Trở lại Cam Ranh, Nga ưu tiên số 1 ở Châu Á-TBD

Trong chiến lược tái lập các căn cứ quân sự trên toàn thế giới, “trở lại Cam Ranh” đang là ưu tiên hàng đầu của Nga ở châu Á-Thái Bình Dương.

Nga quyết khôi phục hệ thống căn cứ quân sự trên toàn thế giới

Moscow đã công bố quyết định thiết lập căn cứ hải quân thường trực ở Tartous, thuộc tỉnh Latakia của Syria. Nga cũng đã chuyển đến Syria hệ thống tên lửa phòng không S-300 để đảm bảo an ninh cho căn cứ, trước đó các hệ thống S-400 và Pantsir-S cũng đã được đưa đến căn cứ Hmeymim.

Liên quan đến vấn đề này, bình luận viên của MIA "Rossiya segodnya" và "Sputnik" Alexandr Khrolenko cho biết, từ quan điểm thuần túy quân sự, các căn cứ quân sự nước ngoài có vai trò vô cùng quan trọng đối với các cường quốc quân sự trên thế giới.

Về an ninh và an toàn hàng hải, các căn cứ quân sự ở nước ngoài, đặc biệt là căn cứ không/hải quân sẽ đảm bảo an toàn của các tuyến đường biển chính, hỗ trợ hoạt động giao thương trên thế giới, chống cướp biển.

Về quân sự, căn cứ quân sự ở nước ngoài giúp nâng cao hiệu quả chiến đấu và tính ổn định chiến đấu của hạm đội, cho phép phân bổ hiệu quả lực lượng hải quân trên các đại dương và làm cho các khu vực xung đột và hướng chiến đấu nguy hiểm trở nên dễ tiếp cận hơn.

Từ góc độ địa-chính trị, việc các căn cứ hải quân có mặt ở nước ngoài không chỉ cho thấy vị thế quan trọng của đất nước, mà nó còn là điều kiện để phát triển kinh tế bền vững và khai thác an toàn các nguồn tài nguyên biển, cũng như công cụ quân sự và ngoại giao để tăng cường an ninh quốc gia và quốc tế.

Trong nhiều năm, Hải quân Liên Xô đã mở các căn cứ quân sự tại Ai Cập. Tuy nhiên, Liên Xô đã ngừng sử dụng căn cứ không quân ở thành phố Sidi-Barrani của Ai Cập ngay từ những năm 1972-1973.

Sau khi mở các căn cứ quân sự tại Syria và Ai Cập, Liên Xô tiếp tục triển khai các thiết bị quân sự ở Syria, Cuba và Việt Nam. Hoạt động này sau đó cũng được quân đội Nga kế thừa.

Nhưng vào đầu những năm 2000, Moscow đã đóng lại căn cứ tại Cuba và Việt Nam, chỉ còn duy trì duy nhất một trạm hậu cần-kỹ thuật ở Tartous/Syria, để bảo đảm cho hoạt động của các chiến hạm của Hạm đội Biển Đen ra vào hoạt động ở Địa Trung Hải.

Quân đội Nga đang muốn khôi phục các căn cứ quân sự trên toàn thế giới

Tuy nhiên, sau những khủng hoảng hậu Xô viết, hiện nay Nga đã tìm lại được vị thế của một cường quốc chính trị, kinh tế và quân sự trên thế giới và đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng trên toàn thế giới, phá bỏ thế đơn cực của Mỹ, xây dựng thế giới đa cực, trong đó Nga đóng vai trò quan trọng nhất.

Những sự kiện gần đây đã một lần nữa chứng minh rằng, tốt hơn hết Nga đừng hy vọng vào một mối quan hệ mang tính hợp tác với phương Tây, mà nên tin tưởng vào sức mạnh của bản thân mình. Cụ thể là sự hiện diện của lực lượng Hải quân và Hàng không-vũ trụ Nga tại các khu vực khác nhau trên thế giới.

Do đó, Nga cần khôi phục lại hệ thống các căn cứ quân sự ở khắp nơi trên thế giới.

Các hướng ưu tiên mở căn cứ quân sự của Nga

Hướng đầu tiên: Trung Đông và Địa Trung Hải.

Kể từ năm 1977, trạm cung ứng hậu cần-kỹ thuật (PMTO) cho Liên đội tàu số 5 Địa Trung Hải của Hải quân Nga đã hoạt động ở Tartus, Syria. Tuy nhiên, khái niệm giữa PMTO và căn cứ quân sự tác chiến có sự khác biệt rất lớn.

Điểm cung ứng hậu cần cho phép cung cấp nhiên liệu và nước ngọt cho các tàu thuyền, bổ sung nguồn thực phẩm, tiến hành sửa chữa thường xuyên, nhưng các tàu không được đòn trú ở đó. Còn căn cứ là mức độ hoàn toàn khác về khả năng tác chiến và an ninh.

Trong tình hình đổi mới của mình, căn cứ Tartus cho phép sử dụng những khả năng của Hải quân Nga ở khu vực Địa Trung Hải một cách hiệu quả hơn. Các chiến hạm Nga sẽ không phải “vật vờ” ngoài Địa Trung Hải, không phải chịu cảnh vài ba tháng 1 lần thay quân từ hạm đội Biển Đen.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/tro-lai-cam-ranh-nga-uu-tien-so-1-o-chau-a-tbd-3321153/