Trong ca dao, ai là ai?

SGTT.VN - Ai là một đại từ không xác định, thường được dùng trong các câu nghi vấn. Nhưng trong một thứ tiếng tinh tế như tiếng Việt, không phải cứ ai xuất hiện ở câu nào thì câu đó trở thành câu nghi vấn. Trong ca dao, từ ngữ lạ lùng này còn có một dạng biểu hiện khác theo phép tu từ học.

Câu ca dao dưới đây, từ ai rõ ràng chẳng phải dùng để hỏi: Nước non một gánh chung tình/Nhớ ai, ai có nhớ mình chăng ai? Qua câu ca dao này chúng ta sẽ hình dung ra hai đối tượng: người nói và đối tượng của người nói, ở đây chính là người mà người nói muốn gửi gắm chút tâm sự của mình. Trai gái ngày xưa giao duyên thường là bằng những lời thơ hàm súc và tế nhị: Ai đi đâu đấy hỡi ai/ Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm? Nếu nói đây là lời thổ lộ của cô gái thì ai của cô ta đã rõ quá đi rồi. Cô gọi người mà cô muốn đối thoại là ai vừa nhẹ nhàng, ý vị, mà lại pha chút dí dỏm bông đùa. Kể ra thì nói thế này cũng được: Anh (em) đi đâu đấy hỡi anh (em)? Song nói như vậy, câu nói rõ ràng bớt đi sắc thái biểu cảm thú vị, không phù hợp với tình huống giao tiếp của đôi trai gái. Ai như vậy xuất hiện khá nhiều, đặc biệt là khi bực bội, giận hờn, dằn dỗi thì từ ai xuất hiện thật đúng lúc: Có ai thêm bận vì ai/Không ai giường rộng chiếu dài dễ xoay. Hai câu thơ trên ai xuất hiện ba lần, cùng chỉ một đối tượng, vậy mà đọc lên ta chẳng thấy thừa, thấy nhàm mà lại cảm thấy hoàn toàn hợp lý. Ấy là vì, ai là một đại từ không trực chỉ đối tượng cụ thể nào, có thể rất chung chung, và nhiều khi muốn “gán” cho “ai” cũng được. Nếu có người nào đó tự nhận là “ai” này ám chỉ mình thì họ cũng chẳng có cớ gì mà bắt bẻ người nói cả! Lại có những trường hợp ai được lặp lại nhưng chỉ hai đối tượng khác nhau: Trăm năm ai chớ bỏ ai/Chỉ thêu nên gấm sắt mài nên kim. Rõ ràng là ai không đồng nhất như ở ví dụ trên. Sở dĩ chúng ta hình dung ra được là nhờ bối cảnh cú pháp. Cấu trúc kiểu “A chớ bỏ A”, “A dễ đặt điều cho A” cho phép ta suy luận chủ thể và đối thể của các động từ trên không đồng nhất. A ở sau thực chất là “khác A, không phải là A”. Có lúc ai lại được sử dụng theo một cấu trúc khác: Ai đem con sáo sang sông/ Để cho con sáo sổ lồng sáo bay? Hoặc Ai làm cho cải tôi ngồng/Cho dưa tôi khú, cho chồng tôi chê? Hàm ngôn ở câu thứ nhất là: “Hẳn là một người nào đó đã làm nên chuyện này (đem sáo sang sông)”. Còn hàm ngôn ở câu thứ hai được hiểu là: “Do đâu mà dẫn đến cái cảnh chồng tôi chê (cảnh cơm không lành, canh không ngọt, gia đình tan nát)?” Lời ca thán hướng người nghe tới việc truy tìm ngọn nguồn đã dẫn đến cảnh chồng chê bất hạnh ấy. Ai cũng trở nên mất tính xác định trong các câu ca dao mang sắc thái cảm thán như Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang/ Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu! Tổ hợp ai ơi trở thành kết hợp phụ, mang tính tình thái, chỉ mang sắc thái biểu cảm. Yếu tố của ai còn mờ dần, càng mờ hơn nữa: Chim trời ai dễ đếm lông/ Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày. Ngữ nghĩa cần thông báo ở đây là: “Không thể đếm được lông chim trời, cũng như không thể nói hết được công lao cha mẹ”. Ồ! Từ ai trong tiếng Việt quả là “rắc rối”, nhưng cũng thật là hay. Và đâu chỉ ca dao, trong các thể loại văn học khác ai cũng ẩn tàng những tầng nghĩa rất tinh tế.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/khoa-giao/130498/trong-ca-dao-ai-la-emaiem.html