Tròn mắt trước “dịch vụ khó hiểu“ nơi Đền thiêng đất Tổ

Là một lễ hội tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa trọng đại đối với đời sống tinh thần của dân tộc Việt, nhưng không gian văn hóa lễ hội Đền Hùng năm nay vẫn còn nhiều điều đáng nói. Sự lỏng lẻo trong quản lí dịch vụ và ý thức của người dân sẽ là một rào cản không nhỏ đối với việc đưa "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" đến gần hơn với danh hiệu “Di sản Văn hóa phi vật thể của thế giới”

Là một lễ hội tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa trọng đại đối với đời sống tinh thần của dân tộc Việt, nhưng không gian văn hóa lễ hội Đền Hùng năm nay vẫn còn nhiều điều đáng nói. Sự lỏng lẻo trong quản lí dịch vụ và ý thức của người dân sẽ là một rào cản không nhỏ đối với việc đưa "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" đến gần hơn với danh hiệu “Di sản Văn hóa phi vật thể của thế giới”

Đặc sản sản xuất tại đất Tổ là... quần áo?.

Lễ Tổ trong… tiếng loa quảng cáo

Dân gia ta thuở nào đã có câu ca truyền tụng: “ Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”. Từ xưa đến nay , Giỗ Tổ Hùng Vương đã là một ngày hội chung của cả dân tộc, nơi con cháu Lạc Hồng từ mọi phương trời cùng hướng về nguồn cội, về với cõi hội tụ văn hóa - tâm linh của đất nước mình. Nói vậy để thấy vai trò, vị trí của lễ hội Đền Hùng trong đời sống văn hóa – tinh thần của dân tộc Việt. Nó không chỉ gói gọn trong một hội làng, hội xã mà đã trở thành một nghi lễ mang tầm quốc gia và đang trên đường trở thành di sản văn hóa của toàn nhân loại.

Năm nay, đến hẹn lại lên, Lễ hội Đền Hùng – Giỗ tổ Hùng Vương 2012 được tổ chức với quy mô lớn , có nhiều hoạt động đặc sắc và thu hút được đông đảo du khách tham gia. Tuy nhiên, hình thức hoành tráng của lễ hội vẫn chưa gói trọn được một nội hàm chặt chẽ, hợp lí. “Hạt sạn” lớn nhất trong công tác tổ chức quản lí hoạt động lễ hội Đền Hùng năm nay đó là việc nảy sinh các dịch vụ du lịch nằm ngoài luồng quy hoạch và chưa được giải quyết hợp lí.

Chuyển đồ bằng quang gánh

Cụ thể, nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, người dân địa phương đã tự mình nghĩ và mở ra rất nhiều dịch vụ từ ăn, uống, ngủ, nghỉ, giải trí, đến quà lưu niệm, chụp ảnh lấy ngay tràn ngập trên các lối đi vào Đền.

Không chỉ là những dịch vụ quen thuộc như đồ ăn, nước uống, giờ người ta còn có thể thấy sự xuất hiện của các “món mới”, phục vụ “tận răng” yêu cầu của du khách như: khách muốn đem lễ vật lên Đền Thượng cầu cúng nhưng ngại vất vả, đã có các bà các chị với đôi quang gánh chuyên chở tận nơi.

Khách muốn có hương dâng bàn thờ Tổ mà ngại khói bụi, chen lấn đã có một đội thanh niên sẵn sàng đốt hộ, lúc nói đến phí thì cười rụt rè: “Chị cứ tùy tâm, miễn giúp em có thêm quyển vở, cây bút ”. Khách chưa có tiền lẻ để đặt lên mâm cúng hay bỏ vào hòm công đức, lại có sẵn dịch vụ đổi tiền một nghìn, năm trăm đồng. Buổi trưa nóng nực, du khách muốn nghỉ ngơi tại chỗ, dưới những bóng cây râm mát, người ta đã trải sẵn từng dãy chiếu, muốn nghỉ thì “tiền tươi” là 20 nghìn đồng.

