Trò chuyện với Trung tướng Phạm Hồng Cư

(DVT.vn) - Ai là người yêu nước, biết phân tích cuộc đời cũng không khỏi lo lắng về đất nước lúc này.

(DVT.vn) - Ai là người yêu nước, biết phân tích cuộc đời cũng không khỏi lo lắng về đất nước lúc này.

Nguyễn Sĩ Đại

Trung tướng Phạm Hồng Cư sinh năm 1926 trong một gia đình viên chức ở Thanh Hóa. Bố là Lê Đỗ Kỳ, Thanh tra Nông lâm Đông Dương trước năm 1945. Sau Cách mạng là Đại biểu Quốc hội khóa I, Chủ tịch UBHC Kháng chiến huyện Nông Cống.

Người con trai cả của ông bà Lê Đỗ Kỳ là Lê Đỗ Khôi, sinh năm 1924, sớm tham gia Vệ quốc đoàn. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Chính trị viên tiểu đoàn và đã hy sinh anh dũng trong một trận chiến đấu ác liệt, trước lúc De Castris đầu hàng chỉ vài tiếng đồng hồ. Người con thứ hai là Lê Đỗ Nguyên (tức Phạm Hồng Cư); trong chiến dịch Điện Biên Phủ, là Phó Chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308; khi nghỉ hưu năm 1945 là Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Lê Đỗ An, Lê Đỗ Khang, Lê Đỗ Bình, Lê Đỗ Thái, Lê Đỗ Thị Ninh, Lê Đỗ Như Ý là những người con tiếp theo.

Ngoài hai anh đầu, gia đình này còn có hai người con nổi tiếng: Đó là Lê Đỗ An, tức Nguyễn Tiên Phong, Bí thư Trung ương Đoàn và Lê Đỗ Thị Ninh. Sự chết trẻ của Lê Đỗ Thị Ninh đã làm cho thi sĩ Hữu Loan, người chồng Vệ quốc quân làm nên bài thơ “Màu tím hoa sim” được các thế hệ truyền tụng.

Nhà này nguyên họ Đỗ, được ban quốc tính, đổi thành họ Lê. Ông Phạm Hồng Cư khi mới nhập ngũ vào đơn vị Phạm Hồng Thái. Trong đơn vị này, các chiến sĩ đều lấy bí danh mang họ người anh hùng Phạm Hồng; ông Nguyên lấy tên là Phạm Hồng Cư.

- Thưa ông, ông và gia đình có một cuộc đời thật phong phú, gắn chặt với lịch sử của đất nước. Nếu bây giờ, chỉ một câu thôi, một câu thể hiện được điều tâm đắc nhất, ông sẽ nói gì?

- Đó là việc được tham gia vào ba sự kiện lớn của dân tộc, cũng là của thế kỷ XX: Cách mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ và Giải phóng miền Nam 30/4.

Nhà báo và Trung tướng Phạm Hồng Sơn

- Suốt đời ở trong quân ngũ, từ chiến sĩ đến Trung tướng; ông có dịp gặp gỡ, hiểu biết về các vị tướng trong quân đội ta. Vị tướng nào ông khâm phục nhất?

- Anh Văn là người được toàn quân coi là Anh Cả.

Các vị tướng của ta đều là tướng nhân dân, điều nổi bật nhất là tinh thần vì nước vì dân và quyết chiến quyết thắng.

Thượng tướng Lê Trọng Tấn và Trung tướng Lê Quang Đạo để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất.

Tôi xin kể hai kỷ niệm:

- Vào ngày 22/12/1964, Đảng, Nhà nước ta tổ chức chiêu đãi trọng thể nhân Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam tại Nhà khách Bộ Quốc phòng 33 Phạm Ngũ Lão. Đến dự có nhiều khách quốc tế và các nhà báo nước ngoài; nhà báo trong nước. Thời điểm đó, Mỹ vừa ném bom miền Bắc, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại. Nhiều nước sợ Mỹ. Việt Nam có dám đánh Mỹ không? Báo chí, nhất là báo chí quốc tế rất muốn biết phản ứng của của Hà Nội trước tình hình mới. Thông điệp Hồ Chí Minh gửi đến hôm nay là gì?

Cụ Hồ bước nhanh vào phòng, trong vị trí chủ tọa. Bên trái là Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bên phải là Đại tướng Triều Tiên đang thăm nước ta Kim Sang Bông. Các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… đều có mặt.

Bác nổi bật với bộ ka ki trắng giữa hàng hàng lễ phục và quân phục. Bác mời mọi người ngồi xuống và đọc một bài diễn văn ngắn, chỉ 12 câu thì 9 câu nói về quân đội:

Quân đội ta là quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ…Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì Chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Kết thúc bài diễn văn là câu: “Thắng lợi nhất định sẽ về ta!”

Anh Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ghé vào tai tôi (lúc ấy là Cục phó Cục Tuyên huấn): “Bác Hồ vừa nói rất hay về bản chất và truyền thống quân đội ta. Cục Tuyên huấn phải phổ biến ngay trong toàn quân lời của Bác!”.

