Trong sương mù tháng Giêng

Văn chương đương đại của những người ưa cách tân có thể sẽ nhận định Sương mù tháng Giêng là tiểu thuyết 'hậu hiện đại' thậm chí... rất hiện đại. Nhưng tôi, trong chủ kiến của mình, vẫn xem đây là trải nghiệm bước đầu tiểu thuyết lịch sử của Uông Triều.

Phơi mở tiếng nói nội tâm

Sương mù tháng Giêng (Tiểu thuyết của Uông Triều, NXB Trẻ, 2015) không đi theo hướng chương hồi, luận giải lịch sử hay tiểu thuyết sử giáo huấn như các bậc tiền nhân, cũng không phải chiếu cái nhìn dương bản của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông (1285, 1287). Uông Triều, một “kẻ hiện đại ham thích chuyện lịch sử” đã khơi mở những vấn đề ẩn khuất và lay động con người. Bên cạnh những trang văn sáng ngời hào khí Đông A thì xuyên suốt cuốn sách ken dày “tiếng kêu la, khóc lóc thảm thiết”, “tiếng bước chân dồn dập, gươm giáo sáng lòe”... Từ những con người nhỏ bé, vô danh đến những binh lính và vĩ nhân trên hai chiến tuyến đều được cất lên tiếng nói của mình. Nỗ lực đối thoại và phản biện lại với lịch sử, tiểu thuyết của Uông Triều đã vén lớp “sương mù” của diễn ngôn lịch sử, tái hiện cuộc truy vấn giữa quá khứ - hiện tại, kiến tạo một lịch sử “có thể xảy ra”.

Lịch sử làm ra bởi con người. Vì vậy, sáng tạo văn học về đề tài lịch sử không phải là công việc kể lại một câu chuyện đã diễn ra mà cái cốt yếu là dựng nên gương mặt, tiếng nói, uẩn khúc tâm tư của các nhân vật góp phần làm nên lịch sử ấy. Về phương diện này, có thể nói Uông Triều đã thực sự thành công khi xây dựng hệ thống nhân vật phong phú với tiếng nói nội tâm, cuộc sống đời thường đầy những toan tính, ham muốn, buồn vui, lo sợ. Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, tướng tài lừng lẫy, được phong Phiêu kỵ tướng quân, quyền chức phán thủ nhưng vì mối tình ngang trái với công chúa Thiên Thụy mà phải về đất Chí Linh bán than kiếm sống. Chính sử coi việc buôn bán của ông là hèn mọn, xem ông là kẻ “có tính tham lam, thô bỉ” (Đại Việt sử ký toàn thư) nhưng Uông Triều lại cho rằng “ngài chỉ bạo liệt và không khéo” (tr.148). Tác giả đối thoại với Khánh Dư để Nhân Huệ vương bày tỏ lòng mình rằng “dân đen hay tướng soái cũng phải sống thôi [...] Ta không tin lời sáo rỗng, gian dối. Làm người, ai chẳng phải nghĩ đến mình, cứ cho rằng việc buôn bán là hèn hạ, nhiều khi chăm chăm giữ mình quá, hóa ra không phải kẻ thức thời” (tr.147). Thượng hoàng Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông không chỉ hiện thân với tầm vóc khổng lồ mà còn trong tư cách con người trần thế, mang những nỗi niềm của dòng tộc mâu thuẫn với lợi ích quốc gia. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, người đã lẫm liệt phụng sự hai vua đánh thắng giặc hai lần cũng có lúc “u sầu, lo lắng, cả run sợ nữa” (tr.186), luôn nặng lòng với lời dặn của An Sinh vương nhưng nhất định không vì tình riêng mà hại xã tắc. Biết bao tướng giỏi, quân tài của Đại Việt: Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Trần Quang Khải,... cũng phơi mở tiếng nói tâm tư đầy phức tạp.

