Trung Quốc: Chính sách một con có nguy cơ phá sản

Một hoạt động thử nghiệm bí mật, cho phép các gia đình ở vùng nông thôn Trung Quốc được sinh 2 con, rất có thể sẽ mở ra một cuộc “cách mạng” mang tính xã hội, đánh sụp chính sách một con đã tồn tại nhiều năm qua tại quốc gia này.

Một hoạt động thử nghiệm bí mật, cho phép các gia đình ở vùng nông thôn Trung Quốc được sinh 2 con, rất có thể sẽ mở ra một cuộc “cách mạng” mang tính xã hội, đánh sụp chính sách một con đã tồn tại nhiều năm qua trong khi không tạo ra làn sóng bùng nổ dân số mới. Thí điểm chính sách dân số Báo chí Trung Quốc vừa cho biết, cách đây 25 năm, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đã bí mật triển khai một dự án thí điểm dân số tại huyện Dực Thành, tỉnh Sơn Tây. Trong khuôn khổ chương trình này, các gia đình ở đây sẽ được phép có tối đa hai con nếu họ đáp ứng một số điều kiện nhất định. Trung Quốc là quốc gia chịu áp lực rất lớn về dân số Theo tờ Southern Weekend, trong suốt thời gian thử nghiệm, quy mô dân số ở huyện Dực Thành đã tăng lên 20,7%, nghĩa là vẫn thấp hơn gần 5% so với mức trung bình của toàn quốc, dù các gia đình được phép đẻ hai con. Thử nghiệm cũng cho thấy vấn đề cân bằng giới tính đã được giải quyết. Mức tỷ lệ giới tính trung bình tại Trung Quốc hiện là 118 nam/100 nữ. Nhưng tại huyện Dực Thành, tỷ lệ này nằm ở mức bình ổn là 106/100. Một quan chức có liên quan tới dự án ở Dực Thành thổ lộ rằng lúc đầu, ông đã rất lo lắng khi chương trình thử nghiệm được tiến hành vào năm 1985. “Chúng tôi đều rất lo bởi khi đó chính sách một con đã được triển khai trong 5 năm và thử nghiệm này có thể khiến mọi chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát. Chúng tôi đã phải đi tới từng nhà để giải thích chính sách và điều tuyệt vời là mọi chuyện diễn ra êm thấm hơn dự kiến, mang tới một kết quả không thể tốt hơn” - ông này nói. Chương trình bí mật Dự án thử nghiệm ở Dực Thành đã manh nha từ cuối những năm 1970, khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc khởi xướng chính sách một con. Thời điểm này, một số học viện và cơ quan nghiên cứu ở Trung Quốc bày tỏ ý muốn thành lập các khu vực thử nghiệm chính sách dân số. Dực Thành được chọn bởi đây là một huyện nông thôn điển hình. Hai khu vực khác cũng được xem xét rồi bị loại bỏ bởi chúng đã có nhiều cộng đồng người thiểu số lớn, các đối tượng không chịu sự ràng buộc bởi chính sách một con. Ban đầu, kế hoạch vấp phải sự phản đối từ chính quyền Bắc Kinh. Dự án phải chờ tới năm 1984, khi các quan chức ở tỉnh Sơn Tây viết thư lên cho Tổng bí thư Trung Quốc khi đó là Hồ Diệu Bang, đề xuất thí điểm chương trình sinh hai con. Mang đầu óc cởi mở, ông Hồ Diệu Bang nhanh chóng chấp thuận. Tuy nhiên, các bên đồng ý với nhau rằng thử nghiệm sẽ được tiến hành hoàn toàn bí mật, không công bố với dư luận. Thử nghiệm ở Dực Thành diễn ra theo những quy tắc nghiêm khắc. Đàn ông ở đây không được phép kết hôn cho tới khi 25 tuổi còn với phụ nữ, độ tuổi đó là 23. Độ tuổi kết hôn này đã muộn hơn 3 năm so với chính sách quốc gia. Các cặp vợ chồng tham gia thử nghiệm phải đồng ý giữ khoảng cách sinh nở tối thiểu 6 năm giữa hai đứa con nếu không muốn bị phạt 1.200 NDT. Họ được khuyến khích đình sản sau