Trung Quốc: Cải cách hay nguyên trạng?

Nguyễn Ngọc Trường


(Toquoc)-Tại thời điểm chuyển giao quyền lực, thúc đẩy cải cách hay duy trì nguyên trạng, Lưỡng Hội Trung Quốc đề ra một số quyết sách thận trọng; Bạc Hy Lai ra đi cùng “mô hình Trùng Khánh” dọn đường cho một mô hình đồng thuận trung dung.

Trước các quá trình vận động sâu sắc mọi mặt đời sống Trung Quốc, các nhà quan sát ngay tại Trung Quốc cũng thường chỉ có thể nhìn thấy (hoặc nói ra) một phần bức tranh quá rộng lớn ấy. Người ngoài đành dựa một phần vào các tuyên bố chủ trương chính sách, còn đa phần phải quan sát việc làm cụ thể và thực tiễn mà đưa ra đánh giá của mình.

Trong tháng 3 này, tại Trung Quốc diễn ra kỳ họp Lưỡng Hội (Quốc hội và Hội nghị Chínhtrị hiệp thương). Ngay sau Lưỡng Hội, có sự việc bãi chức Bí thư thành ủy Trùng Khánh của ông Bạc Hy Lai, một đại diện của trường phái “cánh tả bảo thủ mới”. Một sự kiện lớn, một sự kiện nhỏ, tưởng tách rời nhau lại có chung một nguồn gốc vấn đề: Trung Quốc thúc đẩy cải cách để tiến lên trên con đường phát triển bền vững hay bình thủ nguyên trạng. Nếu cải cách (hay cải thiện) thì như thế nào?

Hý họa của Nhật Báo Hoa Nam Buổi sáng - tờ báo thân Đại lục: Một nhiệm vụ sắp tới của Trung Quốc là làm gọn bộ máy công chức

Nhu cầu cải cách - những chỉ số vĩ mô

Trong 10 năm của ban lãnh đạo thế hệ thứ tư sẽ kết thúc vào đại hội Đảng mùa Thu này, Trung Quốc đạt nhiều thành tựu nổi bật: Trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới và quốc gia có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới; xuất khẩu, sản xuất xe hơi và hàng hóa tiêu dùng đứng đầu thế giới và có hệ thống xe lửa cao tốc dài nhất thế giới. Năm 2011, Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành nước đóng góp cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu tới 30% so với 17% (2010) xét từ sản lượng toàn cầu. Vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc trở thành một trong những nước đặt ra luật chơi và tái cấu trúc kinh tế tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên cùng với quá trình tăng trưởng hai chữ số, Trung Quốc phải trả giá đắt về hủy hoại môi trường, cơ cấu kinh tế suy yếu và khoảng cách giàu nghèo không ngừng mở rộng. Nền kinh tế lạm phát cao, giá nhà tăng phi mã, tham nhũng tràn lan, an toàn thực phẩm trở thành mối lo toàn xã hội.

Mức đo lường chênh lệch thu nhập giữa giàu và nghèo đã tăng từ 0,35 năm 1990 lên 0,55 năm 2011, trong khi mức trung bình của thế giới là 0,4. Tỷ lệ chênh lệch thu nhập bình quân tính theo đầu người thành thị so với nông thôn mở rộng từ 1,86 (1985) thành 3,13 (2011). Tuy GDP tăng trung bình 10%/năm và dự trữ tài chính tăng 20%/năm, nhưng quỹ lương hưu eo hẹp gây khó khăn cho việc giải quyết các vấn đề hưu trí và phát triển dân số. Hệ thống an sinh xã hội chưa hình thành sau một thập kỷ đề ra. Quyền lợi đất đai của nông dân không được bảo vệ, gây ra hàng trăm ngàn vụ bạo động hoặc náo loạn ở các vùng nông thôn Trung Quốc. Bộ máy công chức phình ra, từ 6 triệu lên 10 triệu người trong vòng 4 năm qua. Trung Quốc thường được xem là “Nước giàu dân nghèo”.

Một số bước cải thiện dung hòa, thận trọng

Điều dư luận chú ý nhiều hơn cả lần Lưỡng Hội này là tỷ lệ tăng trưởng GDP từ 8-10% trong nhiều năm qua được điều chỉnh xuống 7,5%. Điều chỉnh tốc độ chủ yếu để điều chỉnh kết cấu kinh tế. Mục đích là tạo “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế. Trong đó, chú trọng tăng trưởng chất lượng, dựa nhiều hơn vào tiến bộ khoa học công nghệ và nâng cao trình độ lực lượng lao động, thực hiện điều chỉnh kết cấu kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, nhằm làm cho nền kinh tế Trung Quốc không còn phụ thuộc vào tiêu hao tài nguyên và ô nhiễm môi trường, thực hiện tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường và giải tỏa phần nào các bất bình xã hội.

