Trở lại Ô Tà Sóc

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi về lại Ô Tà Sóc (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, An Giang) để thắp hương cho những anh linh đã hy sinh tại căn cứ địa đầy máu và nước mắt với nhiều câu chuyện thật bi hùng, đặc biệt là câu chuyện 7 liệt sỹ bỏ mình trong hang núi trong những năm tháng ác liệt lửa bom.

Địa danh xưa vẫn nguyên vẹn, nhưng vùng đất giờ đã thay da đổi thịt hoàn toàn. Nhìn những ngôi nhà mới mọc khang trang với đầy đủ phương tiện đi lại, sản xuất, nghe nhìn dọc theo hai bên đường đi sâu vào lòng núi, chúng tôi hiểu cuộc sống mới ấm no đã và đang về trên một căn cứ địa cách mạng lắm gian lao mà anh dũng.

Những chứng tích oai hùng

Căn cứ địa Ô Tà Sóc nằm trên dãy Ngọa Long Sơn (có nghĩa “con rồng nằm” - hay đơn giản là núi Dài, theo cách gọi dân gian). Tư liệu địa phương ghi lại rằng, đây là ngọn núi thuộc dạng núi dốc, được hình thành trong thời kỳ tạo sơn mãnh liệt nên núi có độ cao 554m (có nơi ghi 580m) và dốc trên 25 độ. Đá trên núi phần lớn là đá cứng với nhiều pha tạp khác nhau.

“Con rồng nằm” này dài khoảng 8.000m, dài nhất trong dãy Thất Sơn, nằm dọc theo Tỉnh lộ 955B, chiếm một diện tích rộng lớn thuộc 4 xã: Châu Lăng, Lương Phi, Ba Chúc và Lê Trì của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Núi có nhiều loại gỗ quý như dầu, căm xe, lăng ổi, bời lời, quế, gõ mật, nính... tạo thành rừng rậm, là nơi trú ngụ của một số loài chim muông và thú rừng như: Nai, mang, heo rừng, trăn, rắn, gà rừng...

Trên núi có một địa danh gọi là Ô Tà Sóc - dòng suối của ông Sóc, theo tiếng Khơ Me. Địa thế sơn lâm hiểm trở này đã được Tỉnh ủy An Giang chọn xây dựng làm căn cứ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Từ năm 1962 - 1967, nơi đây là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy An Giang, có các cơ quan trực thuộc: Quân sự, an ninh, binh vận, dân vận, mặt trận, tuyên huấn, tổ chức, kiểm tra và các đoàn thể nông dân, thanh niên, phụ nữ.

Tại đây hiện còn giữ nguyên trạng các hang đá mang tên: Hậu cần, Quân y, Phụ nữ, an ninh, Công binh xưởng, hang Tỉnh đội, Huyện đội… Hệ thống hang động và đường mòn nối liền các cơ quan có bán kính gần 3km mà tâm điểm là Điện Trời Gầm, nơi đặt cơ quan Tỉnh ủy. Trong lòng hang được thiết kế thông nhau để phục vụ chiến đấu tạo thế liên hoàn rất chắc chắn, độc đáo, hiệu quả. Lợi thế của các hang đá là có kết cấu rất chắc chắn bằng các loại đá có độ tuổi khá cao dẫn đến sức chịu đựng độ công phá của bom đạn rất lớn.

Ông Chau Chon Tha, một người dân sống lâu đời tại xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tự hào kể lại: “Thời chiến tranh, vùng này ác liệt lắm; bom đạn ngày đêm, lửa cháy liên tục trên đồi núi. Địch đánh phá nhiều lần nhưng đều thất bại. Ô Tà Sóc vẫn vững như bàn thạch. Chiến sĩ ta tiến lên có núi đồi hiểm trở bảo vệ, lùi lại có dân đùm bọc, địch không làm gì được…”.

