Trung Quốc cấp tập phát triển mắc-ca

Như ở nhiều ngành hàng khác, cách làm của Trung Quốc khiến thế giới phải giật mình...

Cây mắc-ca đang được "cố" trồng trên những triền đồi cheo leo tại Sầm Khê (Quảng Tây, Trung Quốc).

Tuần qua, đại diện các cục, sở chức năng cùng các hộ dân điển hình của Việt Nam có một chuyến khảo sát thực tế phát triển mắc-ca tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Một năm trước, đoàn do Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tổ chức cũng đã có chương trình khảo sát tương tự. Nhưng đã có nhiều khác biệt chỉ qua một năm.

Ồ ạt tăng số lượng

Cũng một năm trước, tháng 8/2015, tại hội thảo quốc tế về phát triển mắc-ca tổ chức ở Nam Phi, đại diện đến từ Trung Quốc tự tin cho biết họ sẽ sớm trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về phát triển mắc-ca.

Khi đó, xét về diện tích, quả thực Trung Quốc đã áp đảo. Tổng diện tích của quốc gia này đã lên tới 65.000 ha, trong khi ba nước có diện tích lớn khác là Nam Phi, Úc và Kenya mới chỉ có từ 17.500 - 19.500 ha. Nhưng, phần lớn diện tích của Trung Quốc là trồng mới, chưa đến kỳ cho sản lượng tối ưu.

Họ vẫn chưa dừng lại. Tại hội thảo ngày 15/11 vừa qua, có nhiều thông tin cho thấy nước này đang và sẽ tiếp tục mở rộng nhanh diện tích trồng mới.

Cụ thể, chỉ riêng Vân Nam, thủ phủ mắc-ca của Trung Quốc, tổng diện tích trồng hiện đã lên tới khoảng 130.000 ha, trong kế hoạch phát triển 270.000 ha. Tại Quảng Tây, địa bàn có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khó khăn hơn, hiện đã phát triển gần 5.000 ha, trong kế hoạch tham vọng 100.000 ha.

Cho dù, từ đoàn khảo sát của LienVietPostBank một năm trước cho đến đoàn khảo sát tuần qua, vẫn thấy tại Quảng Tây cách làm tự phát ồ ạt về số lượng. Những thửa ruộng “thả rông” bạt ngàn giống mắc-ca, quy mô từ 500.000 – 1.000.000 cây giống, nằm bùn, xen cỏ… Một cách đại trà hoàn toàn khác với sự nâng niu, canh và chăm từng chi tiết, quản lý từng khuôn kệ kỹ thuật chặt chẽ mà người Úc đang làm.

Các hộ dân Việt Nam cũng không khỏi ngạc nhiên khi những triền đồi cheo leo, độ dốc rất lớn và hiểm trở tại Sầm Khê (Quảng Tây) người ta vẫn cố trồng được cây mắc-ca. Vị kỹ sư người bản địa cũng chỉ lắc đầu: “Đất tốt người ta không giành cho mắc-ca. Nó còn mới và là cây dài ngày, chưa cho khai thác ngay để nhiều người dân mạnh dạn chuyển đổi, hoặc ưu tiên cho nó”.

Thế nên, đến thời điểm này, như tại Quảng Tây, thực tế trồng xong phải chặt bỏ bắt đầu thể hiện, bởi cách làm ồ ạt trước đó, nguồn giống không đảm bảo dẫn tới năng suất và chất lượng kém. Họ cũng phải tự trải qua sàng lọc để có vùng nguyên liệu khác thác hợp lý cuối cùng.

Nhưng bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã bắt đầu có những giải pháp để phát triển chắc chắn hơn về chất lượng, bên cạnh sự ồ ạt của số lượng.

Nông dân không tự bơi

Một năm trước, khi đoàn khảo sát của LienVietPostBank đến thăm quan, Long Châu (huyện biên giới sát Việt Nam) mới chỉ là những mô hình nhà máy mới xây dựng. Nay, 8 nhà máy lớn đã và đang đi vào sản xuất quy mô lớn.

Tại một nhà máy điển hình, quy trình xây dựng, lắp đặt thiết bị và vận hành chỉ mất khoảng một năm. 5 nhà máy quy mô lớn như vậy có công suất chế biến tới 200.000 tấn/năm. Theo tính toán của GS. Hoàng Hòe, Phó chủ tịch Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam, chỉ riêng đáp ứng nguồn cho 5 nhà máy này đã cần 50.000 ha mắc-ca trưởng thành.

