Trò chuyện với đạo diễn Trần Ngọc Phong quanh phim "Không Cân Sức"

(TGĐA Online) - Tính từ ngày bộ phim “ Lưới trời “ (Kịch bản : Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuần, Đạo diễn: Phi Tiến Sơn) cất lên tiếng nói không khoan nhượng vạch trần tội ác tham nhũng- cho tới nay đã qua đi cả chục năm. Cuộc đấu tranh chống thứ ung nhọt này vẫn đang diễn ra ngày càng gay gắt, ngày càng quyết liệt; vẫn đang trở thành mối quan tâm, lo ngại hàng đầu trên bước đường xây dựng một tương lai dân chủ, văn minh, no ấm của từ người dân thường đến vị nguyên thủ quốc gia…Đáng tiếc sao, nếu chỉ...

Tính từ ngày bộ phim “ Lưới trời " (Kịch bản : Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuần, Đạo diễn: Phi Tiến Sơn) cất lên tiếng nói không khoan nhượng vạch trần tội ác tham nhũng- cho tới nay đã qua đi cả chục năm. Cuộc đấu tranh chống thứ ung nhọt này vẫn đang diễn ra ngày càng gay gắt, ngày càng quyết liệt; vẫn đang trở thành mối quan tâm, lo ngại hàng đầu trên bước đường xây dựng một tương lai dân chủ, văn minh, no ấm của từ người dân thường đến vị nguyên thủ quốc gia…Đáng tiếc sao, nếu chỉ xét trên bình diện phim truyện nhựa - “Lưới trời “ vẫn là phát pháo mở màn đơn thương độc mã... Có một trăm thứ nguyên cớ để có thể biện minh cho diện mạo điện ảnh không bình thường này. Bởi lẽ, sức nặng của các tác phẩm phim ảnh- suy cho cùng vẫn là sự chuyển tải những vấn đề bức xúc nhất của xã hội , là niềm đồng cảm và sự chia sẻ, bênh vực những khổ đau , cam chịu của giai tầng dưới đáy xã hội.. May sao, trong những ngày cả nước đang tưng bừng đón chào Ngày Điện ảnh Việt nam(15/3) được tổ chức lần đầu , Hãng Phim Giải phóng vừa cho nổ phát pháo thứ 2 nhắm vào quốc nạn tham nhũng với bộ phim truyện nhựa “ Không cân sức “ ( kịch bản cũng của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn,do đạo diễn trẻ Trần Ngọc Phong dàn dựng ) Khác với bộ phim “Lưới trời “ nhắm phanh phui một vụ án kinh tế tầm vĩ mô, bộ phim “ Không cân sức “nhắm cái đích bênh vực và bảo vệ Ba Quang- một phó Phòng xây dựng cấp huyện trong việc vạch mặt chỉ tên bọn quan tham muốn nuốt trôi vài trăm tỷ trong dự án xây dựng một khu kinh tế mở ở một tình vùng biên. Trong cuộc chiến đấu ấy , bọn tham nhúc thì kết tầng, tầng trên tầng dưới, lớp trong lớp ngoài, với nhiều âm mưu, nhiều cạm bẫy, còn Ba Quang thì đơn thương độc mã .Nên hiểu cái tít phim “Không cân sức” như thế nào đây ? ĐD TRẦN NGỌC PHONG: Quả là lực lượng chống tham nhũng hiện nay còn ít ỏi,thưa mỏng. Vẫn còn ít người dám đương đầu với những cái vòi bạch tuộc này. Nhưng chúng tôi đặt tên phim “ Không cân sức” chủ yếu nhắm ca ngợi lòng yêu sự thật, lẽ phải và dũng khí của những con người dám tiến hành triệt để, đến cùng cuộc chiến sinh tử, quyết liệt mà trong phim điển hình là Ba Quang. Nếu chàng trai này yên tâm với chức vụ Phó Phòng xây dựng hoặc a tòng với bọn tham nhũng mà đứng đầu là Chủ tịch huyện Tư Giàu, hẳn Ba Quang sẽ được sống cuộc đời êm ấm , bên người vợ đẹp và cậu con trai thông minh, dĩnh ngộ. Anh cũng không bị ông nội và cha đẻ hiểu lầm mà trừng trị theo thứ tôn ti trật tự xưa nay của dòng tộc anh . Người xem phim “ Không cân sức “cùng chung nhận xét, loại quan chức tham ô như Chủ tịch huyện Tư Giàu vừa dễ lộ mặt, vừa dễ chỉ mặt. Nhưng còn loại quan tham mà “hai bàn tay sạch” như Phó Chánh văn phòng Ủy ban ND Tỉnh Hai Hùng, vừa có bằng cấp, vừa trẻ , vừa biết lái xe , lại sành điệu âm nhạc.. .Nếu loại cán bộ này đứng trong danh mục “ lớp kế cận” , cuộc chiến đấu chống tham nhũng chắc sẽ” còn trường kỳ, còn gian khổ “lắm phải không anh ? ĐD TRẦN NGỌC PHONG: