Trồng cao su trên vùng cao Sơn La-một mục tiêu đạt ba lợi ích

Sơn La là một tỉnh miền núi được xếp vào diện đặc biệt khó khăn, kinh tế chưa phát triển, cơ sở hạ tầng thấp kém, đời sống nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng cao, vùng biên giới còn rất khó khăn. Tỉnh hiện có 5 huyện nghèo, 90 xã (17 xã biên giới), 1.119 bản đặc biệt khó khăn.

Là một trong 4 tỉnh rộng nhất cả nước, địa hình chia cắt sâu, độ cao trung bình 600-700m so với mặt nước biển. Vì vậy, việc lựa chọn cây cao su vào trồng đại trà đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, bền vững cho vùng đất này - ông Cầm Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định. * Bảo vệ môi trường gắn với lợi ích kinh tế Cây cao su mới đưa vào trồng tại Sơn La được 2 năm, nhưng với những gì nhìn thấy qua sự phát triển giống cây này thật ấn tượng. Năm 2007, Sơn La đưa vào trồng thử 70 ha, nay những cây cao su đã phát triển rất tốt cả về chiều cao và độ to, tỷ lệ sống đạt trên 90%. Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: Cây cao su trồng ở Sơn La phát triển tương đương với cao su trồng ở Đông Nam bộ, mặc dù độ dày tầng đất ở Sơn La thấp hơn nhiều. Hiện nay chưa có công bố chính thức của các nghiên cứu khoa học, nhưng có thể do ở vùng rừng núi phía Bắc có sương, tạo độ ẩm kích thích sự phát triển của cây cao su. Theo Dự án trồng rừng của tỉnh, năm 2007-2009 trồng 3.000 ha cao su. Kết quả đến hết tháng 6/2009 đã trồng được 1.700 ha đạt gần 60% diện tích kế hoạch. Trong 6 năm đầu, khi chưa thu hoạch mủ, người dân được trồng xen canh các loại cây ngắn ngày, như ngô, đậu, cỏ... để có thêm thu nhập và chăn nuôi. Tỉnh có chương trình cho đồng bào vay vốn chăn nuôi, nhưng trược khí được duyệt vay, các hộ phải có diện tích trồng cỏ đủ để đảm bảo vật nuôi có thức ăn lâu dài và phải có cam kết chăn dắt chứ không chăn thả. Theo phê duyệt của HĐND tỉnh thì từ năm 2007 đến 2020, Sơn La sẽ quy hoạch 5 vùng nguyên liệu tập trung gắn với 5 nhà máy chế biến với tổng diện tích trồng cao su là 50.000 ha tại vùng Mường La, TP Sơn La; vùng Quỳnh Nhai, Thuận Châu; vùng Sông Mã, Sốp Cộp; vùng Mai Sơn, Yên Châu; vùng Phù Yên, Bắc Yên và Mộc Châu. Kế hoạch này được chia thành 2 giai đoạn: Từ 2007-2011 quy hoạch 3 vùng nguyên liệu với 3 nhà máy chế biến sản phẩm, tổng diện tích 20.000 ha. Từ 2012-2020, quy hoạch tiếp 2 vùng nguyên liệu, 2 nhà máy chế biến sản phẩm đồng thời phát triển hoàn thiện toàn tỉnh 5 vùng nguyên liệu gắn với 5 nhà máy chế biến, đạt tổng diện tích 50.000 ha. Ngoài lợi ích kinh tế, cây cao su được xếp vào cây phục vụ cho việc chống xói mòn như các loại cây lấy gỗ khác là một thực tế, đây là loại cây đa lợi ích - lấy gỗ, mủ và bảo vệ môi trường và còn là rừng phòng hộ đầu nguồn, là mái nhà sinh thái cho toàn bộ khu vực. * Cộng đồng trách nhiệm phát triển bền vững Bằng hình thức góp đất trồng rừng, trồng cao su, đồng bào dân tộc Sơn La đã có cổ phẩn trong Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và bản thân họ trở thành công nhân của Tập đoàn. Đây là mô hình mới chỉ có ở Sơn La. Nó không chỉ giúp người dân nơi đây ổn định về kinh tế, mà còn gắn họ với trách nhiệm là người chủ thật sự của các sản phẩm trên mảnh đất của họ, chăm lo cho sự phát triển của cây cao su. Ông Cầm Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La rất tâm đắc với