Tôi chạy ngay đến Đài Tiếng nói Việt Nam, gặp anh Trần Lâm, Tổng giám đốc, anh Hồng Lân, Trưởng phòng phát thanh quân đội nêu yêu cầu của anh Lê Quang Đạo và Tổng Cục Chính trị. Từ đó, đánh giá của Bác, Lời dạy của Bác đối với quân đội ta trở thành phần mở đầu của Buổi phát thanh quân đội. Cán bộ chiến sĩ thuộc ngay, dân cũng thuộc. Vì vậy, các thế hệ đã thuộc lời dạy của Bác trước khi vào quân ngũ; tạo thành một sức mạnh tinh thần to lớn của quân đội ta.

Tôi cho đây là lời dạy, lời khen ngắn nhất, hay nhất, có sức cổ vũ to lớn nhất đối với quân đội ta không chỉ trước kia, hôm nay mà còn mãi mãi về sau.

- Chuyện thứ hai: Năm 1970, Bộ Tổng Tư lệnh cho thành lập Binh đoàn 70 gồm 3 sư đoàn: 308, 320, 304. Đây là quân đoàn đầu tiên của quân đội ta. Đây là một cái nhìn đón trước, một nhãn quan sáng suốt của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương.

Ngày 30/1/1971, Mỹ ngụy mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 với hơn 3 vạn quân chủ lực, 450 xe tăng, 250 khẩu pháo, 700 máy bay nhằm chặt đứt đường Hồ Chí Minh.

Bộ Tư lệnh Đường 9 – Nam Lào được thành lập do anh Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, Lê Quang Đạo làm chính ủy. Lực lượng của ta trùng trùng điệp điệp. Một chiến sĩ làm thơ

Lối cũ bây giờ quá nhỏ

Quân đi tràn cả ra rừng.

Ta vừa đi, vừa nắm thông tin, vừa đánh. Trên đường vào Mặt trận, Anh Tấn lệnh cho các cánh quân qua Anh Niên, Tư lệnh Bộ đội thông tin:

+ Mặt trận B5 và Trung đoàn 24 đánh địch ở phía đông đường 9!
+ Đoàn 559 đánh địch ở phía tây!
+ Sư đoàn 324 của quân khu Trị Thiên và sư 2 Quân khu V đánh địch ở phía Nam!
+ Sư 308 thần tốc hành quân đánh địch ở phía Bắc…

Anh Đạo gọi điện cho Chính ủy 308, tôi nghe rành rọt: “Tiến nhanh! Thời gian là lực lượng. Vào chiến trường gặp địch là đánh!”

Những mệnh lệnh ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ chấp hành ; đầy khí thế chiến thắng, có sức động viên lớn ngày ấy còn được áp dụng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Và bản thân nó là một lực lượng!

Ngày 7 tháng 3 năm 1971, quân ngụy Sài Gòn và báo chí phương tây loan tin chúng đã chiếm được Sê Pôn. Nhưng quân báo của ta lại báo cáo là sáng ngày 7/3, quân của Trung đoàn 2 ngụy được thả dù xuống Sê Pôn nhưng bị pháo và quân ta phản kích, chúng đã rút chạy.
Cục Tuyên huấn nhận được tin của Việt Nam Thông tấn xã: Sài Gòn hủy bỏ kế hoạch đưa nhà báo quốc tế đến Sê Pôn.

Tôi báo cáo tin này với anh Tấn và anh Đạo. Anh Tấn vỗ đùi đánh đét: “Địch sắp rút!”
Ngày 8/3/1971: Đảng ủy Mặt trận ra lời kêu gọi: “Thời cơ chuyển sang tấn công trên toàn mặt trận đã đến! Diệt và băt sống thật nhiều địch! Phá hủy thật nhiều phương tiện chiến tranh của chúng! Đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 719! Bảo vệ vững chắc con đường mang tên Bác, giành toàn thắng cho chiến dịch!”.

Sự phỏng đoán tài tình, những quyết định sáng suốt, kịp thời như vậy của người lãnh đạo đã làm nên chiến thắng, tạo cục diện mới có lợi trên chiến trường. Ngày 18/3/1971 Đường 9, Nam Lào, Bản Đông hoàn toàn được giải phóng. Con đường Hồ Chí Minh được giữ vững. Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh cơ bản bị đập tan.

- Vâng, những câu chuyện về chiến trường của ông say sưa, hấp dẫn. Nhưng dường như bây giờ ông có vẻ đượm buồn…?

- Thế hệ của chúng tôi là thế hệ của Lời thề Độc lập. Và tôi nghĩ rằng, chúng tôi đã làm trọn. Đó mới là một vế của lý tưởng, là chặng đầu con đường của Bác. Chặng làm cho “Đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu” đặt lên vai của thế hệ hôm nay. Ai là người yêu nước, biết phân tích cuộc đời cũng không khỏi lo lắng về đất nước lúc này. Nhục mất nước đã được xóa. Nhưng nhục nghèo nàn lạc hậu còn đó. Lại thêm nhục tham ô, tham nhũng… Và xã hội bất an. Lo về kinh tế kém phát triển đã đành, lo hơn là biển đảo có nhiều điều đang rất bất ổn…

(Còn nữa).

Nguồn DVT.vn: http://dvt.vn/20111003091752761p0c40/tro-chuyen-voi-trung-tuong-pham-hong-cu.htm