Trung Quốc đang đi theo 'vết xe đổ' của Nhật Bản?

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới dường như đang tiếp tục lặp lại sai lầm của Nhật Bản.

Thoạt nhìn bề ngoài, Trung Quốc và Nhật Bản dường như đang có hướng đi hoàn toàn trái ngược nhau. Sau hơn hai thập kỷ, "đất nước mặt trời mọc" đang mất dần vị thế kinh tế và phải ngậm ngùi nhường ngôi vị của mình cho Trung Quốc. Quốc gia này đang vật lộn để tìm lối thoát trước những bế tắc hiện tại của nền kinh tế, trong khi Trung Quốc không ngừng vươn tới những tham vọng về vị thế mới, quyền lực mới.

Tuy nhiên, hai quốc gia láng giềng này lại có khá nhiều điểm tương đồng lẫn nhau. Điều này hoàn toàn không có lợi cho hướng đi tương lai của Trung Quốc. Những sai lầm của Nhật Bản trong quá khứ sẽ là lời cảnh tỉnh cho những nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc. Bắc Kinh đã từng theo đuổi hầu hết những chính sách kinh tế của Tokyo nhằm phục vụ cho mục đích tăng trưởng nóng của quốc gia này. Chính vì thế, lãnh đạo Trung Quốc dường như đang bước tiếp những sai lầm của Nhật Bản đã từng trải qua khiến nền kinh tế tụt dốc đến nay vẫn chưa thể hồi phục.

Các nhà hoạch định chiến lược đầu tư tại Goldman Sachs nhận định "Cũng giống như Nhật Bản, chúng tôi tin chắc rằng, nền kinh tế Trung Quốc rồi cũng sẽ phải đối mặt với thời kỳ phát triển chững lại". Giới phân tích tại tổ chức Moody cũng đã cảnh báo Trung Quốc có thể sẽ phải trải qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế dưới mức chuẩn, áp lực giảm phát kéo dài hoặc thậm chí không tăng trưởng.

Tuy nhiên, một số người không ngờ rằng lời cảnh báo này chính là lời tiên đoán cho tương lai mù mịt của Trung Quốc. Trở lại 30 năm về trước, ít ai có thể ngờ rằng một Nhật Bản hùng mạnh với tham vọng làm bá chủ nền kinh tế thế giới nên lại lâm vào "thảm cảnh" như hiện nay. Thậm chí, nhiều người cho rằng hệ thống kinh tế của quốc gia này còn vững chắc hơn rất nhiều so với Mỹ. Bằng việc tạo ra những mối quan hệ vững chắc giữa ngân hàng và các công ty nhà nước lớn, những nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đã kích thích đầu tư và định hướng chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia.

Tưởng rằng tương lai thành công vẻ vang của Nhật Bản đã được định sẵn nhưng thực tế lại cho thấy nền kinh tế của quốc gia này bắt đầu xuống dốc. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp, chính phủ và tài chính bắt đầu có vấn đề khi nguồn vốn không được phân bổ hợp lý dẫn tới việc đầu tư lãng phí. Tình hình có vẻ được cải thiện hơn khi lãi suất tín dụng được hạ xuống vào cuối thập niên 80, thế nhưng điều này lại càng khiến các khoản nợ công tăng vọt đồng thời đẩy giá chứng khoán và bất động sản lên cao. Khi "nền kinh tế bong bóng" bắt đầu bùng nổ vào thập niên 90, ngành tài chính gần như dậm chân tại chỗ và Nhật Bản vẫn tiếp tục chìm trong cơn khủng hoảng.

Trung Quốc rất có thể sẽ lặp lại lối đi cũ của Nhật Bản. Hướng đi mà Bắc Kinh áp dụng cho nền kinh tế quốc gia đó là phát triển nóng bằng cách điều hướng tài chính, tập trung vào một số ngành công nghiệp trọng điểm và đẩy mạnh xuất khẩu- không khác gì so với Nhật Bản. Cũng bởi vì vai trò của chính phủ Trung Quốc lớn hơn so với Nhật Bản nên sự can thiệp của họ đối với nền kinh tế cũng ở mức độ cao hơn. Điều này dẫn tới việc dư thừa hàng loạt các nhà máy thép, sản xuất xi măng và các công trình nhà ở khác. Để giải quyết tình trạng này, chính phủ lại tiếp tục bơm tiền để "cứu" những "cỗ máy" tăng trưởng già cỗi, ì ạch.

