Trở lại thời 'chuột chạy cùng sào...'?

Có một thông tin không vui đối với những người nặng lòng với sự nghiệp “trồng người” của nước nhà. Đó là chỉ cần đạt 12,75 điểm trong đợt tuyển sinh đại học năm 2017 là thí sinh có thể theo học sư phạm các ngành: Vật lý, Sinh học, Hóa học, Lịch sử, Tin học của Trường Đại học Sư phạm Huế (Đại học Huế).

Như vậy, nếu cộng số điểm của 3 môn thi xét tuyển, thí sinh chỉ cần đạt 4,25 điểm mỗi môn thi là… đàng hoàng bước vào đại học sư phạm!

Đấy là chưa kể các trường cao đẳng sư phạm: Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam, Hải Dương... chỉ đưa ra mức chuẩn từ 9-10 điểm (tổng điểm tổ hợp cả 3 môn thi) để thu hút thí sinh vào học một số ngành sư phạm của trường mình!

Trong khi có một số trường, một số ngành thí sinh phải đạt từ 29-30 điểm mới có cơ may vào giảng đường đại học thì ngưỡng điểm đầu vào một số ngành đào tạo sư phạm thấp “thê thảm” như vậy là một điều rất đáng suy ngẫm. Bởi không giống như nghề nghiệp khác, nghề sư phạm là một nghề đặc biệt. Tính chất đặc biệt này đã được các thế hệ người xưa đúc kết thành châm ngôn “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, qua đó khẳng định vị trí, vai trò to lớn của người thầy đối với sự phát triển, văn minh của xã hội nói chung, đối với sự trưởng thành, tiến bộ của mỗi con người nói riêng. Nhà giáo dục vĩ đại người Slovakia, Comenxki (1592-1670) từng khẳng định sứ mệnh thiêng liêng của nghề giáo: “Dưới ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhấn mạnh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Trong các văn kiện Đại hội Đảng khoảng 20 năm trở lại đây, cũng như Hiến pháp năm 2013 luôn khẳng định nhất quán: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”. Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng (khóa XI) còn nêu cụ thể: “Có cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng để tuyển chọn được những người có phẩm chất, năng lực phù hợp vào ngành sư phạm” và “Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”.

Điểm lại vài ba vấn đề trên để thấy rằng, vấn đề giáo dục luôn được nhìn nhận như là một trong những vấn đề cốt tử liên quan đến sự thịnh suy của mỗi quốc gia, dân tộc. Muốn chấn hưng nền giáo dục, tất nhiên phải quan tâm đến nhiều yếu tố như đường lối, chính sách, cơ chế thúc đẩy giáo dục phát triển; chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo; đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học; tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo… Trong đó, xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất.

Muốn lựa chọn được nguồn giáo viên, giảng viên tốt trong tương lai thì điểm đầu vào ngành sư phạm nếu không thuộc diện tốp cao như những ngành y, dược, bách khoa, ngoại thương…, thì cũng phải nhỉnh hơn hoặc chí ít là ngang bằng ngưỡng điểm sàn vào đại học năm học 2017-2018 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định là 15,5 điểm.

Giáo viên được ví như “máy cái” trong hoạt động giáo dục. Nếu hạ thấp xuống mức 12,75 điểm như một số ngành sư phạm của Trường Đại học Sư phạm Huế, thậm chí đưa xuống 9-10 điểm như một số trường cao đẳng sư phạm đã vô hình trung hạ thấp vai trò, uy tín của ngành sư phạm nói chung, của nghề nhà giáo nói riêng trong xã hội. Đấy là chưa kể việc hạ thấp điểm chuẩn này sẽ có thể gây ra nhiều hệ lụy về sau cho nền giáo dục nước nhà.

Cách đây vài chục năm, trong thời bao cấp đầy bấp bênh gian khó, nghề giáo từng bị xã hội nhìn nhận với một thái độ xót xa: “Chuột chạy cùng sào mới vào… sư phạm”. Trong khi chúng ta đang sống trong thời đại văn minh trí tuệ và cả thế giới đang sục sôi đổi thay từng ngày để vươn tới làm chủ cuộc “cách mạng 4.0”, chả lẽ bây giờ có trường đại học và cao đẳng sư phạm vẫn muốn quay trở lại cái thời “chuột chạy cùng sào...” ấy?

PHÚC NỘI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/tro-lai-thoi-chuot-chay-cung-sao-514959