Trò nghèo bị cắt hỗ trợ vì... đường bê tông

Tính đến thời điểm này, chỉ riêng 2 huyện Sơn Tây và Tây Trà (Quảng Ngãi) đã có ít nhất 300 học sinh tiểu học, trung học cơ sở (THCS) bị cắt hỗ trợ bán trú và sẽ còn hàng ngàn học sinh khác cũng sẽ bị cắt trong nay mai.

Cắt hỗ trợ vì đường hết nguy hiểm

Thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc, miền núi theo Quyết định 85/2010-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2012, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra Quyết định 84/QĐ-UBND (QĐ 84). Theo đó quy định học sinh tiểu học đi học nhà xa nhà từ 4km trở lên và bậc THCS là 7km, riêng trường hợp đi học qua sông, suối mà không có cầu; đồi núi cao có thể gây mất an toàn (khoảng cách từ 1km đối với tiểu học và 2km với THCS), sẽ nhận được mức hỗ trợ 15kg gạo/tháng/em và số tiền bằng 50% so với mức lương tối thiểu. Sau một thời gian triển khai, năm 2015, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp chính quyền và Phòng Giáo dục các huyện miền núi kiểm tra, soát lại việc thực hiện quy định này. Qua đó, đã tiến hành cắt hỗ trợ đối với hàng trăm học sinh trong diện này, với lý do đường vào nơi ở đã được bê tông hóa, mở rộng... nên không còn cách trở, nguy hiểm nữa.

Để đến trường và về nhà, học sinh miền núi Sơn Tây phải đi bộ nhiều cây số. Ảnh: C.X

Ông Nguyễn Trí Dũng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Phong (xã Trà Phong, huyện Tây Trà) cho biết: “Năm học 2014-2015, trường có 148 em được hỗ trợ theo QĐ 84. Tuy nhiên sau khi thanh tra, chỉ còn 42 em được nhận”. Tương tự, ông Hà Phải - Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Sơn Tây cũng xác nhận: “Có ít nhất 4 điểm trường, với trên 150 em cũng đã bị cắt hỗ trợ”.

Lý thì đúng, nhưng...

Ông Nguyễn Sơn - Trưởng phòng Giáo dục huyện Tây Trà nói: “Đối chiếu theo quy định, việc cắt hỗ trợ của 148 em ở Trường Tiểu học Trà Phong là đúng. Tuy nhiên, dù đường đã được đổ bê tông, mở rộng nhưng với địa hình dốc núi, các em vẫn phải đi bộ đến trường chứ không thể sử dụng xe đạp. Bên cạnh đó với quãng đường xa như vậy, nếu học 2 buổi/ngày các em cũng phải ở lại, chứ sức đâu mà cuối giờ trưa về, rồi đầu giờ chiều quay lại lớp”. Đồng tình với ý kiến trên, ông Hà Phải - Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Sơn Tây bày tỏ: “Với vách dựng đứng 2 bên, việc sạt lở trên tuyến đường các em đi học có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Nếu cho rằng giờ đường đã được bê tông hóa, mở rộng không còn gây nguy hiểm cho học sinh khi đến lớp, về nhà là không đúng”.

Đại diện lãnh đạo nhiều phòng giáo dục miền núi cho biết, tại các cuộc họp với cơ quan thanh tra tỉnh, sự bất cập nêu trên cũng đã được phản ánh. Thế nhưng câu trả lời là “cứ làm đúng theo quy định”. Dù không muốn thế nhưng “lực bất tòng tâm” nên trong năm học 2015-2016, phòng giáo dục các huyện miền núi Quảng Ngãi phải chỉ đạo cho các trường rà soát lại toàn bộ số học sinh đang được hưởng hỗ trợ theo QĐ 84.

Ông Lê Hoài Thạnh - Trưởng phòng Giáo dục huyện Sơn Tây cho hay: “Nếu làm đúng theo quy định này, sẽ có hàng ngàn học sinh trong huyện bị cắt chế độ hỗ trợ”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/tro-ngheo-bi-cat-ho-tro-vi-duong-be-tong-673671.html