Nhân vật Phó Chánh văn phòng UBND Tỉnh Hai Hùng tiêu biểu cho diện mạo của một số quan chức trẻ hiện nay . Họ có học vấn, có thêm các chức danh Tiến sỹ, thậm chí Phó Giáo sư, Giáo sư , sớm biết làm giàu cho bản thân, là “ cậu ấm” của các vị chức sắc cấp cao , lại đang trong diện “ cơ cấu “ và vì còn trẻ nên họ có lối sống rất “ thời thượng”, ví như tự lái lấy ô tô, yêu và am tuờng âm nhạc cùng các loại hình nghệ thuật khác… Tất cả những “ưu thế “ấy tạo nên thứ “ vỏ bọc “ rất kín đáo và hữu hiệu để những cán bộ này che đậy bản chất tàn bạo, thực dụng, sẵn sàng đạp xéo lên tất cả vì lợi lộc riêng. Họ nguy hiểm không chỉ cho hiện tại và còn cho cả tương lai của dân tộc, đất nước nữa. Họ là thế lực tham nhũng có “ bàn tay sạch” đáng ghê tởm, đáng vạch mặt chỉ tên hơn cả Chủ tịch huyện Tư Giàu. Nếu phim “ Không cân sức” dóng lên lên kèn yêu cầu phải cảnh giác với lớp cán bộ này , thiết nghĩ các tác giả của phim đã gặt hái được một trong những cái đích bộ phim cần đạt tới. Vì những phép tính lỗ lãi , thiên hạ đang đua nhau làm phim dành cho tuổi Teen hoặc thỏa mãn nhu cầu gây tiếng cười và những phút giây giải trí thuần túy. Xin hỏi một câu, mong nhận được một lời đáp từ đáy lòng: khi nhận kịch bản “ Không cân sức “ của Nhà văn, nhà Biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn anh không ngại vấn đề của phim quá “ nặng đô”, khó thu hút khán giả và khó đạt doanh thu cao ? ĐDTRẦN NGỌC PHONG: Hãng Giải phóng với phim “ Cô gái chân dài “ của đạo diễn Lê Hoàng chả đã nêu cao ngọn cờ cổ súy cho yêu cầu phim ảnh cần phải hút khách đến rạp và có doanh thu cao đó thôi. Chúng tôi không xem thường yếu tố thu hồi đồng vốn và có lời có lãi để còn tồn tại làm phim dài dài. Nhưng là những người nghệ sỹ có lương tâm chúng tôi cũng thấy cần phải góp tiếng nói vào cuộc chiến đấu chung của Đảng, Nhà nước và toàn dân trong việc ngăn chặn tệ nạn tham nhũng. Còn điều này nữa, tôi cần nhấn mạnh : Ngay khi mới đọc lần thứ nhất kịch bản văn học của nhà văn Nguyên Mạnh Tuấn, bản thân tôi đã nhận ra trong kịch bản ấy ẩn chứa rất nhiều số phận đa dạng của các nhân vật; các trạng huống đầy hàm xúc và những lớp lang sâu thẳm…Nếu đạo diễn biết trân trọng, khai thác, chúng sẽ tạo nên những yếu tố “ mềm “ và đầy hấp dẫn, lôi cuốn người xem tới rạp. Câu chuyện chống tham nhũng trong “ Không cân sức “được đặt trên cái nền của một tộc họ luôn biết giữ kỷ cương, đạo lý nhắm ý nghĩa gì ? ĐD TRẦN NGỌC PHONG: Như tôi hiểu, đây là điểm sâu sắc, thú vị nhất trong kịch bản “ Không cân sức”. Ba Quang bỏ việc ở một cơ quan nhà nước vì không muốn a tòng với bọn tham nhũng; Ba Quang tự nguyện làm xe ôm , kết bạn với anh em xe ôm và vì thế anh bị rơi vào vòng lao lý; vợ Ba Quang, vì muốn cứu chồng bị Hai Hùng lừa gạt.. Tất cả những hành vi ấy, xét dưới những kỷ cương, phép tắc của một dòng họ . ông nội và người cha của Ba Quang buộc phải xử anh và Mai Duyên một cách nghiêm khắc. Có phần nào cứng ngắc và áp đặt nữa. Nhưng khi mọi việc làm của Ba Quang được sáng tỏ , ông nội và ba anh thực sự ân hận . Kịch bản văn học đã khái quát mối quan hệ kết bện này, không hiểu phim của chúng tôi có chuyển tải đầy đủ, trọng vẹn đến người xem hay không : Những con người chính trực, một lòng vì nước, vì dân như Ba Quang chỉ có thể được sinh ra trong những gia đình có kỷ cương, phép tắc. Ngược lại, chính tệ nạn tham nhũng và nhiều tệ nạn khác đang hoành hành ở nước ta trực tiếp đe dọa phá vỡ kỷ cương, phép tắc được duy trì bao đời nay trong mỗi tộc họ, mỗi gia đình. Đây thêm một hồi chuông cảnh tỉnh nữa, mong xã hội đừng xem thường!