Trung Quốc đã cho Campuchia những gì?

Từ quan điểm của một số nhà quan sát nước ngoài và công dân Campuchia, cách tiếp cận của Trung Quốc đã cho thấy những cơ hội để Campuchia phát triển, nhưng dĩ nhiên cũng lộ ra một số rủi ro đối hiện tại và tương lai của Campuchia.

Trung Quốc và Campuchia đạt thỏa thuận về quan hệ đối tác toàn diện vào tháng 4 năm 2006 và nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong năm 2010, đánh dấu sự kiện quan trọng của sự hợp tác sâu sắc và toàn diện giữa hai nước.

Ngoài ra, từ năm 1994 đến năm 2013, đầu tư của Trung Quốc tại Campuchia đạt khoảng 10 tỉ USD, tập trung chủ yếu vào nông nghiệp, khai thác khoáng sản, các dự án cơ sở hạ tầng, đập thủy điện và sản xuất hàng may mặc.

Ngoài viện trợ phát triển, Trung Quốc cũng đã cung cấp một số lượng đáng kể viện trợ quân sự để phát triểnlực lượng vũ trang Campuchia. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng đáng kể hợp tác quân sự với Campuchia thông qua các khoản cho vay và cung cấp thiết bị quân sự bao gồm xe tải, máy bay trực thăng, máy bay, huấn luyện quân sự, xây dựng các cơ sở y tế và tặng đồng phục cho các lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia.

Rõ ràng, nhìn tổng thể, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Camuchia ngày càng gắn bó. Từ quan điểm của một số nhà quan sát nước ngoài và công dân Campuchia, cách tiếp cận của Trung Quốc đã cho thấy những cơ hội để Campuchia phát triển, nhưng dĩ nhiên cũng lộ ra một số rủi ro đối với sự phát triển hiện tại và tương lai của Campuchia.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nhìn chung, sự tham gia của Trung Quốc đã tạo ra một số lợi ích đáng kể cho Campuchia, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng vật chất rất cần thiết như đường sá, cầu cống, đường sắt, đập…và đầu tư lớn đã tạo ra hàng nghìn việc làm trong ngành công nghiệp, xây dựng, khai thác mỏ và các ngành khác.

Ví dụ, Trung Quốc đầu tư trong ngành công nghiệp dệt may đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người Campuchia, mặc dù hầu hết trong số đó là lao động phổ thông. Viện trợ phát triển của Trung Quốc đối với cơ sở hạ tầng đã đóng một vai trò quan trọng đối với Campuchia.

Với khoảng 10 cây cầu và hơn 2.000 km đường được xây dựng từ nguồn viện trợ phát triển của Trung Quốc, cơ sở hạ tầng này đã được cải thiện đáng kể để tiếp cận thị trường, đặc biệt là đối với nông dân. Sự tham gia của Trung Quốc tại Campuchia đã góp phần trong lĩnh vực may mặc và dệt may - với hơn 3.000 công ty, đó là xương sống của hàng xuất khẩu Campuchia, chiếm 80% của tất cả các mặt hàng xuất khẩu và sử dụng khoảng nửa triệu người lao động, đóng góp 2% GDP của Campuchia từ năm 1995 .

Mặc dù Campuchia đã nhận được một số lượng viện trợ đáng kể của Trung Quốc nhưng câu hỏi cần được đặt ra: Liệu sự giúp đỡ viện trợ đó có giúp Campuchia đạt được các mục tiêu phát triển lợi ích quốc gia cốt lõi lâu dài mà Phnom Penh đã đặt ra kể từ cuộc bầu cử của Liên Hợp Quốc bảo trợ đầu tiên trong năm 1993?

Các hoạt động của Trung Quốc ở Campuchia là không cần bàn cãi. Một số nhà phê bình cho rằng, cùng với sự giúp đỡ này, Trung Quốc đang ngày càng gây ảnh hưởng đến tất cả các vấn đề ở Campuchia từ xã hội, chính trị, môi trường… Viện trợ và đầu tư của Trung Quốc ở Campuchia đang dẫn đến tệ tham nhũng tồi tệ ở đây và nạn khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên của Campuchia.

Mặc dù Trung Quốc là một trong những nước quan trọng đóng góp cho sự phát triển ở Campuchia, nhưng sự tham gia của Bắc Kinh đã không được công chúng Campuchia đánh giá cao bởi vì lợi ích chiến lược của Trung Quốc tập trung vào chính phủ, các đảng chính trị và giới tinh hoa chính trị và bỏ bê lợi ích dành cho tầng lớp bình dân ở Campuchia.

Điều này cũng có thể được coi là có khả năng gây bất lợi cho những người bình thường, những người nông dân và người lao động, từ đó dẫn đến khả năng xảy ra sự đàn áp không được kiểm soát, gây bất ổn xã hội và bạo lực.

Về đối nội, một số nhà quan sát lo ngại về tác động môi trường và sự thiếu minh bạch từ một số cơ sở hạ tầng do Trung Quốc hậu thuẫn, trong đó xây dựng khu du lịch ở Công viên quốc gia Botum Sakor ở phía tây nam của đất nước là một ví dụ.

Trong khi sự hỗ trợ của Trung Quốc có thể thúc đẩy phát triển kinh tế của Campuchia đến một mức độ nhất định và cho phép Campuchia duy trì chủ quyền và theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập trên trường quốc tế, chính sách đối ngoại hiện nay của Campuchia đang có dấu hiệu là để phục vụ một phần lợi ích chính trị và ngoại giao của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới.

Điều này đã thể hiện rõ ràng qua động thái khi Campuchia bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ và ngăn cản việc ra một tuyên bố chung lên án việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Ngoài ra, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Hun Sen quyết liệt nói rằng lập trường của Campuchia là không ủng hộ bất kỳ tuyên bố chung nào ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện Biển Đông.

Có thể cho rằng, động thái này đã cơ bản làm suy yếu những nỗ lực lâu dài của quốc tế để thúc đẩy hòa bình khu vực, sự thịnh vượng và dân chủ ở Campuchia.

Campuchia đã đặt ra mục tiêu phát triển quốc gia có thu nhập trên trung bình vào năm 2030 và là nước có thu nhập cao vào năm 2050. Mục tiêu này sẽ không thể trở thành hiện thực nếu không có sự hỗ trợ từ nước ngoài và cộng đồng quốc tế.

Trong chuyến thăm Campuchia vào năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hillary Clinton đã nói rằng: " Campuchia nên kết bạn với nhiều nước và tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều quốc gia, không chỉ riêng với Trung Quốc".

Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế chiến lược của mình, Campuchia sẽ cần phải tìm kiếm một chính sách đối ngoại đa dạng, có nghĩa là tăng cường hợp tác với tất cả các nước. Đất nước này phải tiếp tục nhìn thấy giá trị trong việc tham gia các tổ chức khu vực.

Lợi ích lâu dài tốt nhất của Campuchia nằm trong sáng kiến khu vực ASEAN, phát triển khu vực Mekong và có mối quan hệ bền vững với các nước trong khu vực để đảm bảo tương lai của mình.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/trung-quoc-da-cho-campuchia-nhung-gi-697137.html