Năm ngoái thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng trưởng đến chóng mặt rồi lại vụt tắt ngay sau đó. Hiện tại giá bất động sản ở Thượng Hải, Thâm Quyến và một số thành phố lớn khác tiếp tục leo thang khiến chính phủ bắt đầu phải vào cuộc.

Có lẽ nguy hiểm hơn, Trung Quốc bắt đầu chìm trong nợ nần - giống như Nhật Bản những năm 80. Công ty Fitch đã chỉ ra rẳng tỷ lệ nợ/ GDP của Nhật Bản đã tăng thêm 80% lên 275% giai đoạn 1980-1989. Tương tự với Trung Quốc khi tỉ lệ này lên tới hơn 100% từ năm 2007 đến năm 2015 lên 255% theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.

Nhật Bản sẽ là hình mẫu lý tưởng cho Trung Quốc về những điều cần làm và những điều không nên làm. Thay vì để các công ty đã "ngập đầu" trong nợ nần và không thể vực dậy được nữa phá sản, thì chính phủ Nhật lại tiếp tục bơm tiền khiến những công ty "xác sống" này tiếp tục kéo nền kinh tế đi xuống. Để duy trì tăng trưởng, chính phủ Nhật Bản tiếp tục tìm kiếm những cơ hội kích thích nền kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng và Ngân hàng Trung ương in tiền yen Nhật với quy mô lớn chưa từng có. Tuy nhiên, việc này không những không có hiệu quả trong việc việc vực dậy nền kinh tế mà còn khiến tổng nợ của quốc gia này đã tăng lên gấp 4 lần tính đến cuối năm 2015.

Trung Quốc cũng làm y hệt như Nhật Bản. Mặc dù đã hứa sẽ xóa bỏ các công ty "xác sống" nhưng cuối cùng chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục cứu những công ty này bằng các hàng loạt các gói kích thích và tín dụng. Tháng 10 vừa qua, quốc gia này đã lên kế hoạch đổi nợ lấy vốn sở hữu nhằm mục đích "tái sử dụng" những công ty hoạt động hiệu quả, tuy nhiên điều này sẽ cần nhiều nỗ lực đến từ cả hai phía.

Gánh nặng nợ nần ngày càng lớn khi tín dụng tăng trưởng cao hơn tăng trưởng GDP nhưng lại không đem lại hiệu quả. Cũng giống như ở Nhật Bản, nhiều khoản tín dụng mới ở Trung Quốc chỉ dùng để thanh toán nợ cũ. Điều đó đồng nghĩa với việc dòng tiền ít được đổ vào đầu tư để phát triển kinh tế.

Một vấn đề khác tồn tại ở hai quốc gia này đó chính là tỷ lệ dân số già đang ngày một tăng cao. Tỷ lệ dân số thuộc độ tuổi lao động ở Nhật Bản đã giảm 0,4%/ năm kể từ năm 1990 đến năm 2015. Hay nói cách khác, ngày càng ít người làm việc để "nuôi" một số lượng lớn những người hưu trí.

Tương tự như ở Trung Quốc, chính sách "một con" kéo dài hàng thập kỷ qua và mới được gỡ bỏ 3 năm trở lại đây đã khiến lực lượng lao động giảm xuống 0,5%/năm theo thống kê của Goldman Sachs.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có thể tránh trở thành "Nhật Bản thứ hai" bằng cách thực hiện đúng những cải tổ mà chính phủ đã cam kết. Cả Bắc Kinh và Tokyo đang mắc phải một sai lầm chết người đó là kiên quyết bám theo mô hình phát triển cũ mà đến nay đã không còn có tác dụng.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/trung-quoc-di-theo-vet-xe-do-cua-nhat-ban--201611140950539p145c151.news