Đồng thời, một số biện pháp cải thiện dân sinh đã được đề ra. Năm 2012 Chính phủ phải làm 5 việc khó: (1) Xây dựng phương án tổng thể về cải cách cơ chế phân phối thu nhập. (2) Xây dựng và ban hành điều lệ đền bù trưng dụng đất tập thể nông thôn, thực sự đảm bảo quyền tài sản của nông dân nhận khoán đất. (3) Thực hiện che phủ toàn diện bảo hiểm dưỡng lão thành thị và nông thôn. (4) Thúc đẩy toàn diện công tác xóa đói giảm nghèo tại các khu vực nghèo khó tập trung theo chuẩn mới. (5) Đưa kinh phí giáo dục chiếm 4% GDP.

Trung Quốc sẽ lần đầu tiên bầu đại biểu Quốc hội toàn quốc khóa mới (tháng 1/2013) theo tỷ lệ dân số như nhau giữa thành thị và nông thôn, số lượng đại biểu không quá 3.000 người, nhằm tăng thêm tiếng nói trực tiếp của tầng lớp công nông tại cơ quan dân cử.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngay sau Lưỡng Hội, có thể là cuối cùng trên cương vị thủ tướng chính phủ,Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh phải có những cải cách chính trị “khẩn cấp” ở thượng tầng Nhà nước và Đảng Cộng sản để Trung Quốc có thể tiếp tục phát triển. Ông Ôn Gia Bảo khẳng định lại tầm quan trọng của việc phân chia quyền lực ở Trung Quốc.

Theo kết quả của một cuộc thăm dò dư luận được công bố hôm 12/3 trên bản tiếng Anh của Thời báo Hoàn Cầu, hơn 63% của 1.010 đại diện cho nhiều tầng lớp nhân dân trên toàn quốc được hỏi, muốn Trung Quốc có một “thể chế dân chủ theo kiểu phương Tây”. 69% cho rằng Bắc Kinh sẽ cải cách “dưới áp lực của các phương tiện truyền thông”, “các điều kiện xã hội” hay “đòi hỏi của công chúng”. 62% cho rằng các trở lực chủ yếu cho cải cách là “những lợi lộc mà các nhóm lợi ích thu được”.

Sự táo bạo của cuộc thăm dò và công bố kết quả nêu trên dường như biểu hiện cuộc tranh cãi nội bộ giữa hai phe ủng hộ và chống đối cuộc cải cách chính trị thực sự.

Bạc Hy Lai bị bãi nhiệm liên can gì tới cải cách?

Lần đầu tiên 30 năm qua, một thủ tướng Trung Quốc đã nói công khai: “Một thảm họa lịch sử như Cách mạng Văn hóa có thể tái diễn tại Trung Quốc, nếu các cải cách chính trị và kinh tế không được tiến hành”. Lời cảnh báo này rõ ràng có liên hệ tới việc bãi nhiệm chức Bí thư thành ủy Trùng Khánh của ông Bạc Hy Lai. Vụ Vương Lập Quân, Phó Thị trưởng Trùng Khánh, một cộng sự đắc lực của ông Bạc, chạy vào Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, chỉ là một giọt làm “tràn ly nước”.

Ông Bạc Hy Lai (giữa) và Phó Thủ tướng Trương Đức Giang (lề trái), người sẽ được cử kiêm nhiệm Bí thư thành ủy Trung Khánh 2 ngày sau cuộc hội nghộ tại Lưỡng Hội này

Từ năm 2007, sau khi trúng cử vào Bộ Chính trị và trở thành nhà lãnh đạo của thành phố đông dân nhất Trung Quốc, Bạc Hy Lai đã xây dựng nên “mô hình Trùng Khánh” dựa trên sự minh bạch, thân dân, côngkhai hóa tài sản quan chức địa phương, hỗ trợ nhà ở cho nông dân ra làm việc ở thành phố, trấn áp thành công các bè đảng xã hội đen, làm cho Trùng Khánh ổn định và phát triển thành đặc khu kinh tế mới của vùng Tây Nam Trung Quốc. Ông Bạc khá được lòng dân chúng Trùng Khánh.

Mục tiêu của ông Bạc là giành được một trong chín chiếc ghế ủy viên thường vụ Bộ Chính trị - cơ quan quyền lực cao nhất của Trung Quốc. Trong khoảng hai năm gần đây, ông Bạc Hy Lai bỗng nhiên phát động chiến dịch phục hưng cách mạng theo chủ nghĩa dân túy. Ông khởi xướng phong trào hát “bài ca đỏ” và cho trích dùng nhiều giáo điều của Mao Chủ tịch. Vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập ĐCS Trung Quốc, Trùng Khánh đã tổ chức cuộc mít tinh 10 vạn người hát bài “Đông phương hồng” và các bài ca cách mạng. Ông Bạc muốn tập hợp lực lượng thông qua xây dựng một mô hình phát triển kinh tế-chính trị-xã hội công bằng hơn nhưng dưới sự bảo hộ của nhà nước.

