Trồng cây xanh dưới gầm đường sắt - tại sao không?

Mới đây, việc Hà Nội trồng hàng trăm cây xanh dưới gầm đường sắt tạo ra ý kiến trái chiều trong dư luận. Theo đó, đêm 28/9, Công ty TNHH MTV Công cây xanh Hà Nội đã triển khai trồng hàng cây mới trên phố Yên Lãng, Hoàng Cầu dưới gầm tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Ảnh từ internet.

Loại cây được trồng là cây chiêu liêu (cây bàng Đài Loan) có chiều cao từ 7-8m, đường kính thân chừng 15-30cm. Theo kế hoạch thực hiện, đơn vị Công ty Cây xanh đã trồng được khoảng 200 cây chiêu liêu dưới tuyến đường sắt đô thị.

Sẽ không có gì đáng nói nếu như không có chuyện cách đây hơn 1 năm, viện dẫn lý do đảm bảo an toàn cho tuyến đường sắt trên cao, Hà Nội đã chặt hạ gần 500 cây xà cừ cổ thụ trên nhiều tuyến đường. Chuyện chưa kịp nguôi thì nay lại trồng cây mới hàng trăm cây ngay dưới gầm đường sắt. Việc làm và hành động có phần “trái ngược” này khiến không ít người cho rằng có một sự bất hợp lý, bất nhất trong công tác phát triển hạ tầng đô thị.

Chưa hết, hiện nhiều chuyên gia cây xanh lo ngại việc trồng cây như trên thiếu hợp lý bởi trong môi trường dưới chân đường sắt thiếu ánh sáng và không gian sinh trưởng thì cây không thể phát triển. Ngoài ra, nếu công tác “hậu cần” là cắt tỉa, khống chế chiều cao cây không hợp lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông cũng như công trình. Nói cách khác, trồng cây xanh dưới gầm đường sắt ẩn tàng muôn vàn bất cập và lãng phí.

Tuy nhiên, nếu nhìn và đặt vấn đề ở trên bình diện rộng thì chuyện “phủ xanh” cây cối dưới gầm cầu không phải bây giờ mới nhắc tới và triển khai hiệu quả. Nói cách khác, việc làm này hoàn toàn tốt cho không gian đô thị, nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Singapore… từ lâu đã cho trồng cây dưới gầm đường sắt đô thị để tăng thêm điểm nhấn.

Chẳng hạn, ở Thái Lan những tán cây mọc xanh mướt bên dưới gầm cầu hệ thống đường sắt trên cao luôn là điểm khiến tuyến đường sắt trở nổi bật. Đường tàu cao tốc trên cao Kitakyushu Monorail ở thành phố Fukuoka (Nhật Bản) được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào năm 1985, hàng cây xanh được trồng rất bắt mắt ngay bên dưới gầm cầu cũng được phát triển từ thời điểm đó.

Có thể nói, trong tiến trình đô thị hóa, giữa ngột ngạt của những khối bê tông và đường nhựa, những hàng cây xanh, thảm xanh càng trở nên quý giá hơn. Nó có nhiều tác dụng tích cực như bão hòa tiếng ồn và thu hút bụi từ trên cao, giảm thiểu ô nhiễm cho không gian xung quanh. Ngoài ra, cây xanh cũng là thực thể sống trong lòng đô thị, là một phần của văn hóa Hà Nội.

Xây dựng thành phố xanh vừa là nhu cầu, vừa là mục tiêu lớn của thành phố. Dự kiến, đến năm 2020, diện tích trồng cây xanh sẽ tăng từ 7,8m2 (hiện tại) lên đến 9 -10m2/đầu người. Việc trồng cây xanh sẽ được triển khai đồng bộ. Hy vọng rằng, với sự quyết tâm của chính quyền và nhân dân Hà Nội, sẽ không lâu nữa, màu xanh dần được lan tỏa khắp các con đường Thủ đô.

Sơn Bình

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/do-thi/trong-cay-xanh-duoi-gam-duong-sat-tai-sao-khong-298208.html