Trong khoảng 100 năm tới, Trái đất sẽ còn lại những gì?

Các chuyên gia cảnh báo, cuộc sống trên Trái đất sẽ tiến đến giai đọan đại tuyệt chủng lần thứ sáu. Tiền thân của nó là cuộc đại tuyệt chủng lần thứ năm dẫn tới sự biến mất hoàn toàn loài khủng long.

40 năm nữa Trái đất sẽ không còn cá

Trái đất đã bước vào giai đoạn tuyệt chủng thường kỳ của sinh quyển, kết quả là hàng nghìn loài sẽ bị diệt vong. Đó là tuyên bố của ông Asok Khosla, Chủ tịch Hiệp hội quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (IUCN) trong cuộc gặp gỡ với các phóng viên Nga tại Matxcơva.

Mỗi ngày khoảng 100 loài sinh vật biến mất không thể phục hồi.

“Chúng ta đang chứng kiến cuộc đại diệt chủng lần thứ sáu đang diễn ra trên hành tinh, giống như cuộc đại diệt chủng lần thứ năm đã giết sạch loài khủng long”, ông nói.

Theo ông, sự đa dạng sinh học trên hành tinh đang có khuynh hướng giảm xuống. Mỗi ngày khoảng 100 loài sinh vật biến mất không thể phục hồi. Hiện nay 19,6 nghìn loài động và thực vật đang – chiếm 1/3 tổng số loài sinh vật trên Trái đất - đang bên bờ vực tuyệt chủng. Ngoài ra mỗi ngày do nạn cháy và phá rừng mất đi 60 hecta rừng tự nhiên và khoảng 20 hecta đất có thể dùng cho nông ghiệp. Kết quả là hiện tượng sói mòn và bỏ hoang hóa, nhiều vùng đất biến thành sa mạc.

Đến năm 2050 nguồn cá sẽ cạn kiệt – Ông Aosok Khosla nói tiếp – Cả ngành kinh tế ngư nghiệp sẽ biến mất theo. Theo số liệu của Ủy ban Nông lương Thế giới (FAO) trực thuộc LHQ, lượng cá đánh bắt đạt đỉnh cao vào đầu thế kỷ XX. Sau đó không lâu, giảm đi 15% và ổn định trong suốt thời gian từ 1950 đến 1975 rồi giảm dần một cách nhanh chóng.

Trong thời gian tới, một số đảo quốc có thể sẽ bị chìm do nước ở Thái Bình Dương dâng lên. Hiện nay các nhà khoa học chia lịch sử tự nhiên ra thành 5 cuộc đại diệt chủng lớn. Cuộc đại diệt chủng cuối cùng đã dẫn tới sự biến mất của loài khủng long 65 triệu năm về trước. Nguyên nhân chưa hoàn toàn sáng tỏ. Các giả thuyết cho rằng sự tuyệt chúng của chúng có thể do thiên thạch từ trên trời rơi xuống, do núi lửa phun trào, do thay đổi thời tiết.

20 năm nữa, thế giới sẽ không còn hổ

Trong 20 năm tới, tất cả loài hổ trên thế giới có thể biến mất hoàn toàn trong tự nhiên nếu các nước không thúc đẩy những biện pháp mạnh nhằm bảo vệ chúng, cảnh báo của các chuyên gia về bảo tồn thiên nhiên.

Cảnh báo được Quỹ cứu lấy loài hổ (Save The Tigers) có trụ sở tại Washington, Mỹ đưa ra tại hội nghị quốc tế về bảo tồn hổ tại thủ đô Kathmandu, Nepal ngày 28-10. Theo tính toán của tổ chức này, hiện thế giới chỉ còn khoảng 3.500 con hổ đang sống trong tự nhiên tại các nước châu Á và Nga. Trong khi đó, số lượng hổ trên hành tinh cách đây một thế kỷ vào khoảng 100.000.

Hai con hổ Amur. Loài hổ này từng tung hoành ở Tây Á và Trung Á, song hiện nay người ta chỉ còn thấy chúng ở phía đông Siberia thuộc Nga

Người ta săn bắn hổ trái phép để lấy các bộ phận trên cơ thể chúng. Tấm da của một con hổ có thể được mua với giá lên tới 20.000 USD tại nhiều nước, chẳng hạn như Trung Quốc. Châu Á đang là điểm nóng đối với hoạt động buôn lậu động vật quý hiếm. Tổ chức cảnh sát quốc tế (Interpol) cho rằng tổng giá trị giao dịch trên thị trường buôn lậu động vật của châu Á có thể lên tới hơn 20 tỷ USD mỗi năm.

Môi trường sống thu hẹp và sự suy giảm số lượng mồi cũng là những mối hiểm họa đối với hổ - loài được giới bảo tồn thiên nhiên gọi là “di sản châu Á”.

