Trọng dụng và đãi ngộ người tài

ND - Những ngày vừa qua, dư luận xã hội rất vui mừng trước tin Chính phủ nước ta mời GS Ngô Bảo Châu về Việt Nam làm việc.

Thực ra, những năm qua nhiều địa phương ở nước ta đã có chủ trương, chính sách trọng dụng, thu hút nhân tài như tạo chế độ đãi ngộ hấp dẫn với các chuyên gia, nhà khoa học, tiếp nhận các thủ khoa, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi vào biên chế... Tuy nhiên, trên thực tế khái niệm thế nào là người có tài năng chưa được hiểu một cách thống nhất; chính sách phát hiện, thu hút, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài của một số nơi đã làm thời gian qua còn mang tính tự phát, nên kết quả mang lại chưa tương xứng với đầu tư và sự kỳ vọng của các cơ quan Nhà nước. Trọng dụng nhân tài trước hết là có cách đối xử công minh, trân trọng những đức tính trung thực, cương trực, xây dựng tinh thần hết mình vì sự nghiệp chung và triệt tiêu đất sống của tính cơ hội trong hệ thống chính trị của đất nước. Thiếu những yếu tố này thì mọi sự đầu tư cho đào tạo nhân tài dù lớn đến đâu cũng không thể đạt được hiệu quả mong muốn. Đối với vấn đề người tài, việc được tạo điều kiện để đóng góp hết sức mình và được thừa nhận đóng góp đó của bản thân mình là rất quan trọng. Không được tạo điều kiện hoặc không được thừa nhận đúng mức đó là hai trở ngại lớn nhất chứ không phải vấn đề vật chất. Điều kiện vật chất, lương cao, phương tiện kỹ thuật hiện đại rất cần cho sự phát huy tài năng, nhưng thật sai lầm nếu cho rằng đó là điều kiện tiên quyết mà thiếu nó thì tài năng không phát triển được, người tài sẽ ra đi. Điều quan trọng là phải tạo môi trường tốt cho người tài làm việc, cống hiến tài năng của mình. Giả sử chúng ta phát hiện được những người tài nhưng khi đào tạo xong mà những người tài đó được đưa vào làm việc trong môi trường không trọng dụng nhân tài thì sự đầu tư nói trên trở thành một lãng phí lớn, chưa nói tác hại về mặt nhân tâm. Như vậy, trước tiên cần phải nhìn thẳng vào thực trạng sử dụng nhân tài, hay rộng hơn, đó là môi trường để mọi sáng kiến dù nhỏ hay các công trình khoa học có ý nghĩa thực tiễn đều được quý trọng và phát huy tốt hiệu quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực tuyệt vời về việc dùng người tài. Mục đích dùng người nói chung, dùng người tài nói riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không có gì khác là để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tháng 9-1945, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Người đã mời các nhân sĩ, trí thức... và cả những quan lại của triều đình nhà Nguyễn ra gánh vác việc nước. Khi sang Pháp, Người đã mời nhiều trí thức có tâm, có tài về giúp nước, giúp dân. Trong suốt cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm hóa, thuyết phục, thu phục ở mức độ tối đa những nhân tài của đất nước, của dân tộc. Có được điều đó, bởi Người với tư tưởng lớn, tình cảm lớn, đạo đức cao cả, trong sáng thật sự đem lại niềm tin, niềm hy vọng cho nhân tài của đất nước. Đất nước ta có nhiều người tài năng, đức độ, tâm huyết vì dân. Vấn đề là phải tạo cơ chế để người có tài được tin cậy, được giao cho những công việc, những chức vụ, vị trí xứng đáng với tài năng của họ. Đấy phải là cơ chế mở, công khai minh bạch, tất cả mọi người đều có thể tham gia, ở mọi công việc, mọi vị trí. Tài năng, đức độ của một người sẽ bộc lộ qua chính công việc, chức vụ mà người đó đảm trách. Chính qua công việc cụ thể, người tài sẽ thể hiện rất rõ mình. Phát hiện, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng như thế nào tùy thuộc vào nhận thức, tâm lý, quan niệm và chính sách, cơ chế của các cấp lãnh đạo quản lý của xã hội. Cần có sự đồng bộ từ nhận thức, thái độ đến cơ chế chính sách trong phát hiện, đào tạo và sử dụng tài năng. Với một cơ chế cạnh tranh lành mạnh, mọi người đều có thể được thử thách, chúng ta sẽ chọn được người tài thật sự.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=181606&sub=130&top=37