Trump có thể là 'Tổng thống phản khoa học' nhất của Mỹ

Nhiều học giả Mỹ bày tỏ lo ngại khi Donald Trump thắng cử và gọi ông là tổng thống phản khoa học đầu tiên của nước này.

Các vấn đề khoa học hầu như không được Donald Trump đề cập đến trong giai đoạn vận động tranh cử, theo Washington Post. Nhiều học giả trong cộng đồng nghiên cứu tỏ ra không mấy vui vẻ với viễn cảnh Trump lên nắm quyền.

"Trump sẽ là tổng thống phản khoa học đầu tiên mà chúng ta từng có",Nature hôm qua dẫn lời Michael Lubell, giám đốc các vấn đề công cộng của Hiệp hội Địa lý Mỹ. "Những hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng".

"Nhiều người lo ngại cơ sở hạ tầng khoa học ở Mỹ sẽ xuống cấp", Robin Bell, nhà địa vật lý ở Đài quan sát Trái Đất Lamont-Doherty thuộc Đại học Columbia kiêm chủ tịch Liên đoàn Địa vật lý Mỹ, cho biết.

Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump tỏ ra hoài nghi về vấn đề biến đổi khí hậu. Ảnh: BGR.

Biến đổi khí hậu

Mối quan tâm hàng đầu của các nhà khoa học là quan điểm của Trump về biến đổi khí hậu. Khi còn là ứng viên tổng thống Mỹ, Trump ủng hộ hoãn ký kết Thỏa thuận chung Paris về chống biến đổi khí hậu đầu năm này và tuyên bố sẽ bỏ các quy định về môi trường.

Đáp lại một câu hỏi về biến đổi khí hậu trên trang ScienceDebate.org, Trump cho rằng vẫn còn nhiều thứ cần tìm hiểu trong lĩnh vực này.

"Có vẻ như viễn cảnh sắp tới sẽ không mấy tốt đẹp", Joshua Drew, giảng viên Khoa sinh thái học, Tiến hóa và Sinh học môi trường ở Đại học Columbia, nói. "Lớp tôi đang dạy học về sinh thái biển và cửa sông, và chúng tôi bao hàm rất nhiều chủ đề như biến đổi khí hậu toàn cầu, mực nước biển gia tăng, axít hóa đại dương. Việc Trump tỏ ra không tin tưởng vào các vấn đề nêu trên là dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ không đưa ra chính sách giải quyết".

Theo Bell, một số nhà nghiên cứu chia sẻ thái độ hoài nghi trước tình hình biến đổi khí hậu của Trump khiến họ lo ngại về cách tân tổng thống xem xét vấn đề khoa học ở những lĩnh vực khác.

Cấp kinh phí nghiên cứu

Dù Trump hứa sẽ cắt giảm chi tiêu của chính phủ liên bang, ông không nêu rõ dự định về nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học. Đa số học giả thực hiện nghiên cứu với khoản trợ cấp từ các cơ quan chính phủ như Viện Y tế Quốc gia (NIH) và Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF).

Trong lịch sử, nguồn kinh phí cấp cho các cơ quan nghiên cứu thường cao hơn dưới thời cầm quyền của Đảng Cộng hòa. Một nghiên cứu vào năm 2015 trên Tạp chí Chính sách Khoa học và Lãnh đạo chỉ ra khi Đảng Dân chủ kiểm soát chính phủ, kinh phí dành cho Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) và Bộ Giao thông tăng lên trong khi kinh phí cấp cho NIH, NSF và Bộ Nông nghiệp giảm.

Tuy nhiên, Trump không phải là ứng viên thông thường đến từ Đảng Cộng hòa và nhiều khả năng ông sẽ không tuân theo thông lệ khi giữ chức tổng thống.

"Tôi chỉ cảm thấy có quá nhiều điều không chắc chắn", Meghan Duffy, nhà sinh thái học về bệnh dịch ở Đại học Michigan, chia sẻ. "Tôi có chức vụ nên nếu kinh phí giảm, tôi không chịu nhiều ảnh hưởng. Nhưng tôi biết nhiều người mới bước vào nghề và thực sự lo ngại tác động tới kinh phí khi Trump lên làm tổng thống. Việc giảm kinh phí có thể khiến họ khó theo đuổi nghiên cứu khoa học".

NASA

Trump từng bày tỏ ủng hộ đối với nghiên cứu không gian. Khi trả lời trang ScienceDebate.org, Trump viết khám phá vũ trụ sẽ thu hút nhiều sự quan tâm tới giáo dục khoa học, mang lại nhiều việc làm và nguồn đầu tư cho đất nước. "Quan sát không gian và khám phá vũ trụ xa xôi bên ngoài hệ Mặt Trời của chúng ta nên được xếp vào nhóm ưu tiên hàng đầu", ông nói.

Tuy nhiên, Trump từng chỉ trích NASA tại hội trường thành phố ở Daytona Beach, Florida hồi tháng 8. Ông nhận xét chương trình vũ trụ của NASA giống như đến từ "một quốc gia ở thế giới thứ ba". Trump cũng nhận định kinh phí dành cho khám phá vũ trụ nên được cân nhắc sau những mối quan tâm khác.

Tương lai không chắc chắn

Leighton Ku, giáo sư nghiên cứu chính sách và quản lý y tế ở Đại học George Washington, nhấn mạnh rất khó dự đoán chính quyền Trump sẽ ảnh hưởng tới khoa học như thế nào trước khi ông nhận chức.

Phần lớn quyết định về kinh phí và chỉ đạo nghiên cứu đều đến từ Quốc hội cũng như người đứng đầu các cơ quan chính phủ. Trump tiết lộ rất ít về những người ông sắp chỉ định vào cơ quan nghiên cứu.

Chính sách nhập cư, một trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của Trump, cũng chưa được nêu rõ. Theo Ku, chắc chắn các nhà khoa học tài năng nhập cư vào Mỹ để học tập hoặc làm việc vẫn được chào đón.

Nhưng nhiều học giả có thể không muốn đến Mỹ. "Ai đó có thể đang băn khoăn 'Liệu mình có thực sự muốn tới Mỹ không nếu môi trường ở đây không thân thiện với những người nhập cư'", Ku nói.

Theo Vne

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/trump-co-the-la-tong-thong-phan-khoa-hoc-nhat-cua-my-92382/