“Trồng người” ở mật khu R

Mật khu R – Căn cứ địa cách mạng chiến khu Bắc Tây Ninh (Trung ương Cục miền Nam) không chỉ là nỗi ám ảnh của kẻ thù trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với hàng vạn đoàn viên thanh niên ngày ấy, đây còn là trường học đặc biệt rèn luyện bản lĩnh, ý chí và nhân cách.

Chính những tháng ngày “trui rèn trong lửa đỏ”, sống, chiến đấu, học tập, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho quê hương đất nước đã góp phần đào luyện nên một thế hệ với rất nhiều các gương mặt ưu tú trong cả thời chiến lẫn những năm tháng hòa bình sau này.

Trui rèn trong lửa đỏ

Ông Nguyễn Tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống Đoàn Thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam chia sẻ, căn cứ địa cách mạng chiến khu Bắc Tây Ninh cứ như một công trường khổng lồ. Ở đó, thanh niên chiếm 70% đến 80% quân số. Họ có mặt trên khắp các lĩnh vực. Từ năm 1963 đến 1967, rừng Chiến khu có cảm giác chật hơn bởi các đoàn quân từ khắp nơi đổ về.

Lãnh đạo các cơ quan tấp nập về các địa phương tuyển quân. Khoảng 10.000 đoàn viên thanh niên, trong đó chiếm hơn 40% là nữ tập hợp trong 24 cơ quan của Trung ương Cục miền Nam. Họ là những đoàn viên thanh niên ưu tú từ các tỉnh thành, đồng bằng Trung bộ, miền Tây, từ Sài Gòn, Gia Định, từ miền Bắc chi viện vào, kể cả Việt kiều từ Campuchia về.

Ông Nguyễn Hữu Châu, con trai của cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (Chủ tịch đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) nhớ lại, những thanh niên ở R lúc đó không chỉ làm những công việc xây hào, lập căn cứ mà còn rất giỏi nhiều nghiệp vụ chuyên môn, như điện đài, báo vụ, báo chí, phát thanh viên, quay phim, sản xuất phim, văn công, in ấn. Việc gì cũng cần mẫn và xuất sắc.

Học văn hóa – một trong những hoạt động nhằm “trồng người” cho đoàn viên thanh niên trong mật khu R.

Ông vẫn còn nhớ như in hình ảnh người nữ chiến sĩ bộ phận kinh tài vừa gạt nước mắt vừa rửa những đồng USD đẫm máu đồng đội. Ông chỉ nhớ mang máng hình như cô tên Liên. Bộ phận của cô có nhiệm vụ vận chuyển tiền từ các nơi chuyển về mặt trận. Tiền có nhiều loại, từ tiền của Mỹ, Campuchia đến tiền Việt Nam Cộng hòa…

Trên đường về cứ thì gặp địch. Nhiều người bị thương, nhiều người hy sinh. Các bao tải tiền về đến chiến khu đều đẫm máu chiến sĩ kinh tài… Đó còn là câu chuyện hy sinh dũng cảm của Huỳnh Thị Lan Khanh, con gái của kiến trúc sư, anh hùng, liệt sỹ Huỳnh Tấn Phát trong mùa khô 1966. Địch ồ ạt mở trận càn Gian-Xơn City vào chiến khu Tây Ninh, chúng bắt được Huỳnh Thị Lan Khanh, đưa lên máy bay hòng đưa về khai thác.

Quyết không để bản thân rơi vào tay giặc, cô đã vùng vẫy và rơi xuống. Trước sự hy sinh anh dũng của người thiếu nữ, một phong trào thi đua mang tên cô được phát động… Kết thúc trận chống càn, trên 300 đoàn thanh niên ở chiến khu được tuyên dương Dũng sĩ.

