Trục lợi bảo hiểm kiểu man rợ!

Lịch sử bảo hiểm phương tiện và thân thể trên thế giới đã ghi nhận nhiều vụ trục lợi khủng, giá trị đền bù đến nhiều triệu USD. Những phi vụ khủng chủ yếu là tự hoặc thuê phá hủy các phương tiện vận tải có giá trị lớn như: Tự gây cháy tàu, gây chìm tàu trên đại dương… Những phi vụ trục lợi bảo hiểm thân thể nếu trót lọt có mức đền bù hàng trăm nghìn USD… Những vụ án gian lận như thế từng được phanh phui ở Mỹ, Tây Ban Nha…

L.T.N tại cơ quan điều tra

Ở Việt Nam, ngay tại Thủ đô Hà Nội vừa xảy ra vụ trục lợi bảo hiểm thân thể mà câu chuyện khiến nhiều người kinh hãi! Chị L.T.N (Phúc Thọ, Hà Nội) thuê “đao phủ” chặt chân trái và tay trái của chị với giá 50 triệu đồng! “Đao phủ” đã hạ kiếm và hoàn tất nhiệm vụ, lĩnh trước 20 triệu đồng. Công đoạn còn lại là các bộ phận của bảo hiểm kiểm tra, xác minh hiện trường, thẩm định, lập hồ sơ tiến tới đền bù cho người bị nạn.

Tuy nhiên, những dấu hiệu không bình thường trong vụ tai nạn đường sắt do chị N tạo ra đã khiến các cơ quan chức năng vào cuộc, sự thật đã được phơi bày.

Chị N là nạn nhân thật đáng thương và đáng trách. Bản thân chị đã có tiền án, tiền sự, làm ăn thua lỗ, nợ nần hàng trăm triệu. Người thân đã cố giúp sức trả nợ nhưng không xuể… Có lẽ đây là quyết định cùng quẫn của chị N, nhưng cú lừa đã không qua mắt được cơ quan bảo hiểm, đặc biệt có sự vào cuộc của cơ quan cảnh sát điều tra.

Dư luận xã hội đang có những quan điểm trái chiều: Nhiều người dân và ngay cả một số luật sư đề nghị đưa vụ việc ra công đường để xử “đao phủ” và chị N về tội cấu kết lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu “đao phủ” chỉ được thuê hạ kiếm chặt đứt chân tay với giá thuê 50 triệu đồng, chứ không được biết việc chặt chân tay để làm gì, thì “đao phủ” dễ khép vào tội “cố ý gây thương tích”.

Thế nhưng, Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết: Không khởi tố vụ án hình sự đối với chị L.T.N bởi chị N có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng chưa hoàn thành. Phía bảo hiểm chưa chi trả, bồi thường. Mặt khác, Công an đã kịp thời ngăn chặn. Tài sản chưa bị chiếm đoạt nên chưa cấu thành tội phạm.

Nhiều người xót xa cho thân phận chị N khi có một lý lịch trước đó không trong sáng, các con lại phải sống xa mẹ, khoản nợ lớn lấy đâu ra tiền trả. Trong khi bản thân đã cụt một bàn chân, một bàn tay. Quyết định dại dột và nguy hiểm của chị N có nguồn gốc sâu xa đã “nhúng chàm”, làm ăn thua lỗ, nợ nần khiến chị nghĩ quẩn và chọn giải pháp đau buồn như đã nêu trên. Số phận của kẻ “đao phủ” liệu có bị cơ quan chức năng truy tố về tội “cố ý gây thương tích” cũng đang là câu chuyện được nhiều người bàn.

Theo một số luật sư chuyên về lĩnh vực hình sự thì, nếu chị N không có đơn khiếu nại để cơ quan công an đưa chị N đi giám định thương tật thì chưa có căn cứ để khởi tố tội danh này.

Câu chuyện thuê “đao phủ” chặt chân tay để trục lợi bảo hiểm của chị L.T.N là bài học đắt giá cho những người do nhận thức pháp luật còn hạn chế, hoặc hám lợi từ khoản tiền đền bù tương đối lớn hoặc bị sa chân đến cảnh khốn cùng nên đã không bình tĩnh trước một quyết định nguy hiểm.

Trong khi đó, hoạt động của ngành bảo hiểm vừa chặt chẽ về tính pháp lý, vừa giầu kinh nghiệm trong hoạt động thẩm tra, giám định, truy tìm nguồn gốc, quan hệ đa chiều trong xã hội. Cho nên mọi sự gian lận đều khó có thể qua mặt họ.

Thế Lữ

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/theo-dong-thoi-cuoc/truc-loi-bao-hiem-kieu-man-ro_t114c68n108241