Mahendra Shrestha, giám đốc chương trình của Quỹ cứu lấy loài hổ, cho rằng việc ban hành các đạo luật nghiêm ngặt về bảo vệ hổ, tuần tra thường xuyên để ngăn chặn nạn săn bắt trộm và bảo vệ những khu vực sinh sống của chúng có thể giúp cải thiện tình hình.

Thống kê cho biết hiện hổ chỉ còn sống trong tự nhiên tại Bangladesh, Bhutan, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Nga, Thái Lan và Việt Nam.

40 năm nữa Bắc cực sẽ hết băng

Các nhà khoa học cảnh báo rằng, với tốc độ nóng lên của Trái đất như hiện nay, chỉ 30-40 năm nữa băng sẽ không tồn tại vào mùa hè nữa, ngay cả ở trung tâm của Bắc cực.

Năm 2050, con người sẽ không thể nhìn thấy băng Bắc cực vào mùa hè? Ảnh: Internet.

Ông Alexander Frolov, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Nga khẳng định: “Vào năm 2050, mùa hè ở khu vực Bắc cực sẽ không thể nhìn thấy sự tồn tại của băng nữa”. Dẫn ra những số liệu của nhóm nghiên cứu các vấn đề biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, ông Frolov cho hay, lượng băng tan chảy ở Bắc cực trong năm 2010 này có thể sẽ vượt qua năm kỷ lục 2007.

Những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, diện tích băng nhỏ nhất ở Bắc Cực đã giảm từ 11 triệu km2 xuống còn 10,8 triệu km2. Nếu tốc độ tan băng này được duy trì, “trong vòng 30-40 năm nữa, chúng ta sẽ không thể nhìn thấy băng vào mùa hè, bao gồm cả vùng trung tâm Bắc cực”, ông Frolov khẳng định.

Bắc cực, đảo Greenland và châu Nam cực chiếm 98-99% lượng băng trên Trái đất. Theo tính toán của các nhà khoa học, nếu như toàn bộ băng bao phủ đảo Greenland tan chảy thì mực nước biển sẽ dâng cao 7 mét so với hiện tại. Trong khi đó, căn cứ theo quy mô và tình trạng phân bố của dân số thế giới hiện nay, nếu như mực nước biển dâng cao 1 mét thì nó sẽ nuốt chửng 150 triệu căn nhà trên toàn thế giới. Hiện các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm kiếm giải pháp nhằm làm chậm lại tốc độ tan băng ở Bắc Cực.

10 năm nữa sẽ có điện vi khuẩn

Các nhà khoa học đã phát hiện thấy năng lượng tạo ra bởi các protein trên bề mặt vi khuẩn có thể được chuyển hóa thành điện. Phát hiện đột phá này có thể giúp tạo ra một nguồn điện “sạch” từ vi khuẩn.

Các nhà sinh vật học thuộc trường đại học Đông Anglia (Anh) đã tạo ra phiên bản nhân tạo của vi khuẩn sống dưới biển có tên là Shewanella oneidensis. Sau đó, họ tiến hành đưa vi khuẩn vào những lỗ trên các quả nang mỡ hay lipit.

Vi khuẩn Shewanella oneidensis có thể được khai thác để tạo ra điện sinh học.

Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra các điện tử di chuyển như thế nào giữa chất tạo ra điện trong cơ thể vi khuẩn và khoáng chất chứa sẵn ở bên ngoài. Kết quả cho thấy vi khuẩn có thể vận chuyển điện từ cơ thể của nó sang kim loại và khoáng chất. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng các protein trên bề mặt vi khuẩn có thể trực tiếp chuyển các điện từ sang khoáng chất và tạo ra một dòng điện”, tiến sĩ Tom Clarke, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.

Các nhà khoa học cho rằng vi khuẩn có tiềm năng rất lớn để tao ra pin nhiêu liệu sinh học, sử dụng nguồn điện được sinh ra từ quá trình vi khuẩn phân hủy rác thải nông nghiệp và sinh hoạt. Ngoài ra, vi khuẩn cũng có thể được sử dụng cho các lò phản ứng sinh học để tạo ra một nguồn điện hoàn toàn sạch.

Các loại pin sinh học được tạo ra trong tương lai sẽ cực kỳ hữu ích ở những vùng không có ánh nắng mặt trời. Chúng cũng có thể được sử dụng để cung cấp điện cho các thiết bị điện tử cầm tay hay ô tô chạy bằng điện.

Tiến sĩ Tom Clarke hy vọng những loại pin dựa trên công nghệ mà ông đang nghiên cứu có thể được đưa ra thị trường trong vòng 10 năm tới.

Bích Ngọc (tổng hợp)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/trong-khoang-100-nam-toi-trai-dat-se-con-lai-nhung-gi-216176/