Trồng phượng ở dải phân cách là không hợp lý

Nằm trong kế hoạch trồng mới 1 triệu cây xanh ở Hà Nội trong giai đoạn 2016 - 2020, mới đây, hàng trăm cây phượng có bán kính từ 20 - 30cm, cao tầm từ 4 - 5m đã được TP trồng ở dải phân cách trên các tuyến phố như: Láng Hạ, Ô Chợ Dừa, Giải Phóng, Đại Cồ Việt, Xã Đàn… lập tức gây ra những cuộc tranh luận trái chiều. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc nên hay không trồng phượng ở dải phân cách mà ngay cả thời gian trồng và khoảng cách trồng cũng dấy lên những nghi ngại…

Khoảng cách giữa cột đèn đường và cây phượng là quá gần nhau (ảnh chụp trên phố Láng Hạ).

Hà Nội sẽ “rợp trời hoa phượng đỏ”?

Nhìn hàng phượng vĩ được trồng ngay ngắn trên các tuyến phố, chị Trần Thị Hiền (22 tuổi, sinh viên Trường Đại học KHXH&NV) tỏ ra thích thú cho biết, những cây phượng to như trên được trồng chẳng mấy chốc tạo thành tán rồi ra hoa đỏ rực. “Cứ nghĩ đến một ngày tất thảy các tuyến phố ở Hà Nội đều rợp trời hoa phượng đỏ như TP. Hải Phòng thì cũng thật thú vị”, chị Hiền vui vẻ nói.

Thế nhưng, bên cạnh những tâm trạng vui tươi phấn khởi, vẫn còn đó những ý kiến băn khoăn. Nhiều người khi được hỏi đều cho rằng, việc lựa chọn vị trí trồng phượng như vậy chưa thực sự hợp lý bởi phượng rất giòn, dễ gãy mỗi mùa mưa bão. Hơn nữa tán phượng mọc thấp dễ ảnh hưởng đến phương tiện tham gia giao thông…

Trước thông tin lo ngại trên, ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội (đơn vị chịu trách nhiệm trồng cây) cho rằng, việc trồng cây và lại là cây phượng ở dải phân cách tại Hà Nội không phải là chuyện chưa có tiền lệ. Cụ thể, tại dải phân cách của tuyến đường Thanh Niên phượng đã được trồng từ khá lâu rồi.

Liên quan đến vấn đề này, theo TS Nguyễn Tiến Hiệp (Trung tâm Bảo tồn thực vật Việt Nam), dù giải thích thế nào thì lo lắng của người dân là có cơ sở. Theo TS Hiệp, đặc tính cây phượng là tán lá phát triển ngang, không vươn lên cao, gỗ phượng giòn dễ gãy nên khi trồng phải đảm bảo tỉa cành thường xuyên, nếu không cành phát triển lòa xòa sẽ rất vướng, dễ gãy đổ.

Cũng đưa ý kiến về câu chuyện này GS -TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - thậm chí còn đề xuất: “Đánh đi trồng chỗ khác”. Ông phân tích: “Phượng là loài cây tán rộng, cần nhiều không gian không chỉ phía trên phần tán lá mà còn ở dưới bộ rễ. Rễ phượng là loài rễ chùm, nên rất cần không gian dưới lòng đất để cây ăn sâu. Các dải phân cách chủ yếu là chất thải xây dựng như đá, bêtông, không gian lại rất hẹp nên cây ít có khả năng phát triển. Theo tôi nếu trồng phượng thì trồng trên các vỉa hè rộng rãi. Còn dải phân cách thì chỉ nên trồng các cây hoa. Nếu đã lỡ rồi thì nên đánh đi trồng chỗ khác”. “Trồng phượng đỏ tại các dải phân cách là việc không nên!”, GS - TSKH Phạm Ngọc Đăng kết luận.

Cột đèn, cây xanh tranh nhau chỗ đứng

Liên quan đến việc chọn thời điểm trồng ngay vào giữa mùa hè nắng nóng, TS Nguyễn Trung Sơn (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật và thương mại) bình luận: “Bác Hồ từng dạy “mùa xuân là tết trồng cây” vì khi ấy thời tiết rất thuận lợi cho việc cây cối phát triển. Do đó, việc đơn vị thi công trồng cây ngay vào mùa nắng nóng tuy không phải là điều cấm kỵ, nhưng rất thiếu khoa học. Bên cạnh đó, theo ghi nhận của nhóm PV do trồng cây vào giữa dải phân cách nên tình trạng “cây ôm cột” diễn ra khá phổ biến, tức là khoảng cách giữa cây phượng và cột đèn đường quá sát nhau, nhiều chỗ thậm chí chỉ hơn 1 gang tay. Theo đó, chỉ tính dọc tuyến phố Láng Hạ, với khoảng hơn 100 cây phượng được trồng mới thì đã đã 12 “cặp” trong tình trạng tương tự. Khu vực dễ nhận thấy nhất ở đối diện khách sạn Fotuna, tòa nhà Vinaconex… Câu hỏi đặt ra là: Khi cây lớn hơn, tán vươn rộng ra, thì người ta sẽ chọn cây hay cột đèn? Và ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự lãng phí này?

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/trong-phuong-o-dai-phan-cach-la-khong-hop-ly-570068.bld