Buôn tiền ở lễ hội

Chị Hương, một du khách đến từ Hà Nội bức xúc bày tỏ: “Đây là năm đầu tiên tham gia lễ hội Đền Hùng nên tôi rất xúc động và hào hứng. Nhưng khi đến đây và thấy những dịch vụ tràn lan trong khu vực di tích, tôi cảm thấy vô cùng khó chịu. Những hiện tượng này chắc chắn sẽ làm giảm đi không khí linh thiêng, trang trọng của một lễ hội lớn mang tầm quốc gia và gây mất điểm trong mắt bạn bè quốc tế”.

Bức xúc của chị Hương cũng là dễ hiểu, bởi trong không khí tĩnh mịch thiêng liêng và trang trọng của ngày Giỗ Tổ thỉnh thoảng lại vang lên tiếng loa rè quảng cáo về… túi thơm, bánh cáy, thậm chí là cả máy đo chiều cao.

Nhiều khách du lịch cả ta lẫn tây đều trố mắt ngạc nhiên trước những tiệm bán quần áo, sách bói toán và các quán ăn nhanh mọc lên nhan nhản giữa màu xanh bạt ngàn của rừng núi, đền đài, miếu mạo. Trước cảnh tượng dở khóc dở cười đó,có người còn đùa bảo: “Khéo cứ đà này đến năm sau sẽ lại có thêm dịch vụ mới : cõng người leo Đền Hùng”.

Câu chuyện cũ: Lỗi tại ai ?

Cứ mỗi dịp lễ hội về, câu chuyện trách nhiệm của nhà quản lí hay lỗi tại ý thức người dân lại ca thành một điệp khúc cũ. Năm nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ đã đi trước đón đầu với kế hoạch triển khai và thực hiện một lễ hội “sạch” nhưng thực tế cho thấy điều đó hẳn vẫn còn xa vời.

Trước hết, công tác xây dựng một nơi nghỉ ngơi cho du khách thập phương đến lễ hội Đền Hùng vẫn còn bỏ ngỏ dẫn đến tình trạng nhiều người hành hương về đây đă nằm la liệt khắp các khu vực khu di tích, làm mất đi mỹ quan nơi đền thờ, miếu mạo trang nghiêm.

Khách du lịch nằm, ngồi ngổn ngang trong khu di tích

Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng dịch vụ tự phát tràn lan trong khu vực không gian di tích văn hóa đó là do cách quản lí thiếu hiệu quả của các gian hàng kinh doanh của khu di tích Đền Hùng. Với ý tưởng xây dựng các gian hàng kinh doanh chuyên biệt từng loại sản phẩm mang đậm bản sắc lễ hội như: bánh chưng bánh giầy, đặc sản các miền, đồ lưu niệm truyền thống…, nhưng trong thực tế mỗi cửa hàng lại trở thành một tiệm tạp hóa thu nhỏ và khu bán giới thiệu sản phẩm lại trở thành một cái chợ tự phát.

Bởi thế mới có những chuyện đùa như thật là khu bán bánh đặc sản đất Tổ thì kinh doanh quần áo trẻ em hay cửa hàng bánh chưng bánh dày còn kiêm thêm lồng chim, ô dù, túi xách…

Một lễ hội Đền Hùng hẳn sẽ thành công hơn nếu không có hai chữ “giá như”: giá như công tác tổ chức và quản lí của khu di tích chặt chẽ và hợp lí hơn thì chúng ta đã có thể có một lễ hội “sạch” đúng nghĩa; giá như người dân địa phương và cả du khách tham quan đều có ý thức và lòng tự tôn của dòng giống con Lạc cháu Hồng thì không gian văn hóa Giỗ Tổ linh thiêng đã không bị “ô nhiễm”…

Nhưng, đã bao năm quan vẫn còn đó câu chuyện quản lí – ý thức vốn vấn đề muôn đời ở nhiều di tích văn hóa, lịch sử trên nước Việt chứ chẳng riêng gì nơi đất Tổ linh thiêng.

Vũ Thu Phương

Nguồn Pháp Luật VN: http://www.phapluatvn.vn/thoi-su/toan-canh/201204/Tron-mat-truoc-nhung-dich-vu-kho-hieu-o-den-Hung-2065623/