'Trói tay' Tổng thống, Quốc hội Mỹ trừng phạt Nga

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho rằng, việc Tổng thống Mỹ D.Trump ký thông qua luật trừng phạt mới chống Nga, tức là Mỹ tuyên bố với Nga một cuộc chiến thương mại toàn diện.

Nga phản ứng dữ dội

Nội dung của luật tương đối rộng, bao trùm luôn Iran và Bắc Triều Tiên. Trừng phạt Tehran, nhất là Vệ binh Cách mạng, lực lượng kiểm soát nhiều lĩnh vực kinh tế ở Iran bị Mỹ cáo buộc ủng hộ khủng bố. Trừng phạt Bình Nhưỡng vì Kim Jong-un liên tục thử tên lửa đe dọa lãnh thổ Mỹ. Trừng phạt Nga vì cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ và các hành động ở Ukraine.

Iran cho biết các biện pháp chế tài mới vi phạm thỏa thuận hạt nhân và họ sẽ phản ứng "theo cách phù hợp và tương xứng", theo hãng tin Isna. Nga thì phản ứng dữ dội.

Tổng thống Donald Trump ký thông quan dự luật trừng phạt Nga. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Nga D.Medvedev ghi nhận: "Tổng thống V.Putin không vui mừng gì với biện pháp trừng phạt mới, nhưng không thể không ký dự luật trừng phạt. Chủ đề mới nảy sinh chủ yếu như một cách dằn mặt Trump. Phía trước còn nhiều vụ mới, mục tiêu cuối cùng là lật đổ ông ta khỏi chính quyền".

Ông Medvedev viết trên trang Facebook của mình: "Việc Tổng thống Mỹ ký dự luật biện pháp trừng phạt mới chống Nga kéo theo nhiều hiệu ứng. Thứ nhất, hy vọng cải thiện quan hệ giữa chúng ta với chính quyền mới của Mỹ đã kết thúc. Thứ hai, Mỹ tuyên bố với Nga một cuộc chiến thương mại toàn diện. Thứ ba, chính quyền Trump thể hiện sự bất lực hoàn toàn, trao quyền hành pháp cho quốc hội. Điều này thay đổi cán cân quyền lực trong giới chính trị Mỹ.”

Người đứng đầu chính phủ Nga nhấn mạnh:“Hy vọng cải thiện mối quan hệ của chúng ta với chính quyền mới của Mỹ đã chấm dứt”, và cho rằng chế độ trừng phạt này đã được luật hóa và sẽ được duy trì hàng chục năm, nếu "không có điều kỳ diệu nào đấy xảy ra".

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng lên tiếng tuyên bố: “Đây là chính sách thiển cận và thậm chí là nguy hiểm vì có nguy cơ làm tổn hại cho sự ổn định toàn cầu mà Moscow và Washington đóng vai trò chủ chốt”.

Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thành luật các lệnh trừng phạt Nga không thay đổi bất cứ điều gì "trên thực tế". Trả lời câu hỏi của phóng viên về các bước mà Nga có thể tiến hành đáp trả, ông Peskov cho hay "các biện pháp trả đũa đã được tiến hành".

Trump và nội các cũng chỉ trích luật này

Có lẽ đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành luật mà trong bụng không vui. Ông có cách tiếp cận khác trong quan hệ với Nga nhưng trước sức ép của Quốc hội (cả hai viện đã thông qua dự luật với số phiếu áp đảo), ông phải ký luật trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên, mà trong đó phần với Nga là gây nhiều quan ngại nhất.

Ông Trump nói Quốc hội Mỹ vượt quá quyền hạn trong vụ này. Khi ký luật chế tài hôm 2/8, ông đính kèm một văn bản nói biện pháp này "còn thiếu sót", rằng “tài liệu này trái với Hiến pháp Mỹ”, văn bản nói: “Dù tôi ủng hộ các biện pháp cứng rắn để trừng phạt và răn đe các hành vi hung hăng và làm mất ổn định của Iran, Bắc Triều Tiên và Nga, luật này còn sai sót đáng kể.”

