Trung - Nhật ngọt ngào, châu Phi chọn 'hi vọng' hay 'hữu nghị'?

Cuộc chiến mới giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang diễn ra tại châu Phi với nhiều yếu tố mới lạ...

Không chỉ gặp nhau trên biển, trên không, hai cường quốc chấu Á, Trung Quốc và Nhật Bản còn kéo nhau sang Lục địa đen, tạo ra cuộc chiến căng thẳng và gay cấn, tờ Diplomat của Nhật vừa đưa tin.

Chiến trường kiêm thương trường

Theo Diplomat, cuộc chiến mới giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang diễn ra tại châu Phi với nhiều yếu tố mới lạ, biến nơi này vừa là thương trường vừa là chiến trường. Căng thẳng kèm theo cạnh tranh khốc liệt, kéo theo hàng loạt những cuộc chiến bất ngờ khác.

Ví dụ, cuộc đối đầu giữa các phương tiện truyền thông Trung- Nhật trong vấn đề tranh chấp chủ quyền quần biển đảo hay trong lĩnh vực ngoại giao.

Nhật Bản hiện đang cố gắng làm hết sức mình để tăng cường quan hệ với các nước ASEAN, nhằm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc tới các quốc gia trong khu vực, và giờ đây sự canh tranh không còn bó hẹp trong khu vực, mà lan sang cả châu Phi, khu vực hầu như đã bị Nhật Bản lãng quyên gần một thập kỷ.

Lục địa Đen, thương trường kiêm chiến trường của hai cường quốc châu Á Trung - Nhật

Người ta còn nhớ đầu năm 2014, cả Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị lẫn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đều có mặt tại châu Phi. Thủ tướng Shinzo Abe đã có chuyến công du châu Phi một tuần thăm ba quốc gia, gồm Bờ Biển Ngà, Mozambique và Ethiopia. Còn ông Vương của Trung Quốc lại tới thăm Ethiopia, Djibouti, Ghana và Senegal.

Chuyến đi của hai nhà lãnh đạo tới Lục địa đen trong bối cảnh quan hệ Trung-Nhật lạnh nhạt làm cho thế giới không khỏi ngạc nhiên, dấu hiệu của một cuộc chiến mới mang màu sắc "cạnh tranh mang tính địa chính trị kiêm kinh tế". Chắc không phải nói nhiều, dư luận đều biết mục đích của việc Tokyo lẫn Bắc Kinh tới châu Phi mặc dù cả hai đều phủ nhận về sự tranh giành ảnh hưởng của mình.

Theo phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), việc bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc đến châu Phi không phải để đối phó với Nhật Bản và ai đó nếu cứ khư khư quan điểm cho rằng Trung Quốc đến châu Phi là vì tài nguyên là sai lầm, không hiểu gì về mối quan hệ Trung Quốc với các nước châu Phi.

Chuyến thăm này thể hiện mối quan hệ truyền thống của Bắc Kinh với các quốc gia châu Phi, "một cách chân thành và vô tư" hay "những ai đang tìm cách làm to chuyện đối đầu tại châu Phi là một sai lầm đáng tiếc”, bà Hoa Xuân Oánh quả quyết.

Về phía Nhật, ông Hiroshige Seko, Phó Tổng thư ký nội các Nhật Bản phát biểu trước hãng tin AP rằng, việc Thủ tướng Shinzo Abe tới châu Phi không liên quan gì đến quan hệ với Trung Quốc, không có sự cạnh tranh với Bắc Kinh. Đơn giản là tăng cường mối quan hệ hợp tác, bởi đây là nơi giàu tài nguyên thiên nhiên.

Nhân sự kiện này, tờ New York Times của Mỹ cũng nhận định, việc tăng cường mối quan hệ với châu Phi là một phần trong chiến lược ngoại giao của ông Abe để phục vụ cho chiến lược kinh tế mang tên Abenomics.

Trung Quốc cố gắng hết sức mình để tăng cường ảnh hưởng tại các nước châu Phi

Khi tới thăm Ethiopia, Thủ tướng Nhật đã tái khẳng định tầm quan trọng của châu Phi trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản và coi "Lục địa đen là niềm hy vọng đối với người Nhật”, “Khi các công ty Nhật Bản thấy được tiềm năng phát triển ở châu Phi, họ sẽ tự nguyện đầu tư vào khu vực này và cũng từ đây sự tin tưởng lẫn nhau sẽ được hình thành và củng cố”.

Nhật Bản cũng mong muốn đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác với Liên minh châu Phi, thông qua các khoản viện trợ cho các quốc gia, đối tác tại khu vực này. Nói cụ thể hơn, Nhật Bản sẽ tập trung vào vấn đề kinh tế để thúc đẩy mối quan hệ phát triển vì vậy mà trước chuyến thăm của ông Abe, tờ Asahi Shimbun của Nhật đã tiết lộ nhiệm vụ chính của chuyến đi của thủ tướng là tìm kiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá cũng như cơ hội đầu tư cho các công ty của Nhật.

Còn Trung Quốc lại nhấn mạnh "tình hữu nghị" mặc dù các công ty Trung Quốc cũng đang thâm nhập ngày càng sâu vào khu vực, thậm chí Trung Quốc còn có ý định biến lục địa đen thành nơi cung cấp lương thực cho người Hoa trong tương lai nhưng những điều này lại không được nhắc đến trong các văn kiện hay trong các bài phát biểu chính thức.

Các bài phát biểu của ông Vương Nghị lại tập trung vào mối quan hệ giữa chính phủ với chính phủ. Ví dụ, ở Senegal, ông Nghị kêu gọi cả hai chính phủ nên "hợp tác hơn nữa vì mục đích hai bên cùng có lợi". Hoặc tại Ghana, ông Vương cũng nhắc lại điệp khúc này, rằng " thúc đẩy hợp tác hơn nữa vì tình hữu nghị truyền thống”.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/ho-so/trung--nhat-ngot-ngao-chau-phi-chon-hi-vong-hay-huu-nghi-3321295/