Trồng răng giả

Khi răng bị "già" và "ra đi", chúng ta phải cấy ghép răng giả. Chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu thêm về vấn đề này.

Càng lớn tuổi, hệ thống cơ xương của cơ thể bắt đầu lão hóa. Răng cũng không thoát khỏi số phận. Thời gian, thực phẩm, chế độ sinh hoạt là những yếu tố khiến hàm răng ngày một yếu đi và rụng dần vào tuổi trung niên. Khi một chiếc răng mất đi sẽ khiến những chiếc còn lại thưa dần, lệch lạc. Răng của bạn sẽ trở nên yếu hơn và mất thẩm mỹ. Để giải quyết tình trạng này, nhiều người trung niên chọn phương pháp cấy ghép răng giả. Tuy nhiên, làm thế nào để chọn lựa và duy trì hàm răng khỏe mạnh như răng thật không đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ. Hãy chọn cơ sở nha khoa uy tín Hiện nay, có hai kỹ thuật tạo răng giả phổ biến nhất: thay hàm tháo lắp và cấy ghép Implant. Hàm tháo lắp: Với những trường hợp bị hỏng, phải nhỏ bỏ toàn bộ, việc sử dụng hàm tháo lắp để thay thế nguyên hàm được nhiều người lựa chọn. Răng của hàm tháo lắp tạo thành từ nhựa hoặc sứ. Tùy vào kích thước và cấu trúc của hàm thật, các nha sĩ sẽ chọn đúng hàm tháo lắp để gắn vào. Quy trình tháo lắp loại hàm giả này đơn giản, tiện lợi và rẻ tiền. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân nhai nhiều, mạnh, hàm giả có khả năng gây hỏng nướu. Cấy ghép Implant: So với hàm tháo lắp, phương pháp cấy ghép Implant (hàm cố định) là một tiến bộ y học. Quy trình của Implant được thực hiện phức tạp, công phu và giá cả đắt hơn rất nhiều so với hàm tháo lắp. Việc cấy ghép không phải thực hiện trên toàn bộ hàm răng. Răng bạn hỏng hóc, rụng chỗ nào sẽ cấy Implant ngay đúng vị trí đó. Vì vậy, trước khi thực hiện cấy ghép, bạn cần làm các thao tác khám, tư vấn, chụp X-quang kiểm tra xương hàm. Những người mắc các chứng tim mạch, huyết áp, tiểu đường cần có sự theo dõi, khám lâm sàng của bác sĩ mới quyết định nên cấy ghép Implant hay không. Ngoài ra, khi chuẩn bị cấy ghép răng giả, bạn nên tìm một địa chỉ có uy tín. Nhiều trường hợp phải nhận hậu quả từ việc cấy răng ở các phòng nha kém chất lượng. Nếu cấy ghép không hợp lý, chất liệu răng giả không đúng quy chuẩn sẽ gây nhiễm trùng răng miệng, nguy hại đến các bệnh lý tim mạch, huyết áp, tiểu đường cho người bệnh. Đừng lơ là trong việc chăm sóc Sau khi đã chọn cho mình một cách trồng răng giả như ý, bạn cũng đừng quên việc chăm sóc răng giả. Đừng xem thường "đồ giả" nếu không muốn bị viêm nhiễm. Trong khi dùng bữa, thức ăn thừa sẽ bám vào răng giả không khác gì răng thật. Nếu không chải răng cẩn thận, hơi thở của bạn sẽ có mùi hôi. Đồng thời các chứng u, viêm nướu cũng nhanh chóng phát triển. Hãy ghi những lời khuyên dưới đây vào sổ tay sức khỏe của bạn: - Nếu đang sử dụng răng giả dưới dạng hàm tháo lắp, bạn nên tháo răng ra, chà rửa thật cẩn thận sau mỗi bữa ăn, xả sạch bằng nước. Không sử dụng kem đánh răng vì chúng có chất làm mòn chỉ nên dùng xà phòng. Vệ sinh răng bằng nước sạch, không dùng nước nóng hoặc các chất phụ gia có hoạt tính mạnh khác. Trước khi ngủ, bạn nên tháo răng và cất trong một ly nước. Răng sẽ không bị khô và nhiễm khuẩn. - Trường hợp chăm sóc hàm răng giả cố định phức tạp hơn, bởi loại hàm này có cấu tạo phức tạp như: mão răng, cầu răng. Chúng liên quan đến nướu, mạch máu chân răng nhiều hơn các biện pháp khác. Bạn phải kết hợp giữa việc chải răng, dùng chỉ nha khoa sau khi ăn xong. Chỉ nha khoa có thể giúp bạn lấy đi mảnh vụn thức ăn và vi khuẩn giữa các kẽ răng, tránh bệnh sâu răng và nha chu. Đồng thời, bạn nên thường xuyên đến nha sĩ kiểm tra, vệ sinh răng hai lần/ngày. Kèm với việc vệ sinh răng giả, bạn nên dùng nước súc miệng có chứa chất Fluor để rửa sạch nướu. Tùy cấu trúc của hàm, bạn lựa chọn răng giả thích hợp. Sau khi gắn xong răng, bạn nên trở lại bệnh viện sau một tuần để tái khám. Nếu răng không vừa vặn, tránh tự ý chỉnh sửa, bạn cần hỏi ý kiến nha sĩ. Khi có cảm giác khó chịu, đau nhói khi ấn vào nướu, người dùng răng giả nên gặp nha sĩ ngay lập tức. Ngoài ra, khi có bất kỳ một vết nứt, mẻ nào xuất hiện trên răng giả, bạn cũng cần đi kiểm tra. Chọn thực phẩm cho răng giả Việc chọn thực phẩm cũng ảnh hưởng đến việc răng giả có vững chắc, không bị xỉn màu hay không. Trái cây và rau quả là những thực phẩm tốt nhất cho răng. Vì thế, hàng ngày, bạn nên dùng ít nhất một quả táo đỏ, kèm theo các loại đậu, rau cải, súp-lơ và uống nhiều nước để giúp cho hệ tiêu hóa được hoạt động tốt hơn. Nên hạn chế các thức ăn ngọt, giàu carbohydrate, tinh bột. Những thực phẩm này dễ làm tăng bựa răng, làm thủng men răng và gây sâu răng. Ngoài ra, thức ăn có nhiều chất dính sẽ khiến cho việc làm sạch răng gặp khó khăn. Vì thế, bạn nên tránh ăn kẹo dẻo, khoai lang... Không nên dùng các thức ăn quá cứng hoặc quá nóng vì dễ gây nứt, mẻ răng. Theo

Nguồn TTOL: http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/suckhoe/409641/index.html