Trợ giúp pháp lý chưa tới với người có nhu cầu: Vì sao?

"Nói người nghèo chê, thờ ơ với hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) là không có cơ sở. Nhu cầu của người nghèo, nhóm yếu thế về TGPL rất lớn nhưng do người thụ hưởng chưa được hưởng sản phẩm chất lượng cao do luật sư, trợ giúp viên mang đến nên không mấy mặn mà với hoạt động trợ gúp pháp lý miễn phí”.

Đồng bào DTTS là đối tượng có nhu cầu được TGPL lớn nhất

nhưng lại khó tiếp cận với dịch vụ này

Đây là những vấn đề được đặt ra tại buổi Tọa đàm truyền thông về huy động nguồn lực xã hội cho công tác Hỗ trợ pháp lý tại các huyện nghèo sáng 27-12 tại Hà Nội do Bộ Tư pháp tổ chức.

Người thụ hưởng chê

Theo thống kê của Bộ Tư pháp qua thời gian triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý, các tổ chức thực hiện TGPL trong cả nước đã thực hiện được 609.599 vụ việc cho tổng số 627.797 người thuộc diện TGPL. Trong đó có 170.081 người nghèo, 87.676 người thuộc diện chính sách, 8.025 người già, 3.288 người tàn tật, 143.921 người dân tộc, 26.017 trẻ em và 188.789 người thuộc các đối tượng khác.

Tuy nhiên, Phó cục trưởng Cục TGPL Phạm Quang Đại (Bộ Tư pháp) thừa nhận: Kết quả thực hiện vụ việc TGPL vẫn còn hạn chế nhất là số lượng vụ việc tham gia tố tụng còn thấp so với nhu cầu và số lượng án liên quan đến người được TGPL phải giải quyết hàng năm của các cơ quan tiến hành tố tụng. "Trong 2 năm toàn ngành TAND đã xét xử 9.522 vụ án có sự tham gia của trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên TGPL và Luật sư. Con số này khá khiên tốn so với nhu cầu được trợ giúp trong quá trình tố tụng” – ông Phạm Quang Đại cho biết thêm.

Phán ánh của nhiều địa phương cho thấy, việc bào chữa miễn phí, TGPL là một nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của các luật sư. Tuy nhiên, lâu nay nghĩa vụ này bị xem nhẹ. Người thụ hưởng chưa được hưởng "sản phẩm” chất lượng cao do luật sư, trợ giúp viên không mấy mặn mà với hoạt động TGPL miễn phí.

Hiện, cả nước có 398 trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm và chưa được bổ nhiệm, làm việc tại các trung tâm TGPL nhưng không ít người chưa xác định gắn bó lâu dài vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là thu nhập chưa bảo đảm.

Trợ giúp suông khó đem lại hiệu quả

Theo đánh giá của các đại biểu, nguyên nhân của thực trạng trên là do kinh phí. Theo Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái Nguyễn Ngọc Sơn, hiện kinh phí ngân sách địa phương cấp cho các Trung tâm TGPL vẫn là định mức khoán kinh phí theo biên chế như đối với các sự nghiệp có thu khác mà chưa tính đến đặc thù, điều này gây khó khăn rất lớn cho cán bộ chuyên trách.

" TGPL cho người nghèo, DTTS …là công việc vô cùng khó khăn, bởi phần lớn những đối tượng này có trình độ thấp, để họ hiểu được 1 văn bản pháp luật không đơn giản, phải đến tận nơi giảng dạy. Để làm được điều đó bắt buộc trợ giúp viên phải đi cơ sở nhưng với mức hỗ trợ 120 ngàn đồng/ngày như hiện nay rất khó để khuyến khích cán bộ đi tới những thôn, bản. Nhất là với những tỉnh miền núi đường sá, địa hình khó khăn như Yên Bái” – Ông Nguyễn Ngọc Sơn nói.

Chia sẻ khó khăn với đại diện Sở Tư pháp Yên Bái, ông Phạm Quang Đại cho biết, hiện vấn đề kinh phí chính là cản trở lớn nhất đối với hoạt động TGPL. Theo ông Đại, hiện nay ngân sách Trung ương mới chỉ đáp ứng 15% so với kinh phí để hoạt động. Bên cạnh đó kinh phí địa phương cấp không đồng đều, có địa phương được tiền tỷ nhưng có địa phương như Ninh Thuận chỉ cấp cho Trung tâm TGPL 40 triệu đồng/năm.

Được thành lập từ năm 2008 theo Quyết định số 84 của Thủ tướng Chính phủ sau 5 năm hoạt động Quỹ TGPL đã hỗ trợ cho các tổ chức thực hiện TGPL tại các địa phương. Nhưng ông Nguyễn Đức Tưởng, giám đốc Quỹ TGPL cũng phải thừa nhận với số tiền 15 tỷ đồng/5 năm mà ngân sách nhà nước cấp cũng chỉ đáp ứng 15% nhu cầu.

Hoạt động TGPL miễn phí có những khác biệt cơ bản so với hoạt động dịch vụ tư vấn pháp lý có thu phí. Tuy nhiên càng là những đối tượng yếu thế càng cần được cung cấp dịch vụ chất lượng cao. Song trong bối cảnh hiện nay ngân sách nhà nước còn hạn hẹp việc huy động xã hội hóa, từ các doanh nghiệp rất quan trọng.

Lan Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=74099&menu=1479&style=1