Trump - Clinton: Ai thắng - Ai thua?

(Baonghean) - Hôm qua 10/10, cuộc tranh luận thứ 2 giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ đã diễn ra tại trường Đại học Washington ở thành phố St. Louis, bang Missouri. Đây là 1 trong 3 cuộc tranh luận trực tiếp rất quan trọng giữa hai ứng viên nhằm khẳng định hình ảnh và ghi những điểm ủng hộ trong chặng nước rút từ cử tri Mỹ.

Sau 90 phút đấu khẩu, dư luận đánh giá ứng viên Clinton đã chiến thắng ông Trump kể cả về nội dung cũng như phong thái tranh luận. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cả hai ứng viên đều “chưa thắng” trong trận chiến thứ hai này.

Hai ứng viên Tổng thống Mỹ bị đánh giá đã có màn trình diễn “xấu xí” trong cuộc tranh luận trực tiếp thứ 2 diễn ra ngày 10/10. Ảnh: Getty.

Không ai vượt trội

Ngay sau cuộc tranh luận, kết quả thăm dò của kênh CNN và hãng ORC cho thấy, ứng cử viên đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton đã giành chiến thắng áp đảo ứng viên đảng Cộng hòa là ông Donald Trump với tỷ lệ áp đảo 57% và 34%. Thực tế không phủ nhận rằng, trong 90 phút tranh luận hôm qua, bà Clinton đã có những điểm cộng so với ông Trump vẫn bằng phong thái điềm tĩnh và tự tin hơn. Đặc biệt, sự thay đổi hình thức mở với các câu hỏi trực tiếp của các cử tri dường như đã dồn ứng viên Trump vào thế khó.

Thế nhưng trong 90 phút đó, người ta cũng thấy không ít khoảnh khắc ứng viên Clinton lúng túng trước đối thủ của mình. Đó là những cái chau mày hoặc nhăn nhó trước những đòn tấn công dồn dập của đối phương. Không chỉ vậy, bà Clinton còn bị đánh giá là chưa đưa ra các câu trả lời thực sự thuyết phục trong một loạt vấn đề, cũng như chưa “bắt” được điểm yếu sơ hở của đối thủ để bứt phá ghi thêm điểm.

Bởi vậy, nhiều ý kiến còn cho rằng, nếu không xét về nội dung thì tỷ phú Trump ngày hôm qua đã thành công trong việc thực hiện một cuộc tấn công áp đảo vào bà Clinton. Nhưng đáng tiếc, cũng chính điều này đã khiến ông Trump bị coi là “quá khích” và không tôn trọng đối thủ.

Dù theo thăm dò dư luận sau tranh luận, ứng viên Hillary Clinton có tỷ lệ ủng hộ cao hơn ứng viên Donald Trump, nhưng những con số chưa phải là tất cả. Ảnh: AP.

Cuộc đấu khẩu “xấu xí”

Nhìn lại toàn bộ cuộc tranh luận thứ hai, các nhà quan sát bình luận rằng, đây là một sự kiện hiếm hoi trong lịch sử bầu cử Mỹ. Một phép lịch sự tối thiểu là cái bắt tay xã giao bắt đầu tranh luận cũng đã bị hai ứng viên bỏ qua.

Tiếp đó, những gì diễn ra trong suốt 90 phút thực sự là cuộc đối đầu vô cùng “xấu xí”. Hàng loạt tờ báo sau đó đã đều đưa ra nhận định như vậy. Như Washington Post đã phải bình luận rằng, đây là một điểm đen trong lịch sử bầu cử nước Mỹ, khi cả hai ứng viên chỉ chăm chăm tập trung vào công kích và lăng mạ lẫn nhau.

Có thể thấy, nhiều vấn đề nóng bỏng vẫn được đề cập như biến đổi khí hậu, năng lượng, đạo luật Obamacare, cuộc khủng hoảng Syria …, thế nhưng những gì đọng lại sau cuộc tranh luận chỉ là hình ảnh hai ứng viên đỏ mặt chỉ trích và ngắt lời nhau.

Nhiều nhà bình luận còn cho rằng, đây là một màn trình diễn của những màn tấn công cá nhân, xoay quanh các bê bối của nhau mà thôi. Thể hiện nữa là ngay trước khi tranh luận bắt đầu, ứng viên Trump đã bất ngờ tổ chức buổi họp báo để giới thiệu 3 người phụ nữ tự xưng là nạn nhân các vụ tấn công tình dục của cựu tổng thống Bill Clinton.