khi sinh con thứ hai để tránh việc có thêm con ngoài ý muốn. Trái với những e ngại rằng cư dân Dực Thành sẽ “đẻ thả phanh”, sau khi chương trình trên được triển khai, phần lớn các cặp vợ chồng ở đây chỉ sinh có một con. Thời điểm bắt đầu thí điểm, dân số của Dực Thành chỉ có 278.000 người và mục tiêu là không vượt mức 300.000 vào năm 2000. Giờ thì thị trấn này có tổng dân số 310.000 người. Một quan chức ở Dực Thành cho biết : “Kết quả thử nghiệm khiến chúng tôi khá hài lòng. Nó cho thấy sẽ không có sự bùng nổ dân số, kể cả khi người ta được sinh con thứ hai”. Ông Liang Zhongtang, người thiết kế chương trình thí điểm kể trên, tin rằng chính sách một con ở Trung Quốc đã hoàn thành sứ mạng của nó và đến lúc cần được thay thế. “Dưới các điều kiện tự nhiên, khi không có chính sách kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ sinh còn giảm nhanh hơn nếu ta triển khai những quy định nghiêm ngặt” - ông nói. Zou Xuejin, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học xã hội Thượng Hải, cũng kêu gọi nới lỏng chính sách kế hoạch hóa gia đình. Bao giờ sẽ bỏ chính sách một con? Một khẩu hiệu kêu gọi người dân Trung Quốc chấp hành chính sách một con Kể từ khi được triển khai tới nay, chính sách một con đã giúp Trung Quốc kìm hãm mạnh tốc độ tăng dân số. Nhưng nó mang tới những tác động không ngờ như sự mất cân bằng về giới tính và trong hoạt động phát triển dân số. Chính sách này cũng dẫn đến tình trạng lão hóa kết cấu dân số, gây hậu quả là lực lượng dân số trong tuổi lao động của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2015 trước khi sụt giảm mạnh vào năm 2050. Dựa vào đó, có thể hiểu vì sao thành công của chương trình thí điểm ở Dực Thành đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận. Những thông tin về dự án thử nghiệm này xuất hiện trong bối cảnh có nhiều chất vấn xung quanh việc chính sách một con của Trung Quốc sẽ còn kéo dài bao lâu, khi lực lượng lao động trẻ phải cõng trên vai gánh nặng hỗ trợ một xã hội đang già đi. Một số địa phương, lo lắng trước nguy cơ sụt giảm dân số, đã nới lỏng quy định sinh một con. Đơn cử như tại Thượng Hải, chính quyền khuyến khích các gia đình nào có cả vợ và chồng đều là con một sẽ được phép sinh hai con. Tuy nhiên tới nay tác động của chính sách này lại rất hạn chế. Giới phân tích tin rằng, bản thân xã hội Trung Quốc cũng chưa có sự đồng nhất trong việc xem xét tương lai của chính sách một con. Hiện lớp người giàu mới nổi tại Trung Quốc và các cặp vợ chồng trẻ sống ở đô thị là những đối tượng không mặn mà với việc sinh con. Họ đang mải mê gây dựng sự nghiệp, phải bỏ ra một khoản tiền lớn để mua nhà, sắm xe, đi bar, ăn tiệm, “tậu” quần áo chưng diện. Họ quan niệm việc sinh con sẽ ảnh hưởng tới phong cách sống tự do nêu trên và làm nảy sinh thêm nhiều chi phí tốn kém, có thể ăn lẹm vào khoản tiết kiệm cho tương lai. Vì thế, những đối tượng này ủng hộ chính sách một con. Trong khi đó nông dân, những người vẫn thích đẻ nhiều con trai để phục vụ việc đồng áng và phụng dưỡng cha mẹ, chắc chắn sẽ không muốn kéo dài chính sách một con. Gia Bảo

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/131n20100320091618638t131/trung-quoc-chinh-sach-mot-con-co-nguy-co-pha-san.htm