Trở về từ cõi chết nhờ lọc máu liên tục

Gần 10.000 người bị suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, viêm tụy cấp nặng… nhập viện trong lằn ranh giữa sinh và tử đã được cứu sống nhờ lọc máu liên tục - kỹ thuật được coi là có phép lạ cải tử hoàn sinh.

Đây là thành quả của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm” của GS-TS Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội và các cộng sự. Đây là cụm công trình đoạt giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ 2016.

Tỷ lệ sống tăng vọt

Ông Trần Văn Thanh (65 tuổi) vào viện trong tình trạng hôn mê do nhồi máu cơ tim, biến chứng sốc tim. Chỉ sau 2 ngày điều trị tại khoa Hồi sức tích cực với hồi sức tim mạch kết hợp lọc máu liên tục, ông đã qua cơn nguy hiểm.

Còn bệnh nhân Trần Quang Hưng (39 tuổi) cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp nặng do liệt cơ hô hấp bởi bệnh tự miễn Guillain-Barre. Nhận thấy nguy cơ xẹp phổi và tử vong rất cao, các bác sỹ chỉ định thở máy và thay huyết tương nhằm loại bỏ các kháng thể gây bệnh. Chỉ sau 2 ngày, các cơ bị liệt hồi phục gần như hoàn toàn.

Một bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết, hôn mê, suy đa tạng được lọc máu tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: PN

Trong phương pháp lọc máu liên tục, việc loại bỏ các chất độc trong máu được thực hiện 24/24h theo cách đơn giản: Máu từ tĩnh mạch đi qua ống thông, dẫn ra hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể gồm dây dẫn và quả lọc với màng lọc giúp loại bỏ chất độc trước khi trả máu về cơ thể qua một đầu khác của ống thông.

Với phương pháp lọc và thay huyết tương, máu đi qua màng lọc tách một phần huyết tương chứa kháng thể gây bệnh hoặc chất độc. Lượng huyết tương bị loại bỏ được bù bằng huyết tương của người hiến máu.

GS Bình cho biết, với các bệnh lý nặng như suy gan cấp, viêm tụy cấp, biến chứng suy đa tạng…, các phương pháp lọc máu thực sự là vị cứu tinh. Các kỹ thuật lọc máu, thay huyết tương hiện đại cũng hỗ trợ tốt cho các phẫu thuật lớn như phẫu thuật tim mạch, gan mật, ghép tạng…

“Bệnh viêm tụy cấp nặng trước kia 2 người mắc chỉ cứu được 1, nay 10 bệnh nhân có thể cứu 9. Với suy gan cấp nặng, trước đây 10 người bệnh thì tử vong 9, nay cứu được 50% nhờ những kỹ thuật này” - GS Bình cho biết.

Sáng tạo trong điều kiện khó khăn

GS Bình kể, làm việc ở khoa Hồi sức tích cực nhiều năm, ông và đồng nghiệp nhiều lần bó tay trước những ca bệnh hiểm nghèo. Sang các nước bạn, thấy kỹ thuật lọc máu hỗ trợ đắc lực cho cấp cứu, hồi sức, ông đã tìm cách tiếp cận để có thể ứng dụng vào Việt Nam.

“Nếu áp dụng nguyên bản kỹ thuật của thế giới sẽ rất tốn kém. Với màng lọc, thế giới chỉ dùng 18 giờ là hết hiệu lực, chúng tôi đã có cải tiến để màng lọc hoạt động hiệu quả 25-30 giờ. Với từng loại bệnh nhân, chúng tôi áp dụng linh hoạt, đơn lẻ các kỹ thuật lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ qua cột than hoạt hoặc qua màng chuyên biệt, lọc máu với nguyên lý hấp phụ phân tử tái tuần hoàn (còn gọi là gan nhân tạo), lọc và thẩm tách máu… để giảm chi phí” - GS Nguyễn Gia Bình cho biết.

Các số liệu tổng kết cho thấy, kỹ thuật lọc máu liên tục giúp cứu sống thêm 20-50% số bệnh nhân nặng, thời gian thở máy giảm còn 1/3-1/2, thời gian nằm viện giảm 1/3-1/2, tỷ lệ biến chứng do thở máy và nằm lâu giảm, nhờ đó chi phí điều trị cũng giảm mạnh.

Do số bệnh nhân suy đa tạng và sốc nhiễm trùng chiếm 10-40% tại phòng hồi sức nên chi phí tiết kiệm nhờ kỹ thuật này là rất lớn.

Phương Nguyên

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/suc-khoe/tro-ve-tu-coi-chet-nho-loc-mau-lien-tuc/2016102011583663p1c784.htm