Trở lại buôn làng xưa

NDĐT - THỜI NAY - Y Moan - giọng hát góp phần thổi bùng ngọn lửa tình yêu với Tây Nguyên trong tim người nghe suốt mấy chục năm nay - đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 15 giờ 25 phút ngày 1-10 tại nhà riêng ở buôn Dha Prong, xã Ea Bông, TP Buôn Ma Thuột, Đác Lắc, sau hơn nửa năm phát hiện căn bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối.

Tôi nhớ lần đến thăm Y Moan cách đây hơn hai năm, nhân chuyến công tác Tây Nguyên. Từ trung tâm thành phố về nhà anh chưa đầy 5 cây số. Vào sân mấy bước chân, thấy anh cùng vợ và các cháu đang ngồi uống nước dưới tầng trệt của ngôi nhà sàn do anh tự thiết kế. Nhà lợp tôn xanh, gác gỗ làm sàn, cầu thang sắt được “chủ nhà” vừa cười vừa giải thích: “Mấy ông bạn nhậu tưng tưng leo lên đây không sợ té”. “Nhà sàn” nằm cạnh ngôi nhà mái bằng khang trang, phòng khách cũng bàn ghế sô-pha, tủ tường chạm trổ như bao gia đình phố thị khác nhưng treo khá nhiều chiêng và cung tên trên tường nhà… Anh dành hẳn một góc nhà phía trong để bày những chiếc chiêng quý nhiều kích cỡ. Có những chiếc chiêng cổ, thời gian càng làm cho kim loại óng ánh sáng lên ở phần núm. Anh bảo, chúng trở thành một phần không thiếu trong những ngày vui của gia đình, của buôn hay đơn giản khi Y Moan và vài người bạn “lai rai” bên ché rượu cần, vừa đánh chiêng, vừa hát… “Người Ê Đê đánh chiêng, cồng không chỉ để nhảy múa mà còn khấn thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt... Thay vì thắp hương như người Kinh thì âm thanh của tiếng chiêng, tiếng cồng của người Tây Nguyên vọng lên Giàng”, anh nói rồi tỉ mẩn chỉ cho tôi cách phân biệt chiêng đực, chiêng cái... Để có được cơ ngơi như vậy, anh kể, năm 1991, anh được một ông bộ trưởng bảo lãnh bằng tín chấp để vay ngân hàng 200 triệu đồng. Vợ chồng con cái khai hoang phát rẫy trồng cao-su và cà-phê. Gần 10 năm sau đó, anh mới trả hết nợ gốc và lãi rồi dành dụm xây nhà, tậu cửa... Y Moan lấy xe máy đưa nhà báo đi thăm buôn làng của anh. Nhà trong buôn cách nhau không xa lắm. Chúng tôi trò chuyện “lai rai” trên những con đường đất đỏ trong buôn. Anh kể: “Mình được đặt chân đến nhiều nơi trên đất nước và nhiều dịp đi biểu diễn ở nước ngoài. Mình có thể không nói được ngôn ngữ của nơi đến và không hiểu phong tục tập quán ở vùng đất đất đó, nhưng âm nhạc luôn là tiếng nói chung kéo mọi người xích lại gần nhau. Có khi mình hát xong một bài, người ta chẳng hiểu gì mà đến ôm hôn mình và khóc”. Biết Y Moan lúc đó đã nghỉ hưu sau hơn 30 năm gắn bó với Đoàn Ca múa Đam San, tôi hỏi anh có đi hát cùng đoàn nữa không? Anh bảo, thi thoảng vẫn ghé qua thăm anh em trong đoàn, khi có chương trình đoàn mời thì vẫn hát. “Mình ăn lương của Nhà nước thì phục vụ dân. Đồng bào nuôi cách mạng thì mình phục vụ đồng bào. Mình được được Nhà nước đào tạo, khi cuối trời, cuối đất vẫn được nhà nước nuôi và đồng bào nuôi. Mình vẫn hưởng lương hưu tháng của Nhà nước trả cho mình. Đảng nói nghệ sĩ mình góp phần mang ánh sáng cho dân”, tách băng ghi âm nghe lời của Y Moan lúc đó, tôi càng cảm nhận được sự hồn hậu, chân chất của một tâm hồn nghệ sĩ Tây Nguyên, dù sau này gặp nhạc sĩ Nguyễn Cường, anh nhắc khéo khi phỏng vấn Y Moan chú ý cân nhắc câu chữ vì Y Moan thường có những phút bốc đồng khi gặp người lạ... Câu chuyện với Y Moan lần ấy cũng không thiếu “chủ đề” Nguyễn Cường. “Anh là một nghệ sĩ bình thường khi đến với Tây Nguyên. Nhưng anh đặc biệt ở chỗ: những gì tốt đẹp của người Kinh thì anh mang lên đây mà cái chưa đẹp thì anh bỏ đi”, tôi đồ rằng lời nói mộc mạc này của Y Moan dành cho Nguyễn Cường có thể nhạc sĩ của Tây Nguyên này chưa được nghe bao giờ, nhưng chắc sẽ càng làm anh xúc động… Ngày 5-10, gia đình, đồng nghiệp và thân hữu sẽ tiến đưa Y Moan về với nghĩa trang của buôn, về với những người trong buôn đã đi trước anh... Y Garia, con trai thứ hai của anh cho biết, nghĩa trang chỉ cách nhà một km và người trong buôn sẽ làm nhà mồ cho ba anh như những ngôi nhà mồ Tây Nguyên khác. Tôi nhớ lần gặp trước, anh bảo, mỗi dân tộc có văn hóa khác nhau. Người Ê Đê giữ truyền thống của cha ông bằng tiếng chiêng, tiếng hát…, bằng đất đai, mồ mả… Vậy là khi anh yên giấc trong ngôi nhà mồ, nét văn hóa Tây Nguyên vẫn còn giữ lại. Không những thế, tiếng hát anh vẫn còn mãi trong tâm hồn người nghe… Ca sĩ Y Moan được đặc cách phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân vào tháng 9 vừa qua. Sau live show Ngọn lửa Tây Nguyên tại Hà Nội, anh dự định tiếp tục tổ chức tại TP Buôn Ma Thuột nhưng có lẽ do sức khỏe giảm sút khiến anh không thể thực hiện được. DVD Trở về buôn làng xưa thực hiện trong những ngày anh bạo bệnh đã tặng cho bà con buôn làng Tây Nguyên trong dịp anh được phong danh hiệu NSND như ý nguyện của anh. Gia đình và đồng nghiệp đang hoàn thành DVD live show Ngọn lửa Tây Nguyên và CD tuyển chọn 10 ca khúc của Y Moan. TÙNG SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=184968&sub=134&top=43