Trung cấp, cao đẳng nghề được liên thông lên đại học: Gỡ “bí” cho các trường nghề

Sáng 28-10, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB &XH) và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết Thông tư liên tịch hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp (TC) nghề, cao đẳng (CĐ) nghề lên trình độ CĐ và đại học (ĐH). Việc kí kết này không chỉ tạo cơ hội cho người lao động được học suốt đời mà còn giúp các trường nghề “cởi trói” nỗi lo vào mùa tuyển sinh. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga.

Xin ông cho biết đối tượng nào được học liên thông? Những trường được phép dạy liên thông phải đáp ứng những điều kiện gì? Đối tượng được liên thông là những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề và cao đẳng nghề cùng ngành nghề đào tạo, được dự thi tuyển sinh đào tạo liên thông lên trình độ CĐ và ĐH theo quy định về đào tạo liên thông của Bộ GD&ĐT. Người đã tốt nghiệp trung cấp nghề, nếu chỉ tốt nghiệp THCS phải học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp các môn văn hóa THPT đạt yêu cầu theo quy định của Bộ GD&ĐT. Về phía các trrường CĐ, ĐH được giao nhiệm vụ đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, CĐ nghề lên trình độ CĐ, ĐH phải đảm bảo các điều kiện: Đã có quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc giao nhiệm vụ mở ngành đào tạo hệ chính quy trình độ CĐ, ĐH; đã xây dựng hoàn chỉnh chương trình đào tạo liên thông từ trình độ TC nghề, CĐ nghề lên trình độ CĐ, ĐH theo quy định về đào tạo liên thông của Bộ GD&ĐT. Hiện nay nhiều học sinh không muốn thi vào cao đẳng vì tốt nghiệp cao đẳng ra trường vẫn phải hưởng lương trung cấp. Vậy tới đây hai Bộ có giải pháp như thế nào? Đúng là hiện nay bậc cao đẳng thì mức lương chưa xác định. Phần lớn các em học cao đẳng ra trường thường được trả mức lương gần bằng đại học hoặc trung cấp, tùy vào từng đơn vị. Tuy nhiên, sắp tới Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH sẽ có cuộc làm việc về vấn đề trình độ tốt nghiệp, mỗi trình độ tốt nghiệp khác nhau sẽ có mức lương xác định, không bị lẫn lộn giữa trình độ trung cấp và CĐ. Các trường CĐ nghề và TC hiện rất hào hứng về việc liên thông, nhưng nhiều trường đại học thì e dè vì “vênh nhau” giữa hệ thống đào tạo của Bộ GD&ĐT với hệ thống đào tạo của các trường nghề. Để việc liên thông được thuận lợi thì hai Bộ có giải pháp cụ thể như thế nào, thưa ông? Thông tư này nói rõ các trường muốn đào tạo liên thông từ trung cấp nghề, lên CĐ, ĐH thì phải đăng ký. Trong bản đăng ký phải ghi cụ thể ngành, chương trình đào tạo của các hệ này. Ví dụ như một trường muốn bổ sung bao nhiêu kiến thức về lý thuyết của môn, ngành phải ghi cụ thể, trên cơ sở đó, Bộ xem xét và cho các trường ấy được đào tạo liên thông của hệ này, chứ không phải trường nào thích đào tạo là được. Ngoài ra, Bộ sẽ có những văn bản hướng dẫn cụ thể để các trường bổ sung đầy đủ kiến thức cho các em. Thưa ông, chỉ tính riêng trong hệ thống giáo dục của Bộ GD&ĐT thì chất lượng liên thông được đánh giá có một “khoảng tối”, nay lại có thêm liên thông cao đẳng nghề và trung cấp nghề liệu có gây sự quá tải đối với các trường đại học? Theo quy định, các trường đăng ký và nhận chương trình liên thông thì phải khai báo về cơ sở vật chất và con người. Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh qua việc giao chỉ tiêu cho các trường. Có nhiều trường sẽ không được giao chương trình này. Trường nào có hệ thống cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực tốt sẽ được giao chỉ tiêu và ngược lại, những trường không đạt chuẩn sẽ không được giao liên thông. Việc được phép liên thông không chỉ mở lối ra cho người học nghề mà còn giúp các trường đào tạo nghề có thể tuyển sinh và đào tạo tốt hơn. Hơn nữa, việc liên thông sẽ tạo điều kiện cho hệ thống giáo dục truyền thống của Bộ GD&ĐT phát triển nhanh chóng, tạo được những công nhân, cán bộ khoa học công nghệ đáp ứng được môi trường lao động mới. Xin cảm ơn ông! Lan Hương (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=19283&menu=1434&style=1