Bên cạnh hệ thống nhân vật anh hùng hào kiệt, Uông Triều còn dày công xây dựng chân dung những nhân vật nữ, đi sâu vào đời sống cá nhân, lắng nghe những tâm tư rất mực đàn bà. Công chúa Thiên Thụy, vợ của Hưng Vũ vương Quốc Nghiễn hiện lên với những khao khát, khắc khoải yêu đương. Một nội tâm khi mạnh mẽ vượt ra ngoài khuôn phép, lề thói đạo đức mà dâng hiến, say mê, đắm chìm trong hạnh phúc với Khánh Dư, khi hoảng loạn dày vò khôn xiết trước nỗi đau của Phụ hoàng, sự giận dữ, nhục nhã của phu quân. Công chúa An Tư vì nước mà phải mua vui cho Thoát Hoan rồi nhận cái chết trước lưỡi gươm của kẻ thù. Thân công chúa cũng chẳng bằng mạng dân đen. Song phận đàn bà, dẫu bao ngày khóc ròng tủi hổ vẫn day dứt nhớ thương kẻ đã ân ái, mặn nồng: “nếu nói rằng thiếp không có chút tình với chàng thì không phải, một ngày là nghĩa, dẫu rằng cái nghĩa ấy với kẻ giặc nhưng thiếp không hối hận” (tr.122).

Cùng với đó là hệ thống nhân vật phản diện: Toa Đô, Ô Mã Nhi, Thoát Hoan, Hốt Tất Liệt... được tiếp cận ở góc độ khác, vạch ra những góc khuất đằng sau bi kịch và tham vọng. Một Ích Tắc từng ôm mộng bá vương nay vò võ, đăm chiêu, đầy cô độc đau khổ bởi vết ô nhục để lại với đời. Nhưng bậc thân vương cũng có lúc sa cơ lỡ vận, “sống cạnh kẻ ngoại bang hung dữ, không phải khi nào cũng cương được, làm sao giữ được tông miếu tổ tông mà trăm họ khỏi lầm than, đó mới là kế sách vẹn toàn” (tr.96), không phải không có lý. Một Phạm Nhan tội đồ phản quốc đến phút cuối cùng “không còn là tên giặc nhâng nhơn, kiêu ngạo nữa. Hắn chỉ là thằng Nhan sợ mẹ đánh tè cả ra quần” (tr.228), chảy những giọt nước mắt nóng hổi bên dòng nước sông Cầm dịu mát, nhớ tiếng thút thít của mẹ, tiếng ríu rít trẻ con làng An Bài, nhớ hương tóc bồ kết của người con gái hắn yêu.

Và một loạt nhân vật vô danh, những hồn ma bóng quỷ như quất roi vào lịch sử kiêu hùng bằng tiếng than khóc, tiếng u uất, mùi máu tanh lợm... Binh lính Nguyên, binh lính Việt, kẻ nào thân xác cũng mục nát, trở thành niềm ám ảnh, thương xót khôn nguôi. Theo TS Nguyễn Văn Hùng, tất cả những điều đó đã trở thành điểm tựa nhân bản trong cái nhìn về lịch sử của Uông Triều. Lắng nghe từ những số phận nhỏ bé ấy, tác giả giúp người đọc nhận ra gương mặt, tiếng nói, bước đi của lịch sử.