Tiếp đó, cuộc tranh luận đã mở màn căng thẳng khi cả hai dành tới gần 20 phút để công kích và phản bác lẫn nhau về việc cựu Ngoại trưởng Mỹ sử dụng hòm thư cá nhân. Thời điểm cao trào là khi ông Trump chen ngang và đe dọa sẽ “bỏ tù” bà Clinton nếu ông làm tổng thống.

Mặc dù vào cuối buổi tranh luận, đã có một diễn biến khá bất ngờ khi cả hai đã dành cho nhau những lời có cánh. Theo đó bà Clinton nói rằng, bà tôn trọng những đứa trẻ nhà Trump, trong khi đó ông Trump khẳng định coi bà Clinton là một “chiến binh không bao giờ đầu hàng”. Nhưng sự gượng ép đã thể hiện rõ trong tuyên bố của cả hai ứng viên.

Với những thể hiện như vậy, nhận định cả hai ứng viên đều chưa chiến thắng trong cuộc tranh luận thứ hai có lẽ hoàn toàn thuyết phục. Nó cũng thể hiện cán cân chưa nghiêng hẳn về bên nào cho đến thời điểm hiện nay.

Người dân tụ tập để xem cuộc tranh luận của hai ứng viên Tổng thống Mỹ tại một sự kiện do Câu lạc bộ các đảng viên trẻ đảng Cộng hòa tại New York tổ chức tại Madison Square Tavern ở Manhattan, New York ngày 9/10. Ảnh: Reuters.

Trump khủng hoảng - Clinton mờ nhạt

Xét đến chặng đường phía trước, về phía ứng viên đảng Cộng hòa, bê bối video clip thô tục về phụ nữ đã trở thành điểm trừ không thể tồi tệ hơn của ứng viên Trump. Sau khi đoạn video được công bố, hơn 40 nghị sĩ Cộng hòa tuyên bố không ủng hộ hoặc rút sự ủng hộ đối với ông Trump. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử chính trị Mỹ đương đại.

Các cuộc thảo luận về việc thay ứng viên Trump cũng đang diễn ra một cách nghiêm túc trong nội bộ phe Cộng hòa. Thế nhưng, Đảng Cộng hòa Mỹ lại đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Vì dù rất muốn thay thế ông Trump nhưng đảng này lại không thể chủ động, trừ khi ông Trump tự nguyện ra đi.

Đặt trong trường hợp một ứng cử viên khác được thay thế thì khả năng giành chiến thắng đảng Cộng hòa lại càng khó hơn. Lúc này có ý kiến còn cho rằng, chỉ có phép màu mới cứu vãn được ông Trump cũng như phe Cộng hòa.

Trong khi đó về phía đảng Dân chủ, cho đến hiện nay, dư luận có phần nghiêng về nữ cựu ngoại trưởng Mỹ Clinton. Nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng, những gì bà Clinton thể hiện vẫn là chưa đủ. Một sự giằng co không đáng có với đối thủ, các câu trả lời không rõ ràng và thiếu thuyết phục trong cuộc tranh luận lần 2 đã khiến bà Clinton chưa thể vượt lên bứt phá. Có nghĩa, bà vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cử tri.

Bởi vậy, dư luận vào lúc này đang tiếp tục hướng đến cuộc tranh luận thứ 3 sẽ diễn ra tại Nevada vào ngày 19/10 tới đây. Tuy nhiên, cuộc tranh luận thứ 3 này diễn ra chỉ trước 1 ngày khi cử tri của 34 bang Mỹ bắt đầu bỏ phiếu sớm; tức là sẽ không có nhiều thời gian để cuộc tranh luận thứ 3 có thể tác động đến cử tri.

Theo Hiến pháp Mỹ, ứng cử viên tổng thống nào giành được 270 phiếu trong tổng số 538 phiếu đại cử tri sẽ được tuyên bố thắng cử. Theo thăm dò mới đây, ứng viên Clinton hiện giành được 226 phiếu đại cử tri còn ứng viên Donald Trump mới nhận được khoảng 165 phiếu. Nhưng với những gì cả 2 ứng viên đã thể hiện cho đến giờ phút này, ai thắng - ai thua vẫn sẽ còn là câu hỏi chưa thể có lời đáp.

Khang Duy

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/quoc-te/201610/trump-clinton-ai-thang-ai-thua-2743544/