Có một câu hỏi chung mà chủ các nhà máy đặt ra: khi nào thì nguồn cung từ Việt Nam sẵn sàng? Họ cũng cử người lập đoàn trong kế hoạch sang Việt Nam tìm hiểu thực tế tháng 11 này.

Câu hỏi trên xuất phát từ thực tế, hiện nay một số nhà máy phải nhập nguyên liệu từ Úc, Nam Phi về để có nguồn sản xuất. Mỗi năm mắc-ca chủ yếu chỉ cho một mùa thu hoạch và cao điểm chế biến chỉ trong vài tháng. Ngoài nguồn nhập khẩu, họ chế biến các loại quả khô khác.

Đặc điểm trên cũng góp phần lý giải cho khó khăn tại Việt Nam: vì sao đến nay một nhà máy chế biến mắc-ca thực sự và quy mô lớn vẫn chưa thể ra đời.

Ông Hoàng Tùng, Giám đốc Công ty Vina Macca, cho biết việc xây dựng riêng một nhà máy chế biến mắc-ca quy mô lớn hiện nay không đơn giản. Thứ nhất, đầu vào nguyên liệu vẫn hạn chế; nhiều cơ sở tại Việt Nam vẫn phải nhập từ Úc và Nam Phi về để chế biến, như Vina Macca vẫn nhập từ Úc để sản xuất và từng bước tạo thị trường.

Thứ hai, một nhà máy chỉ chuyên sản xuất chế biến mắc-ca gặp khó khăn về đầu vào, mỗi năm chỉ một vụ mùa chính, trong khi máy móc thiết bị, lực lượng lao động cần được vận hành đều trong cả năm. Theo đó, mô hình chung là kết hợp sản xuất, chế biến với các loại quả khô khác.

Các nhà máy tại Quảng Tây đang vận hành như vậy. Mắc-ca được tích hợp trong chuỗi chế biến đã chờ sẵn này, các hộ dân yên tâm sản xuất khi hợp tác với các đầu mối tiêu thụ đó.

Bên cạnh hoạt động tự phát, Trung Quốc đang có những mô hình để khuyến khích các hộ dân yên tâm tham gia, thay vì phải tự bơi.

Như tại nông trường Kim Quang, 350 ha mắc-ca phần lớn đã trưởng thành, cho sản lượng 1.500 tấn/năm, được đảm bảo đầu ra với nhà máy chế biến đặt tại Quảng Đông. Ngoài các sản phẩm thông dụng, đây là đầu mối cung cấp nguồn tinh dầu cho các nhà sản xuất mỹ phẩm tại Mỹ và châu Âu. Nông trường này hiện đã gắn kết và phát triển được thêm khoảng 700 ha mắc-ca từ các hộ dân trong vùng.

Hay tại viện nghiên cứu Nam Á (Long Châu, Quảng Tây), vai trò triển khai kế hoạch 5.000 ha mắc-ca cho huyện Long Châu thể hiện rõ ở quy trình chuẩn hóa các loại giống, chế biến và xây dựng mẫu sản phẩm để quy tụ các hộ dân cùng theo.

Theo GS. Hoàng Hòe, những mô hình trên, cùng hệ thống các nhà máy đã sẵn sàng, cách làm của Trung Quốc diễn ra cấp tập, có thể nói là ồ ạt để phát triển nhanh, nhưng họ có cơ sở và xuất phát điểm tốt hơn Việt Nam về sự chuẩn bị và phối hợp.

“Trong tương lai, hệ lụy của một bộ phận cách làm tự phát trước đây của Trung Quốc sẽ thể hiện ở sản lượng và chất lượng. Nhưng họ cũng đã sớm nhận ra để có chính sách riêng. Đó là Chính phủ vào cuộc, hỗ trợ cho các hộ dân, nhưng chỉ hỗ trợ bằng giống cây chứ không bằng tiền, để chuẩn hóa ngay từ gốc. Họ chọn và khuyến khích các mô hình lấy doanh nghiệp, nông trường, viện nghiên cứu làm nóng cốt để phát triển chắc chắn, chứ không để các hộ dân tự bơi, tự phát như thời gian qua ở Việt Nam. Đó là những điểm mà chúng ta có thể học hỏi và rút kinh nghiệm”, GS. Hòe cho biết.

Thành An

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thi-truong/trung-quoc-cap-tap-phat-trien-macca-20161120110943487.htm