hạn hán ở khu vực Đông Nam Á, nó còn có thể vừa là nguyên nhân gây lũ lụt tại Nam Mỹ.

Các nhà khoa học từ lâu đã nhấn mạnh rằng El Nino thường gây lũ lụt nghiêm trọng ở phía nam Trung Quốc và năm nay cũng sẽ không phải là ngoại lệ. Theo SCMP, lượng mưa ở sông Dương Tử vào tháng 5 được dự báo sẽ tăng 10-50% so với các năm trước. Một số nhánh lớn ở hạ lưu có khả năng có lượng mưa lớn hơn 20-50%. Từ tháng 6 đến tháng 8, toàn bộ sông Dương Tử sẽ có lượng mưa cao hơn 50%, khoảng 50-80% ở khu vực trung lưu.

Các tỉnh ở lưu vực sông Dương Tử là nơi sản xuất khoảng 60% sản lượng gạo của Trung Quốc và một phần năm sản lượng bông. Tuy nhiên, lũ lụt nặng nề sẽ buộc Trung Quốc phải nhập khẩu gạo, hầu như từ các nhà xuất khẩu lớn của Châu Á như Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ.

Mưa lớn đã nhấn chìm các tỉnh phía nam bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Giang Tây và Phúc Kiến một tuần trước, kéo theo cảnh báo khi mực nước ở nhiều con sông cũng tăng đáng báo động. Cơ quan phòng chống lụt bão quốc gia đã cử 4 lực lượng khẩn cấp thực hiện công tác cứu trợ lũ lụt tại các tỉnh bị ảnh hưởng.

Vào thời điểm đó, mực nước ở Cám Giang, một nhánh sông Dương Tử ở Giang Tây, cao hơn 2,52 m so với giới hạn an toàn. Một phần của đoạn đường cao tốc ở Giang Tây, nối thành phố Hạ Môn của tỉnh Phúc Kiến và thành phố Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên, đã ngưng hoạt động trong hơn một ngày vì lở đất.

Người dân tỉnh Hồ Bắc di chuyển trong đợt lũ năm 1998. Ảnh: AP

Tại một cuộc họp về kiểm soát lũ gần đây, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương đã kêu gọi giới chức địa phương có những biện pháp phòng ngừa cần thiết để đảm bảo an toàn của người dân khi phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt ở các con sông lớn.

Chính quyền địa phương được yêu cầu thiết lập biện pháp đối phó với lũ lụt càng sớm càng tốt. Các biện pháp được đưa ra bao gồm sửa chữa cơ sở hạ tầng từng bị phá hủy trong lũ lụt, bổ sung các vật liệu cần thiết để kiểm soát lũ lụt và có kế hoạch quản lý khủng hoảng.

Năm 1998, El Nino gây lũ lụt lớn dọc lưu vực sông Dương Tử và hai đường thủy chính ở phía đông bắc. Các trận lụt bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài hai tháng, khiến hàng nghìn người thiệt mạng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của 220 triệu người dân ở 24 tỉnh. Đây được coi là một trong ba trận lũ nghiêm trọng nhất trong thế kỷ 20.

Hoàng Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trung-quoc-doi-mat-voi-ngap-lut-nang-vi-el-nino-post638815.html