Cuộc chơi của thể loại tiểu thuyết

Không khó để nhận ra Sương mù tháng Giêng là một cuộc chơi của thể loại, giải mã và thuyết phục. Trong tiểu thuyết của mình, Uông Triều đã xây dựng một hệ thống văn bản không theo thời gian tuyến tính, lồng ghép quá khứ và hiện tại; trộn lẫn chính sử và huyền thoại; đan cài bốn lớp kịch ngắn và hai truyện ngắn tạo nên tính phân mảnh trong cấu trúc, sắc điệu linh hoạt, gây ấn tượng ở nhiều mặt. Sự pha trộn giữa cái thực và cái huyền ảo đã mở ra một không gian của thế giới âm ty hoang rợn, là cái nhìn âm bản của cuộc chiến, đầy mất mát, đau thương. Việc kết hợp sử dụng ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba khiến cho cuốn tiểu thuyết không còn đơn điệu, nhàm tẻ trong cái nhìn một chiều mà ngược lại đem đến cái nhìn toàn tri về sự việc. Uông Triều sử dụng hình thức đối thoại với Trần Khánh Dư, Trần Ích Tắc... cùng với đối thoại kịch đã khai thác triệt để suy nghĩ, yêu ghét, vui buồn của người xưa trước những biến động thời cuộc, bước ngoặt của đời mình. Từ đó thuyết phục độc giả từ các giả thuyết, diễn biến mà tác giả đưa ra nhằm giải mã lịch sử. Nhưng nói như nhà nghiên cứu Umberto Eco “người đọc phải nghi ngờ rằng mỗi dòng chữ của nó nhượng mình cho một ý nghĩa bí mật khác; chữ nghĩa, ngược lại cái nó nói ra, giấu kín cái không nói; vinh quang của người đọc chính là khám phá ra rằng văn bản có thể nói bất cứ điều gì, trừ cái điều mà tác giả của nó muốn nó mang nghĩa”, điều đó tựa như việc lịch sử thuộc về cá nhân. Và mỗi vùng ngoại biên đều mở ra một chân trời khám phá mới. Uông Triều trong Sương mù tháng Giêngkhông có ý định bêu riếu người này hay ca tụng người khác, tôi chỉ viết về những gì tôi cho rằng lịch sử có thể xảy ra” (tr.182). Người đọc hoặc bị thuyết phục về “quá khứ vừa cay đắng vừa tàn nhẫn” hoặc hiểu lịch sử như diễn ngôn từng có hay diễn ngôn của chính mình.

Nếu truyện ngắn lịch sử (Nước mắt sông Cầm [phần VII, chương 6], Đêm cuối cùng ở Ngọa Vân [phần VIII, chương 2]) được dụng công nhiều về mặt nghệ thuật và thực sự xuất sắc thì xét tổng thể tiểu thuyết, đâu đó vẫn còn một vài hạn chế. Đi sâu vào phương diện tâm lý, đời thường, số phận, nhân tính... nhưng hàm lượng thông tin ngoài chính sử không nhiều. Việc kiến giải về lịch sử vẫn bị gò bó bởi cái nhìn đạo đức, mẫu mực. Khánh Dư và Thiên Thụy tuy không phải nhân vật trung tâm nhưng gần như xuất hiện từ đầu đến cuối trang sách. Song mối tình của họ không được ngân lên như một vĩ thanh mà chỉ là những kẻ lầm lạc, háo sắc, đam mê nhục dục.

So với sử gia, người viết tiểu thuyết lịch sử thành công hay không là ở tài năng sử dụng hư cấu trong giới hạn lịch sử đó. Đọc Sương mù tháng Giêng, thấy Uông Triều là người có một vốn văn hóa phong phú, vốn tri thức thâm hậu để đối thoại với tiền nhân và hậu thế. Tác giả đã sống cùng lịch sử, thu thập nhiều nguồn tư liệu. Điều đó cho thấy sự tử tế, nghiêm túc trong lao động của Uông Triều nhằm chạm đến những khát vọng lịch sử, để nhân vật lịch sử tiếp tục sống cùng thời gian ngay cả khi người đọc gấp lại cuốn sách.

Hy vọng bằng những điểm nhấn và sức hấp dẫn riêng biệt của cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tay, Uông Triều sẽ tiến xa hơn nữa trong địa hạt văn học sử, xác lập xu hướng tiểu thuyết mới - tiểu thuyết “tâm lý lịch sử”.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cuoituan/van-nghe/doc-sach/item/27934702-trong-suong-mu-thang-gieng.html