Vào năm 1962, vì yêu cầu nhiệm vụ, ông Nguyễn Hữu Châu bắt đầu vào chiến khu. Ở đô thị, gia cảnh khó khăn nhưng ông vẫn thuộc lớp thanh niên được đi học, biết tiếng Anh, tiếng Pháp. Từng tham gia công tác tuyên huấn nên khi vào rừng, ông ngạc nhiên và có những lúc bất bình khi nhiều tháng ròng chỉ được xếp nhiệm vụ lao động chân tay. Thanh niên mới vào như ông phải làm tất cả mọi việc, từ ủ phân trồng rau, làm rẫy đến tải lương thực...

Vốn kiến thức và ngoại ngữ ông đã từng được phát huy thời làm tuyên huấn trước khi vào rừng lại gần như không được sử dụng. Người trực tiếp hướng dẫn là giáo sư Nguyễn Ngọc Thưởng có lẽ nắm được tâm tư của ông nên thi thoảng lại nhắc: "Cậu cứ làm đi rồi sẽ hiểu". Quan sát xung quanh, ông thấy ai cũng lao động như mình.

Ngay giáo sư Thưởng, người từng làm giảng dạy tại những ngôi trường có uy tín tại thành phố cũng thường hòa mình trong không khí lao động chung. Sau này, ông Nguyễn Hữu Châu thừa nhận, ông bị ảnh hưởng rất nhiều bởi phong cách làm việc cần mẫn nhưng sinh hoạt đời thường rất dung dị, dễ gần của người giáo sư này.

Ấn tượng với luật sư Nguyễn Hữu Châu còn là kỷ niệm của chuyến chạy càn sang Campuchia. Sức khỏe tốt, lao động không thua kém ai, ông không nghĩ mình lại là một trong những người đầu tiên bị sốt rét quật ngã. Chạy ròng rã cả nửa tháng trời. Có thời điểm, địch đánh bất ngờ, phần lớn người trong đoàn không kịp mang theo đồ đạc, lương thực.

Nhiều thành viên bệnh, yếu sức. Một số đề nghị nên để lại các trường hợp có thể không qua nổi. Người bác sĩ trưởng đoàn nhất quyết không đồng ý. Thời điểm đoàn không còn gạo vì chạy giặc đã bỏ lại hết, riêng người bác sĩ còn lại vài nắm. Ông đưa nấu cháo loãng. Làm việc chăm sóc người bệnh, người bị thương cả ngày đêm nhưng ông cũng chỉ nhận phần cháo rất ít cho bản thân. Nhiều người cầm chút cháo ông trao mà nuốt nghẹn…

Sống, cống hiến cho mình và cho người đã khuất

Đoàn Thị Liên – người con gái lấy thân mình che cho thương binh để họ không bị thương lần thứ hai. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, cả chiến khu xuống đường tiến về Sài Gòn. Người trở thành chiến sĩ biệt động, người trở thành đội viên đội võ trang tuyên truyền…

Mỗi người bám sát phục vụ Bộ chỉ huy tiền phương, trở thành những dũng sĩ gan dạ trên các mặt trận. Hà Nguyên Phong, người thanh niên từng tuyên bố trước giờ xuống đường tham gia chiến dịch rằng “Lúc này thanh niên mà chần chừ là có tội với lịch sử” đã vĩnh viễn nằm lại trên đường phố Sài Gòn…

Mùa xuân năm 1975, cả rừng miền Đông lại tiến vào Sài Gòn. Trước khi vào chiến dịch, một cuộc liên hoan văn nghệ toàn R được tổ chức tại Trảng A Lân. Liên hoan với cả trăm tiết mục liên tục nhiều ngày tạo khí thế ra quân mới với tinh thần quyết chiến quyết thắng. Ngày 30-4-1975, Đoàn viên thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam cùng toàn dân tộc hò reo mừng đại thắng.