Tức là, dù ký ban hành luật vì sự đoàn kết quốc gia, nhưng ông Trump đả kích luật này xâm phạm quyền hạn của ông trong việc định hình chính sách đối ngoại, và nói rằng ông có thể đạt được thỏa thuận tốt hơn nhiều với các chính phủ hơn là Quốc hội.

Trong tuyên bố về việc ký chính thức ban hành thành luật, Tổng thống Trump cũng nêu ra cảnh báo: “Khi hạn chế khả năng hành động của bên hành pháp, đạo luật này cũng ngăn cản chính quyền ký được những hợp đồng tốt cho người dân Mỹ và sẽ càng làm Trung Quốc, Nga và Triều Tiên xích lại gần nhau”.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng, bà Huckabee Sanders khẳng định việc dự luật mới trừng phạt Nga được Tổng thống Trump ký ban hành đã phát đi "tín hiệu rõ ràng" rằng nước Mỹ không dung thứ cho hành động can thiệp vào các cuộc bầu cử ở nước này. Bà Sanders cũng cho hay, dù tin rằng Quốc hội đã "lấn quyền", song Tổng thống Trump vẫn ký dự luật trên vì "lợi ích đoàn kết quốc gia".

Quan điểm của Ngoại trưởng Mỹ - ông Rex Tillerson hôm 1/8, cũng đã ủng hộ với Trump khi phát biểu: "Về hành động của Quốc hội áp dụng các biện pháp trừng phạt này và cách họ làm, cả tổng thống lẫn tôi đều không vui về điều đó. Chúng tôi nói rõ rằng chúng tôi không nghĩ rằng việc đó sẽ giúp ích cho nỗ lực của chúng tôi, nhưng đó là quyết định mà họ đã đưa ra. Họ làm điều đó theo một cách rất áp đảo".

Quốc hội Mỹ “trói tay” Tổng thống

Các nhà lập pháp Mỹ đã tìm cách “trói tay” Tổng thống Donald Trump. Nhất là vào lúc này, lãnh đạo hành pháp Mỹ muốn cải thiện quan hệ với chủ nhân điện Kremlin. Tổng thống Donald Trump không có cách nào cưỡng lại. Tại Hạ viện Mỹ, số thân hữu của Moskva đếm chưa đầy 5 ngón tay. Ở Thượng viện, trong kỳ biểu quyết hôm 2/6 vừa qua, các biện pháp trừng phạt mới được 98 phiếu thuận trên tổng số 100.

Quốc hội Mỹ còn tự cho quyền can thiệp “khóa tay” tổng thống trong trường hợp Donald Trump quyết định đình hoãn các biện pháp trừng phạt Nga đang thi hành. Nghi ngờ chủ nhân Nhà Trắng tìm mọi cơ hội thuận tiện để hòa giải với đối thủ Nga, phe lập pháp không để Donald Trump một cơ may nào hết. Tức là ngay cả khi Donald Trump dùng quyền phủ quyết thì Quốc hội lưỡng viện sẽ biểu quyết chung và có khả năng hội đủ đa số 2/3 để thông qua.

Luật mới cho phép Quốc hội ngăn bất kỳ nỗ lực nào của ông Trump muốn nới lỏng trừng phạt Nga. Ông Trump bị “trói tay” sau khi Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua luật này hồi tuần trước với tỉ lệ cách biệt lớn. Luật nhằm chế tài Nga vì can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016 và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.

Hơn nữa, văn kiện này còn khắc nghiệt hơn đạo luật Jackson-Vanik, được thông qua vào năm 1974 và 38 năm sau mới được dỡ bỏ, do mang tính toàn diện và không thể hủy bỏ bằng một sắc lệnh đặc biệt của tổng thống mà không có sự đồng ý của Quốc hội. Do đó, quan hệ giữa Nga và Mỹ trong thời gian tới sẽ rất căng thẳng.

VƯƠNG HƯNG

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/troi-tay-tong-thong-quoc-hoi-my-trung-phat-nga-post199669.html