Ông Bạc ủng hộ kinh tế thị trường và khuyến khích doanh nghiệp trong ngoài nước hoạt động tại Trùng Khánh. Nhưng chiến dịch phục hưng chủ nghĩa dân túy Maóit của ông đã gây lo ngại cho các nhà lãnh đạo từng trải qua cuộc Cách mạng Văn hóa, cũng như đại đa số tầng lớp trung thượng lưu hình thành qua 30 năm cải cách. Thế là ông Bạc gặp sự chống đối không những từ phía các quan chức dính líu tham nhũng bị công khai trừng trị ở Thành phố Trùng Khánh, mà còn mất đi sự ủng hộcủa các nhân vật chủ trương cải cách tự do trong bộ máy chóp bu của Đảng (theo lời ông Bạc, có 6/9 vị ủy viên thường vụ Bộ Chính trị từng bày tỏ tán thành cách làm của Trùng Khánh).

Nhưng nếu xem xét kỹ những biện pháp cải thiện dân sinh, dân chủ vừa được Lưỡng Hội thông qua thì đó đều là giải pháp cải thiện tình hình mang tính dung hòa, thận trọng. Những cuộc thảo luận trong nội bộ hiện nay chỉ là nhằm xới xáo mọi vấn đề cho Đại hội ĐCS-18 quyết sách. Khiến người ta nhớ lại việc Ung Chính - Hoàng đế thứ ba của Thanh triều - thực hiện một số cải cách gây tranh cãi nhưng dọn đường cho một thời Càn Long thịnh trị.

Đối với Trung Quốc ngày nay, hoài cổ thì còn được chứ phục cổ chẳng phải là muốn kéo lùi tiến hóa lịch sử, dù mô hình mà Bạc Hy Lai chủ trương, theo tờ Le Monde (Pháp) là một kiểu “chủ nghĩa Mao ngoại lai”. Cứ xem việc ông Ôn Gia Bảo, một nhà lãnh đạo thân dân, 10 năm hô hào cải cách chính trị, mà cuối cùng cũng chỉ có thể lúc này lúc khác đề ra những biện pháp cải thiện đồng thuận.

Trung Quốc ngày nay đã khác Trung Quốc 40 năm trước. Năm 2011, nước này có 95 tỷ phú USD, xếp thứ ba thế giới. Chỉ tính 75 đại biểu Quốc hội đã có thu nhập tổng cộng trên 90 tỷ USD, giàu hơn giới chính trị cầm quyền Mỹ nhiều lần (thu nhập của 535 thành viên Quốc hội Mỹ cộng 9 thẩm phán Tòa án Tối Cao, cộng thêm Tổng thống cùng Nội các Mỹ hiện nay, chỉ đạt 4,8 tỷ USD).

Vì vậy, xét từ những biến đổi sâu sắc trong lòng xã hội Trung Quốc và tương tác giữa hai phe quyền lực cùng nhiều nhóm quan điểm chính trị, thì việc ông Bạc Hy Lai phô bàyquá lộ liễu tham vọng chính trị qua việc định tìm cách khôi phục những giá trị cơ bản của chủ nghĩa xã hội kiểu cách mạng văn hóa thời Mao Trạch Đông, đã làm cho ông, như nhận xét của Nhật báo Hoa Nam Buổi sáng (HK), trở thành “kẻ thù tệ hại nhất của chính mình”.

Tấm gương soi của lịch sử Trung Quốc cho thấy muốn làm cách mạng hay cải cách đều phải có thời, theo quy luật “cùng tắc biến, biến tắc loạn, loạn tắc thông”. Nếu không có 10 năm đại loạn dưới thời Cách mạng văn hóa chắc gì Đặng Tiểu Bình dễ dàng phất ngọn cờ cải cách? Nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tuy Bạc Hy Lai cùng “mô hình Trùng Khánh” đã bị gạt ra ngoài cuộc chơi, nó hé mở một hướng cải cách mới hiện đại hơn không quá rẽ sang trái hay sang phải. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thế hệ thứ năm sẽ có nhiều tự do hơn tìm kiếm lựa chọn một giải pháp đồng thuận và thúc đẩy nhanh các biện pháp cải cách.

Cải cách hay nguyên trạng - chỉ có người Trung Quốc cùng với thời gian mới trả lời được câu hỏi ấy.

Ông Bạc Hy Lai chắc vẫn giữ được ghế trong Bộ chính trị đến Đại hội 18, có thể nghiền ngẫm câu nói nổi tiếng một thời của ông Chu Dung Cơ lúc đương chức thủ tướng: “Tương lai chính trị của tôi đầy bãi mìn và vực sâu”./.

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/6/y-kien-binh-luan/102419/trung-quoc-cai-cach-hay-nguyen-trang.aspx