Đã có gần 2.000 người nằm lại trên chiến trường. Những người ở lại, sau 15 năm đều đã trưởng thành. Nhiều người khi mới vào R còn chưa biết chữ, có người mới học văn hóa tương đương cấp tiểu học nhưng đã kịp nâng cao trình độ bằng sự dìu dắt từ đồng đội.

Mật khu R đã trở thành trường đại học cách mạng giáo dục rèn luyện con người cả một thế hệ. Sau ngày toàn thắng, trở về, bằng bản lĩnh của những người lính từng trải trên chiến trường, những con người trong đội hậu bị trung thành của Đảng, các đoàn viên thanh niên ngày ấy tiếp tục sống, học tập, cống hiến. Nỗ lực cho phần mình và nỗ lực cho cả những đồng đội đã khuất. Nhiều người đã trở thành lực lượng cốt cán, nhiều người nhận những trọng trách cao trong Đảng, Nhà nước, trong đó có đồng chí Nguyễn Minh Triết từng đảm nhận vị trí Chủ tịch nước, đồng chí Lê Quang Thưởng từng là Phó ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Phạm Quang Nghị từng là Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Trần Thị Trung Chiến từng là Bộ trưởng Bộ Y tế. Nhiều người trở thành tướng lĩnh như cố Thượng tướng Thi Văn Tám, Anh hùng lực lượng vũ trang, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Nguyễn Đoàn Kết…

Đã hơn 40 năm, những đoàn viên thanh niên của mật khu R ngày ấy nay đã tóc pha sương. Nhưng, kể về những ngày đã qua, các cựu đoàn viên thanh niên đều có chung “kết luận”: Mặc dù giác ngộ từ trước đó đã lâu nhưng chính những năm tháng ở rừng mới giúp họ hiểu đến tận cùng thế nào là yêu nước, thương dân, thế nào là tình đồng chí, nghĩa đồng bào.

Đến nay, dù sức khỏe đã yếu, không còn trực tiếp tham gia công tác nhưng phần nhiều vẫn gắn bó, cống hiến tại địa phương bằng công tác của các đoàn thể, tổ dân phố. Có người còn chọn con đường ở lại mật khu R ngày nào để kiếm tìm hài cốt đồng đội. Có người trở về thành thị nhưng vẫn sắp xếp thời gian trở lại chiến khu xưa để đưa đồng đội đã hy sinh trở về quê hương bản quán.

Năm 2014 – 2015, với khẩu hiệu: Nhớ ơn liệt sĩ, đáp nghĩa đồng bào, truyền lửa cho thanh niên, những người cựu đoàn viên thanh niên của mật khu R đã cùng tập hợp, chung tay góp sức, tổ chức các chuyến đi xuyên Việt nhằm tri ân, hỗ trợ gia đình các thân nhân liệt sĩ, tri ân các đồng bào trong nước và đồng bào các vùng biên giới nước bạn – những nơi đã từng cưu mang họ những lúc khó khăn.

Bộ phim “Một thời tuổi trẻ ở R” cũng được các cựu đoàn viên tự góp kinh phí và tự triển khai. Phim đã được trao tận tay đội ngũ những người làm công tác Đoàn hiện tại và những người đoàn viên thanh niên năm nào đã trở lại với nhịp sống đời thường với tâm niệm: Xây dựng con người tốt để có những gia đình tốt. Có những gia đình tốt để có cộng đồng dân cư tốt. Có các cộng đồng dân cư tốt để có đất nước ngày càng tốt đẹp hơn…

Ông Nguyễn Hữu Châu, con trai của cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (Chủ tịch đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) nhớ lại, những thanh niên ở R lúc đó không chỉ làm những công việc xây hào, lập căn cứ mà còn rất giỏi nhiều nghiệp vụ chuyên môn, như điện đài, báo vụ, báo chí, phát thanh viên, quay phim, sản xuất phim, văn công, in ấn. Việc gì cũng cần mẫn và xuất sắc.

Ngọc Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/trong-nguoi-o-mat-khu-r-390687/