- Đây là lần đầu tiên anh bắt tay dàn dựng phim theo một kịch bản của tác giả Nguyễn Mạnh Tuấn -một nhà văn, nhà biên kịch điện ảnh rất nổi tiếng, đã từng gặt hái nhiều thành công, cả trong lịch vực văn chương lẫn điện ảnh. Theo anh, đâu là “ những điểm chắc tay” từ kịch bản văn học giúp anh triển khai bộ phim của mình ? ĐD TRẦN NGỌC PHONG: Phải nói ngay, được trao vào tay kịch bản văn học của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn để làm phim –đó là mơ ước từ rất lâu rồi của tôi. Có rất nhiều nguyên cớ để giải thích vì sao phim của chúng ta làm ra hiện nay chưa hay, không hấp dẫn, kịch tính thì sống sít, gượng gạo; tính cách nhân vật thì nhợt nhạt, giả tạo; mọi mối quan hệ đều bịa đặt , hoặc “ thuổng “ của phim nước ngoài…Một trong những nguyên nhân hàng đầu-theo ý riêng tôi, là do kịch bản không được viết ra bởi sự trải nghiệm cuộc đời một cách kỹ lưỡng, thấu đáo; bởi kinh nghiệm viết lách được tích góp nhiều năm và tay nghề cứng cáp của một nhà văn đích thực. Tôi xin phép được nhấn mạnh hai chữ “nhà văn” .Có thể lấy từ phim “ Không cân sức “ một vài ví dụ . Nếu không cứng tay, sao dám đặt và giải quyết ổn thỏa chuyện tham nhũng trên nền của chuyện kỷ cương, phép tắc trong một tộc họ, một gia đình? Nếu không cứng tay làm sao xây dựng được một tâm lý, một hành vi như của Hai Hùng? Hoặc đơn cử một chi tiết nhỏ thôi, nếu không có việc tộc họ buộc nhân vật chị Hai của Ba Quang xuống tóc, thử hỏi làm sao có hành động của Mai Duyên tự xử mình ?..v..v… Tôi thuộc số đạo diễn rất coi trọng kịch bản văn học ! Có một nhà văn tầm cỡ đứng sau mình, tôi như được dựa lưng vào một gốc cây cổ thụ để từ đó dám mạnh tay tung đàm chim trí tưởng tượng của mình bay cao, bay xa hơn ! Thành công của “ Không cân sức” , theo ý tôi còn ở diễn xuất khá tinh tế, khá chừng mực, biết lấy những diễn tiến nội tâm làm đích tới . Ấy thế mà Ngọc Hiền, Quốc Cường, Hàn Thái Tú..mới lần đầu tiên sắm vai trong phim truyện nhựa. Xin anh có thể nói đôi điều về những cộng tác viên trẻ tuổi của anh.. ĐD TRẦN NGỌC PHONG: Khi làm phim tôi có thói quen thường chọn những gương mặt trẻ, chưa dạn dĩ nhiều trước ống kính. Các em ấy còn giữ nguyên được ngọn lửa của những khát khao, đam mê dành cho nghệ thuật. Anh chị em cũng chưa nhiễm phải những thói quen xấu nẩy sinh trong tình hình làm phim khoảng chục năm trở lại đây, ví như quá coi trọng đồng tiền “cát sê” hơn sức nặng của vai diễn sắp được trao; muốn “đẹp” trên màn ảnh bất kể nhân vật của mình sắm vai gì, tình huống và tâm trạng ra sao; không thích nghe đạo diễn phân tích nhân vật; không thích học thuộc thoại…Với “ Không cân sức” khi quay tới trường đoạn nhân vật Mai Duyên xuống tóc, nữ ca sỹ Ngọc Hiền sẵn sàng hy sinh mớ tóc óng ả, mượt mà của mình luôn. Chính tôi lại ngăn cô ấy và dùng tới phương pháp hóa trang làm giả…Tôi hài lòng với dàn diễn viên trẻ như Quốc Cường, Ngọc Hiền, Hàn Thái Tú. Bởi lẽ các em đã gắng cùng tôi ít nhiều làm hài lòng người xem ! Chúng ta lại vừa có thêm một bộ phim nhựa sâu sắc, nghiêm túc về phương diện phản ánh những bức xúc của cuộc sống xã hội hôm nay; chỉn chu,in rõ dấu ấn chuyên nghiệp xét về phương diện tay nghề.Lại dễ xem, gây được thiện cảm và nỗi xúc động trong lòng người xem. Xin chúc mừng nhà văn-Nhà Biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn, Đạo diễn Trần Ngọc Phong và tập thể những người làm phim! Xin chúc mừng một bông hoa đẹp của Hãng Phim Giải phóng đã bừng nở trong mùa Xuân năm 2010 này ! Tô Hoàng (thực hiện)

Nguồn TGĐA: http://thegioidienanh.vn/20100506113739828p95c147/tro-chuyen-voi-dao-dien-tran-ngoc-phong-quanh-phim-khong-can-suc.htm