Trồng rừng hay khai thác vàng ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An?

Cách đây hơn 20 năm, Nghệ An tập trung khai thác đá đỏ. Rất nhiều người đã giàu lên từ đá đỏ. Giờ đây, UBND tỉnh Nghệ An lại cho công ty nước ngoài lnnov Green thuê trồng rừng 50 năm, thực chất là gì?

Tại kì họp 18 HĐND tỉnh khóa XV, các đại biểu đã chất vấn khá gay gắt UBND tỉnh, đến nỗi ông Trần Hồng Châu, Chủ tịch HĐND tỉnh đã phải kết luận đề nghị UBND tỉnh dừng, không mở rộng diện tích trồng rừng của dự án này cho nước ngoài thuê. Dư luận nhân dân đặt rất nhiều câu hỏi về chủ trương này? Có phải vì lợi ích cá nhân của một số người mà… Quá bức xúc về cho người nước ngoài "thuê trồng rừng" ở huyện Quế Phong, cánh nhà báo đã hành trình về khu vực xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong (Nghệ An) - nơi công ty nước ngoài InnovGreen thuê trồng rừng mới vỡ ra cái "hộp đen" về chuyện trồng rừng của Công ty InnovGreen.Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn Lô Văn Minh cho biết: Khi gặp dân lần đầu, người của dự án bảo sẽ tiến hành trồng rừng và lấy người của các bản trong xã, trả công 90.000 đồng người/ngày. Ai cũng đinh ninh là người "đằng mình" nhưng có ngờ đâu là của nước ngoài. Thế nhưng khi triển khai họ thuê người tận đâu đâu, còn dân địa phương không hề đếm xỉa. Cắm Muộn có 1.001 hộ, đời sống của nhân chủ yếu dựa vào chăn nuôi, làm lúa nước, làm rẫy và đào đãi vàng thủ công. Chính vàng là mục tiêu chủ yếu của dự án này. Dự án này chiếm hết đất của nhân dân và đã xảy ra nhiều vụ xô xát. Tại bản Huội Máy người của dự án đã trồng cây đến sát chân cầu thang của dân, thực chất là xua dân đi để họ dễ khai thác vàng, đó là phát biểu của nhân dân và cán bộ các bản. Chính vì vậy mà trâu bò, lợn gà của dân phải nhốt… Để xua đuổi dân, người của dự án đã dùng thuốc chống mối làm chết ao cá của dân. Các vườn sắn của nhân dân đang chuẩn bị thu hoạch thì công ty đến chiếm trồng cây. Vì không có kế sinh nhai nên bà con nông dân nơi đây phải vượt núi sang đất huyện Tương Dương làm rẫy, một số dân Khơ Mú thì bỏ sang đất Nậm Nhoong. Đến bản Cẩm Póm, chúng tôi được ông Lô Văn Hát, Bí thư chi bộ cho biết: Người của dự án đến đây tranh chấp đất với dân …Chi bộ và nhân dân phản ảnh lên xã và huyện thì huyện trả lời là không có thẩm quyền. Tại đây được nhân dân chỉ cho biết, rừng của dự án ngay dưới chân cầu thang của họ và cũng chỉ là cây keo lai bình thường thôi. Cây của dự án cao chỉ độ 15 cm mà lại quá thưa thớt và rất nhiều nơi nằm trong vườn của dân, thế là tranh chấp xảy ra. Phải chăng là Dự án nằm trên đất vàng? Đã từ lâu nghe nói ở khu vực này có nhiều vàng nhưng khi đặt chân tới bản Na Quỳ chứng kiến cảnh người dân khai thác vàng thì chúng tôi mới thật sự tin. Chỉ không đầy 1 km từ lều của ông Hát đến vườn ươm cây giống của dự án, chúng tôi đã đếm được 6 nhóm người đang khai thác vàng sa khoáng. Tất cả những nhóm người này đều là dân Cắm Muộn. Họ chỉ khai thác theo kiểu thủ công, siêng năng thì mỗi người một ngày cũng thu được từ 60.000 - 80.000 đồng. Tuy nhiên, thi thoảng có người gặp may cũng thu được 2 - 3 chỉ vàng một ngày. Được chứng kiến nhân dân Cắm Muộn khai thác vàng và được nghe ông Hát, anh Lô Văn Quang và bà con ta kể tỉ mỉ về vùng đất này, chúng tôi suy nghĩ tại sao dự án trồng rừng của công ty nước ngoài lại bao hết cả khu vực này là có ý đồ của họ. Chẳng thế mà các đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An bức xúc nêu ý kiến gay gắt về vấn đề này nhưng UBND tỉnh không đưa ra được câu trả lời rõ ràng. Được biết, cách đây 20 năm cũng có đoàn địa chất về đây thăm dò và xác định ở đây có trữ lượng vàng khá lớn và một thời Nghệ An nổi lên cảnh nhân dân đi đào đá đỏ. Mới đây nhất, Công ty TNHH Thành Tâm đưa giấy phép của Bộ TN & MT về khai khoáng nhưng xã không đồng ý và phải yêu cầu bỏ khai thác thì mới được thăm dò. Công ty này khoan lỗ thăm dò hơn một năm rồi dừng lại nhưng khi chính quyền xã yêu cầu cho biết trữ lượng thì họ không cho và nói rằng chỉ báo cáo với Bộ TN & MT. Đó là ý kiến của chính quyền xã Cắm Muộn. Những suy nghĩ của chúng tôi về dự án cho người nước ngoài thuê trồng rừng cũng là suy nghĩ chung của lãnh đạo xã Cắm Muộn và huyện Quế Phong. Phải chăng công ty nước ngoài Innov Green thuê trồng rừng hay là nhằm khai thác tài nguyên. Về kinh tế đã đành, còn về an ninh quốc gia thì sao, liệu các huyện giáp biên giới khi họ có thẩm quyền 50 năm và họ có thể đưa vợ con gia đình sang sinh sống lâu dài thì ta tính sao đây? Ngoài ra bên trên thì họ trồng cây, còn dưới lòng đất làm gì ta có biết không…? Chuyện Công ty Innov Green thuê trồng rừng 50 năm ở Nghệ An là thế, chúng tôi nhường câu trả lời cho các nhà chức trách và các cơ quan pháp luật Trung ương. Người dân còn hiểu thế chắc cấp trên còn hiểu hơn nhiều Đào Phương Thúy

Nguồn Báo Người cao tuổi: http://nguoicaotuoi.org.vn/story.aspx?id=4640&lang=vn&zone=7&zoneparent=0