Địa hình tự nhiên hiểm trở còn được tận dụng để xây dựng trận địa chiến đấu, chống đế quốc Mỹ và tay sai, chỉ đạo đường lối kháng chiến và phong trào Cách mạng tỉnh nhà, tích cực xây dựng lực lượng và phong trào quần chúng nổi dậy phá kìm, diệt ác, chống thu gom dân, phá ấp chiến lược, phát động đấu tranh chính trị.

Cũng tại đây, Tỉnh ủy An Giang đã chỉ đạo quân và dân trong tỉnh tấn công, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng vũ trang thổ phỉ ở vùng rừng núi và ven biên giới, mở rộng vùng giải phóng và căn cứ kháng chiến. Nhiều cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã anh dũng hi sinh. Tỉnh An Giang và 2 huyện Tịnh Biên, Tri Tôn được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang, trong đó có phần đóng góp quan trọng của những người có mặt ở Ô Tà Sóc anh hùng.

Địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng

Từ Tỉnh lộ 955B đầy nắng gió, chúng tôi đi vào chân núi trên con đường nhựa nhỏ dài khoảng 2,5km với hai bên là bạt ngàn những cánh rừng tầm vông chạy liên tiếp tạo cảnh quan rất ngoạn mục. Lẫn trong màu lá tầm vông mùa khô màu vàng xanh là những tán lá xoài, mít, đào lộn hột... xanh biếc.

Dọc đường đi chúng tôi bắt gặp khá nhiều đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu địa danh lạ lẫm anh hùng này. Tại ngã ba bên chân núi đi thẳng có con đường đất nhỏ dẫn lên đồi Ma Thiên Lãnh, nơi đã từng xảy ra huyền thoại 7 chiến sỹ chiến đấu anh dũng và hy sinh trong lòng núi mà mãi đến 36 năm sau, đồng đội mới tìm được hài cốt và qui tập về quê hương miền Bắc xa xôi.

Chuyện kể rằng: Năm 1969, khi Tỉnh ủy An Giang rút đi, Ma Thiên Lãnh được tiểu đội tiền tiêu của Đoàn 61, chủ lực miền trú đóng. Một hôm, máy bay địch ném bom đánh sập cửa hang, 7 chiến sĩ bị kẹt trong đó. Khói bom tan, các chiến sĩ cùng đơn vị tìm cách mở miệng hang, nhưng lực bất tòng tâm.

Để giúp 7 chiến sĩ cầm cự chờ được cứu, đơn vị đã tiếp lương thực bằng cách dùng ống tre đưa cháo và sữa vào. Mấy ngày sau, địch tiến đánh đồi Ma Thiên Lãnh ác liệt, đơn vị phải lùi về rừng U Minh. Vậy là, 7 chiến sĩ của đơn vị vĩnh viễn nằm lại trong hang. Hiện nay, trên ngọn đồi cao 80m này có tấm bia kỷ niệm, bên dưới bia là bàn thờ 7 liệt sĩ.

Ông Thạch Thoan, ngụ tại xã Lương Phi, cho biết người dân ở đây thường xuyên đến đốt nhang cầu nguyện cho các chiến sĩ hy sinh. “Mình có được cơm no áo ấm cũng nhờ cách mạng thôi, sự an lành của quê hương, của chính mình cũng là nhờ sự hộ trì của những anh hùng liệt sỹ…” - ông Thoan chia sẻ.

Căn cứ Tỉnh ủy ở Ô Tà Sóc đã được Bộ Văn hóa ra Quyết định số 52/201/QĐ.BVHTT ngày 28/12/2001 xếp hạng là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Nơi đây hiện đang là điểm thu hút khá nhiều khách trong và ngoài nước đến tham quan bởi luôn chứa đựng sự hấp dẫn, kỳ bí với bao câu chuyện lạ thường về những con người đã sống, chiến đấu rất gian lao mà anh dũng để giành lấy sự bình yên, độc lập, hạnh phúc hôm nay.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/tro-lai-o-ta-soc-2014142-b.html