mô hình này: Người dân góp đất với Công ty theo dạng cổ phẩn, cứ mỗi ha đất được ghi cổ tức 10 triệu đồng, quyền lợi của người dân vẫn được đảm bảo với việc sổ đỏ các gia đình vẫn giữ, được ghi cổ phẩn và được tuyển dụng làm công nhân. Các công nhân của Công ty có đẩy đủ các quyền lợi như công nhân viên chức Nhà nước: Có lương và các loại bảo hiểm xã hội, y tế... Ngoài ra, công nhân còn được thưởng năng suất, chất lượng hàng tháng, hàng quý và cả năm dựa trên chất lượng công việc thực hiện. Hàng năm Công ty đều có tổ chức cho công nhân đi nghỉ mát ở Đồ Sơn, Hạ Long... Anh Quàng Văn Náo, đội phó đội sản xuất Ít Ong - Mường La rất phấn khởi: “Trước đây tôi làm trưởng bản, nay gần như cả bản vào làm công nhân, tôi được cử làm đội phó, được lương 3.245.000đ/tháng, có lương thích lắm, cứ đầu tháng là lĩnh lương, không phải sợ đói nữa. Trước đây cả bản chỉ no vào lúc thu hoạch lúa, ngô thôi, nay những người là công nhân đều hết cảnh phải đi bán củi, bán măng... để không bị đói bụng”. Công nhân thuộc đội Ít Ong có thu nhập bình quân khoảng 1.500.000đ/tháng, đó là mức thu nhập không thấp đối với bà còn các dân tộc thiểu số bản Phiêng Tìn, Ít Ong, vốn là một bản vùng sâu đặc biệt khó khăn, nay nhà nào cũng có xe máy, nhiều nhà 2-3 xe. * Phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống văn hóa Để đảm bảo và nâng cao cuộc sống đồng bào dân tộc nơi đây, ngoài việc vận động đồng bào góp đất trồng cao su, trở thành công nhân của Công ty, vừa đảm bảo đời sống vừa tạo ra hệ thống an ninh rừng, ổn định sản xuât một cách bền vững, tỉnh đã đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông vào các bản, xây dựng trụ sở các xã, xây trường học và nhà văn hóa tại các bản. Năm 2009 này, tỉnh đã đầu tư trên 6 tỷ đồng để làm đường nhựa từ thị trấn Ít Ong vào bản Phiêng Tìn. Trước đây, Nhà nước chỉ đầu tư xây dựng trường tiểu học cho các xã, nay Công ty cao su đã đầu tư xây nhà mẫu giáo tại các xã, bản có người lao động là công nhân, đây là một nét mới của vùng cao Tây Bắc. Đến nay đã có 5/19 đội sản xuất của Công ty Cao su Sơn La có nhà mẫu giáo. Ngoài việc học, các cháu đến lớp được phát đồng phục, được ăn buổi trưa miễn phí. Giáo viên được tuyển theo chế độ nhà nước, ngoài lương theo ngân sách, còn được hỗ trợ thêm của Công ty. Ở đội sản xuất Phiêng Tìn, Nà Trang có khoảng 60-70 cháu từ 3-5 tuổi thì đến 50 cháu được bố mẹ gửi tại nhà trẻ. Mỗi bản đều có đội văn nghệ, một số bản có 2 đội, sinh hoạt đều đặn, nhất là những bản bà con đều là công nhân cao su, ban ngày đi làm, tối đến tập trung luyện hát, luyện múa thật vui. Nhìn thấy khó khăn của dân bản, do đường xá xa xôi nên việc mua bán thực phẩm và các nhu yếu phẩm khó khăn, Công ty cao su đã có sáng kiến thành lập nhà căng tin để lấy hàng bán cho công nhân với giá bao cấp vận chuyển, người có tiền thì trả ngay, người chưa có tiền có thể ghi nợ, khi lĩnh lương thì trả. Nhìn các chàng trai, cô gái Thái trong đồng phục của công nhân Công ty cao su cưỡi xe máy đi làm, các cháu nhỏ nô đùa, ca hát trong một không gian thoáng mát của nhà mẫu giáo, có thể yên tâm về một mô hình phát triển theo hướng công nghiệp hóa tại một vùng vốn là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ở một tỉnh miền núi rộng lớn miền Tây Bắc của Tổ quốc./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=358518&co_id=30066