Trốn bảo hiểm thất nghiệp bằng hợp đồng thời vụ

SGTT - Sau gần một năm bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tình trạng lách luật, trốn đóng xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, tới mức có thể phải kiến nghị để sửa các quy định nhằm ràng buộc trách nhiệm đóng hơn nữa.

Với hợp đồng thời vụ, người lao động dễ bị sa thải và không được nhận trợ cấp trong thời gian tìm việc mới. Ảnh: L.H. Thái Chị Nguyễn Thị Linh đang làm việc tại một doanh nghiệp may mặc tỉnh Hải Dương theo hợp đồng lao động thời vụ (dưới 12 tháng) cho biết, chị đã làm việc ở đây gần hai năm nhưng hợp đồng lao động chỉ được ký dạng thời vụ như vậy. Lãnh đạo doanh nghiệp giải thích với người lao động là để “dễ xoay sở” vì đơn hàng khó khăn. Nếu được ký hợp đồng trên 12 tháng, chị Linh sẽ cùng với chủ doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp. Loại bảo hiểm này sẽ giúp chị được nhận trợ cấp trong thời gian mất việc, được đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp nếu chị có nhu cầu. Tuy nhiên, chị Linh hoàn toàn không biết. “Chuyện ký hợp đồng loại gì, như thế nào, thời hạn bao lâu đều do chủ doanh nghiệp quyết định và soạn sẵn, người lao động chỉ việc ký vào đó”, chị Linh nói. Hợp đồng thời vụ Câu chuyện hiện xảy ra ở hầu hết các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động. Theo quy định, những lao động được ký hợp đồng từ 12 tháng trở lên thuộc diện bắt buộc phải đóng bảo hiểm thất nghiệp kể từ ngày 1 tháng 1 năm nay, trong đó người lao động phải đóng 1% tiền lương và chủ sử dụng đóng 1%. Tuy nhiên, để “lách” luật nhằm trốn đóng khoản này, nhiều chủ doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng thời vụ với người lao động. Tổ chức ActionAids tại Việt Nam vừa có cuộc khảo sát về lao động nhập cư tại một số địa phương, cho kết quả: 70% lao động nhập cư là nữ, trong đó 10% lao động đang làm theo các hợp đồng miệng và 24% làm theo các hợp đồng thời vụ cho dù công việc không có tính thời vụ. Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị về tình trạng này, ông Bùi Đình Khương, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tới thời điểm này chưa tổng kết được số lao động tham gia so với số lượng lao động bắt buộc phải tham gia theo ước tính. Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp tới thời điểm này vẫn chưa đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động dù thời gian được chậm đóng chỉ được phép đến tháng 7 vừa qua. Ràng buộc cách nào? Ông Khương cho rằng, theo những quy định hiện hành, chủ sử dụng lao động có thể trốn đóng bằng cách ký hợp đồng ngắn hạn với người lao động. Tuy luật pháp không cho phép việc liên tục ký hợp đồng ngắn hạn như vậy nhưng do việc thực thi pháp luật chưa hoàn toàn được thực hiện nghiêm túc nên thực tế này vẫn xảy ra. Ông Phạm Minh Huân, thứ trưởng bộ Lao động – thương binh và xã hội cho biết, trong thực tế việc tăng lương tối thiểu sẽ làm tăng tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động của doanh nghiệp. Thêm vào đó, kể từ ngày 1.1.2009, chủ sử dụng lao động còn phải đóng thêm hai khoản phí nữa, đó là 1% quỹ lương tiền phí công đoàn và 1% quỹ lương tiền bảo hiểm thất nghiệp. Những khoản phí liên quan đến người lao động này làm gia tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Nên việc doanh nghiệp trốn đóng, “lách luật” là có. Ông Huân cho biết thêm, hiện bộ này đang dự thảo nghị định thay thế nghị định 135 về xử phạt hành chính các vi phạm về bảo hiểm xã hội, trong đó đưa ra mức phạt với những doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Mức phạt tối đa được dự kiến là 12 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Khương, nếu chỉ phạt để “răn đe” thì khó có thể ràng buộc được trách nhiệm của doanh nghiệp. “Cần phải tăng mức phạt lên cao để chỉ cần phạt một lần là đã sợ”, ông Khương đề xuất. Tây Giang

Nguồn SGTT: http://www.sgtt.com.vn/detail41.aspx?columnid=41&fld=htmg/2009/1112/59322&newsid=59322