Trứng kiến - món lạ giảm stress, tăng cường sinh lý

Món ăn lạ từ trứng kiến khá ngon, tốt cho sức khỏe, giảm stress, tăng cường sinh lý... đang gây chú ý các bà nội trợ.

Trứng kiến nào ngon?

Có 2 loại trứng kiến ăn được là loại đen và vàng. Trứng kiến đen thơm ngon, bùi ngọt. Trứng kiến vàng có mùi hắc, khó ăn nên phía Nam chuộng hơn.

Trứng kiến ở phía Bắc hay ăn là kiến đen (kiến ngạt), có phần bọng đuôi cong tớn về phía trước), hay làm tổ trên các chạc cây vải, nhãn, hồng xiêm, các cây gỗ, tre trên rừng… Trứng kiến hầu hết do thương lái cất công buôn từ Phú Thọ, Bắc Giang, Cao Bằng, Yên Bái... về cung cấp cho các nhà hàng ở Hà Nội.

Tổ kiến ngon, nhiều dinh dưỡng là loại tổ có nhiều trứng ở độ căng tròn mọng sữa, trắng muốt, có lớp màng trắng phủ đều kết nối các lá bọc ngoài. Trứng kiến trắng mịn, hạt trứng như những con nhộng ong bé xíu và mềm mượt nhưng sạch hơn nhộng ong rất nhiều.

Tổ trứng non có ít trứng, lại bé, dễ dập vỡ. Tổ già thì trứng nở gần hết, vừa ít trứng vừa lắm con. Giá 1kg trứng kiến tương đương với 1kg thịt lợn ngon, nhưng ra tới nhà hàng thì tới 350.000 – 400.000 đ/kg.

Món xôi trứng kiến cực kỳ ngon, bùi, béo ngậy. Ảnh minh họa.

Món xôi trứng kiến cực kỳ ngon, bùi, béo ngậy. Ảnh minh họa.

Các món từ trứng kiến

Trứng kiến có thể chế biến thành nhiều món ngon như món canh trứng kiến lá lốt, trứng kiến chiên bơ, chiên sốt hành, xào cay, cuốn lá lốt, canh trứng kiến cá giòn, lươn nấu trứng kiến, bánh trứng kiến... giá 300.000 – 700.000 đồng tùy món.

Có những món trứng kiến nổi tiếng như bánh trứng kiến (Cao Bằng), xôi trứng kiến nổi tiếng của Ninh Bình… đã chinh phục được người Hà Nội với giá 120.000 đồng/đĩa.

Nhưng trứng kiến là đặc sản mỗi nơi mỗi khác. Ở phía Nam hay ăn trứng kiến vàng tươi sống tại chỗ có vị béo, thơm rất ngon và lạ miệng. Món trứng kiến vàng rang lửa vửa rộm, thêm chút nước mắm ngon thành món thơm nồng, béo bùi của dân nhậu.

Miền núi có đặc sản trứng kiến nấu măng sặt có vị thơm ngọt của măng tươi, béo bùi của trứng kiến.

Ở Bình Định có đặc sản nộm trứng kiến xào chín trộn dưa leo, ớt, bưởi và đài hoa đực của mít thái mỏng, rắc thêm đậu phộng đủ mùi vị chát, chua cay, giòn sật, thoảng vị béo bùi của trứng kiến.

Ở Củ Chi có đặc sản món canh trứng kiến nấu với lá giang, thân chuối là thanh nhã, hương vị đậm đà, độc đáo; Trứng kiến trộn gỏi đu đủ, gỏi bưởi; Nộm trứng kiến với món hoa chuối dậy vị cay, chát, chua, ngọt, giòn tan. Món dưa cải kho trứng kiến cũng rất hấp dẫn.

Ở Minh Hóa (Quảng Bình) có đặc sản canh chua lá bún nấu trứng kiến rất ngon. Nhưng ăn trứng kiến phải biết cách, ăn chậm, nhấm nháp từng chút một mới thấm thía cái vị béo bùi, ngon ngọt của món.

Trứng kiến bán ở chợ miền núi. Ảnh minh họa.

Cẩn thận khi ăn trứng kiến

Từ 2002 – 2006, Bệnh viện Y học Cổ truyền TƯ đã thử nghiệm lâm sàng trên người, cho thấy bệnh nhân sử dụng rượu ngâm trứng kiến gai đen có cải thiện về sức khỏe, thần kinh, tăng cường năng lượng cho người lao động trí óc, người suy nhược cơ thể, tăng cường chức năng sinh lý, hỗ trợ chứng suy giảm sinh dục của nam giới hay các vấn đề về cơ, xương, khớp, xua tan căng thẳng, mệt mỏi lo âu.

Kiến đen (hắc mã nghị, con ngạt), là dược liệu quý, có vị mặn, cay, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, giảm đau, giảm stress, tăng cường sinh lý, chữa viêm khớp, tê thấp, viêm gan mãn tính…

Trứng kiến đen thổi xôi ăn hằng ngày là món thuốc bổ, tăng cường thể lực, giúp phụ nữ có làn da đẹp, mịn màng, tươi tắn.

Nhưng ăn đặc sản lạ nào cũng cần tìm hiểu nguồn gốc để tránh rước họa vào thân. Như trứng kiến bổ, nhiều đạm, nhưng có thể gây dị ứng cho người ăn. Người có cơ địa hay dị ứng, hoặc đã từng dị ứng với nhộng ong, nhộng tằm... nên cảnh giác với các món ăn có trứng kiến. Hoặc ăn ít một xem cơ thể có phản ứng gì không. Nếu có hiện tượng lạ thì không nên ăn nữa.

Ngọc Hà

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/an/trung-kien-mon-la-giam-stress-tang-cuong-sinh-ly-20161128152501114.htm