Trở thành đầu tàu kinh tế

TP HCM phải là một đầu tàu kinh tế toàn diện của cả nước, tiên phong trong việc cạnh tranh với các đô thị lớn ở Đông Nam Á

Trong 7 chương trình đột phá TP HCM nỗ lực thực hiện trong nhiệm kỳ 2016-2020 có chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP.

Xóa điểm nghẽn, chọn thế mạnh

Theo chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch, từ năm 2002, Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị về TP HCM đã bắt đầu thay đổi vị thế TP bởi không đặt TP HCM vào khu vực cạnh tranh trong nước mà cạnh tranh với các đô thị lớn trong khu vực Đông Nam Á như Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta, Manila. Nghị quyết 20 cũng quyết định vấn đề đột phá liên quan đến không gian đô thị thông qua việc dời 3 cảng gồm Tân Cảng, Ba Son, Sài Gòn ra bên ngoài để mở rộng TP về phía Đông; tháo gỡ về thể chế cho TP. Đến Nghị quyết 16 năm 2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP đến năm 2020 cũng nhắc lại nội dung này và tiếp tục nhấn mạnh TP HCM là trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ và thị trường tài chính của khu vực Đông Nam Á.

Dịch vụ cảng biển là một thế mạnh của kinh tế TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đến nay, TP HCM mặc dù vẫn là đầu tàu kinh tế cả nước nhưng vẫn chưa thu hẹp được khoảng cách với các đô thị lớn trong khu vực. “Từ năm 2002, TP đặt ra 4 nhóm ngành công nghiệp, 9 nhóm ngành dịch vụ, phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao và nông nghiệp sinh thái. Nông nghiệp TP định hướng là tạo ra các loại giống chứ không phải sản phẩm.

Từ đó đến sau này, TP có những mô hình rất tốt nhưng chuyển dịch chậm. Chúng ta rất chủ động xây dựng Khu Công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung, xem công nghệ thông tin là ngành mũi nhọn…; chúng ta kỳ vọng tác động của nó lan tỏa… nhưng thực tế chưa lan tỏa nhiều. Nêu vài ví dụ cụ thể như vậy để thấy tồn tại của cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng kinh tế vẫn đang là vấn đề lớn của TP” - ông Trần Du Lịch nhìn nhận.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng đối với TP HCM, huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả cho cả hạ tầng lẫn các ngành kinh tế là vấn đề then chốt nhất. Cơ sở hạ tầng bắt đầu ách tắc làm tăng chi phí kinh doanh cũng như ảnh hưởng chất lượng sống của người dân. TP hiện đang trong quá trình dịch chuyển sang các hoạt động dịch vụ, kinh doanh; sức hấp dẫn cho đầu tư công nghiệp chế biến, chế tạo không còn được như trước đây, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo dựa vào thâm dụng lao động và lao động bán kỹ năng. Trong khi đó, việc phát triển các ngành dịch vụ chưa đột phá.

Theo ông Thành, tại nhiều trung tâm kinh tế trên thế giới, dịch vụ có thể chiếm đến 80% GDP. TP HCM đang trong xu hướng dịch chuyển như vậy, tính cạnh tranh của công nghiệp chế biến, chế tạo thâm dụng lao động đang đi xuống và TP phải chấp nhận xu hướng đấy, đồng thời tập trung vào các ngành dịch vụ để phát triển nhanh và mạnh.

Tầm nhìn lớn hơn, cơ chế đặc biệt

Làm sao nâng TP HCM lên mức cao hơn, hội nhập khu vực mạnh mẽ hơn và phát triển năng lực, tiềm năng của TP? Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, chúng ta phải làm được 2 nhiệm vụ là tập trung nâng chất lượng tăng trưởng kinh tế và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị. Tiếc là thời gian qua làm khá chậm, kết quả chưa như kỳ vọng. Chẳng hạn, vấn đề ngập nước, kẹt xe đã được lãnh đạo TP nhìn thấy, đặt ra từ 20 năm trước nhưng đến nay không những chưa giải quyết được mà có dấu hiệu phức tạp hơn.

Từ những năm 1990, chủ trương là quy hoạch TP phát triển đa trung tâm nhưng đến nay từ trung tâm thương mại đến nhà ở, cao ốc văn phòng đều hướng tâm. Quá tải thấy rõ và sẽ tiếp tục quá tải. Bài toán giao thông thiếu đồng bộ, chống kẹt xe không đồng bộ với xây dựng các công trình. Tất cả những vấn đề đó nếu không giải quyết được thì năng lực cạnh tranh của TP sẽ ngày càng giảm và trở thành lực cản của phát triển, chi phí sản xuất sẽ cao, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư - kinh doanh.

Từ nhiều năm trước, TP HCM đã nhìn ra vấn đề là TP không thể phát triển riêng lẻ mà phải dựa trên quan hệ phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ít nhất là vành đai TP HCM - Long An - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu phải phát triển như một tổng thể. Phải theo đuổi và hiện thực hóa cho được chủ trương phát triển kinh tế vùng nói trên. Phát triển TP HCM là vấn đề của quốc gia chứ không phải của riêng TP này; nếu để vướng đến đâu xin gỡ đến đó thì không thể phát triển được.

Theo chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu, TP HCM cần được cho đặc chế để “bung ra” phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn, đặc biệt là hạ tầng cơ sở và thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút kiều hối… TP có chương trình hợp tác giữa ngân hàng với doanh nghiệp (DN) rất tốt, cần đẩy mạnh hơn nữa và cần có sự giao lưu mạnh mẽ hơn giữa DN và các ngân hàng.

Đó là môi trường rất tốt cho DN nêu tất cả khó khăn của mình để ngân hàng chia sẻ và tìm cách hỗ trợ giải quyết. Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài đã có chi nhánh tại TP HCM, có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn mang bóng dáng của cơ sở đại diện chứ chưa có hoạt động thiết thực nhằm thôi thúc kiều bào về TP đầu tư. Vì thế, cần có sự liên kết và trao đổi chặt chẽ giữa chính quyền TP và ủy ban này.

Cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư

Hoạt động mậu dịch, xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó khăn hơn do những chính sách bảo hộ mậu dịch của chính phủ Mỹ và biến động tài chính thế giới trong năm 2017. Nếu chúng ta không đột phá thì những tác động tiêu cực của tài chính, đầu tư thế giới sẽ ảnh hưởng tới thị trường tài chính và đầu tư vào TP HCM. Môi trường kinh tế và đầu tư, tài chính hiện chưa đủ thông thoáng, vì vậy cần sự chuyển biển mạnh mẽ hơn của TP HCM, qua đó hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút vốn FDI nhiều hơn.

“Một số nhà đầu tư than phiền với tôi rằng họ chưa được hỗ trợ, cung cấp thông tin đầy đủ, cụ thể và họ nhận thấy một số cơ quan của TP HCM chưa sẵn sàng đối thoại để giúp họ đưa ra những quyết định phù hợp nhất” - chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.

Kỳ tới: Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp

THANH NHÂN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/tro-thanh-dau-tau-kinh-te-20170413220530194.htm