Trò chơi dân gian - Khơi gợi hứng thú ở học sinh

KTĐT - Giữa Bộ GD&ĐT và các bộ, đoàn thể vừa có một cam kết thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” năm học 2009 – 2010. Ngoài những nội dung được các trường đang triển khai để nâng cao chất lượng dạy, học, tạo môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, một nội dung được coi là điểm nhấn của phong trào trong năm học này là đưa trò chơi dân gian, hát dân ca và các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian vào trường học, xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học.

Hướng đến mục tiêu “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, việc đưa trò chơi dân gian vào trường học mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Nó không chỉ góp phần rèn luyện sức khỏe, kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống trong cuộc sống, thói quen và kỹ năng làm việc, sinh hoạt theo nhóm mà còn giúp học sinh rèn khả năng ứng xử văn hóa, không sa vào những trò chơi bạo lực vô bổ đang tràn lan và các tệ nạn xã hội. Đặc điểm chung của trò chơi dân gian được triển khai trong trường học là đơn giản, dễ chơi, dễ hòa nhập. Nếu sân trường nhỏ thì chơi ô ăn quan, cờ, đánh chuyền, bắt ve... Nếu diện tích rộng hơn thì có thể chơi rồng rắn lên mây, đá cầu, trốn tìm, bịt mắt bắt dê... Năm học vừa qua, nhiều trường học ở Hà Nội cũng đã cho học sinh làm quen với trò chơi dân gian. Trường thì tổ chức vào các giờ ra chơi, giờ thể dục, giờ ngoại khóa, có trường học sinh chỉ được làm quen vào các dịp liên hoan, lễ, tết... Nhưng một điều đáng mừng là phần lớn học sinh đều hào hứng với các trò chơi, đặc biệt là học sinh tiểu học. Trong buổi liên hoan trò chơi dân gian của trường Tiểu học Yên Hòa (Cầu Giấy) vừa qua thực sự sôi động bởi những tiếng hò reo, cười nói khi hàng trăm học sinh tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy dây, cướp cờ... Theo hiệu trưởng Đỗ Thị Kim Loan, trò chơi dân gian thực sự góp phần giáo dục học sinh về truyền thống văn hóa của dân tộc. Trường Tiểu học Khương Mai từ đầu năm học đã xây dựng góc “Trò chơi dân gian” cho học sinh. Với các trò chơi như chơi chuyền, chơi ô ăn quan, rồng rắn lên mây... học sinh được chơi trong lớp, ngoài sân, trong giờ sinh hoạt tập thể, giờ ra chơi. Trong các giờ học, giáo viên cũng lồng ghép vào các tiết dạy để học sinh tự tin, mạnh dạn, hứng thú học tập. Những giờ vui chơi như vậy cũng góp phần giúp học sinh được giao lưu ấm tình đoàn kết bạn bè. Từ đó, chính học sinh vì yêu thích trò chơi dân gian mà tự tìm thêm những trò chơi khác, làm phong phú thêm sân chơi của trường. Trường THCS Tứ Hiệp và Tiểu học thị trấn Thanh Trì là hai trường được chọn làm điểm trong việc đưa trò chơi dân gian vào trường học. Cô phó hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn huyện Thanh Trì chia sẻ: Trò chơi dân gian thường rất đơn giản, không tốn kém, chơi lại nhẹ nhàng, học sinh rất thích thú. Nhưng không phải cứ đưa vào trường là các em chơi ngay. Nhà trường chọn cách phân công tổng phụ trách Đội là người trực tiếp hướng dẫn cho học sinh cách chơi, sử dụng nhạc kèm theo lời các bài đồng dao làm hiệu lệnh để các em cùng chơi các trò như: rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê, kéo cưa lừa xẻ... trong vòng trên dưới 10 phút. Khi nhạc dừng, học sinh có thể trở về vị trí, tham gia các sinh hoạt tập thể khác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít trường ở khu vực nội thành Hà Nội lại lúng túng trong việc đưa trò chơi nào vào, chơi ở đâu, làm sao cho an toàn với học sinh... và hàng trăm câu hỏi được đặt ra. Không chỉ học sinh mà bản thân nhiều giáo viên cũng còn bỡ ngỡ trước các trò chơi dân gian, nhiều người không kể được tên trò chơi dân gian nào khi được hỏi. Hơn nữa, diện tích các trường học ở nội thành phần lớn đều hẹp, biết chơi trò nào cho thích hợp. Như trò chơi đá cầu tưởng chừng đơn giản nhất, nhưng cũng đòi hỏi một khoảng sân rộng 12m2, cho 4 người chơi. Một trường học có hàng trăm học sinh thì lấy đâu ra chỗ chơi khi mà ngay cả diện tích phòng học còn không đạt chuẩn. Ngoài ra, thời lượng học căng, ngoài 5 phút nghỉ giữa các tiết và 20 phút chơi giữa giờ, hoàn toàn không có thời gian dành cho việc... chơi trò chơi dân gian hoặc chưa chơi đã đến giờ vào học. Đại diện rất nhiều trường trong khu vực nội thành than thở: Việc phổ biến những nét đẹp tinh túy của các trò chơi dân gian đến các em học sinh nhỏ tuổi là rất cần thiết, nhưng do điều kiện cơ sở vật chất, thời gian, nên cũng chỉ có thể tổ chức vào dịp Trung thu, Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và các ngày sinh hoạt truyền thống hàng tháng. Nhiều người cho rằng, cuộc sống hiện đại, người ta có thể tìm hiểu đời sống văn hóa, trang phục... truyền thống trên báo, viện bảo tàng... Nhưng, trò chơi dân gian thì rất hiếm. Phần đông trẻ em và thanh thiếu niên bây giờ chỉ biết một số trò chơi dân gian qua tranh ảnh hoặc do người lớn kể lại. Và còn rất nhiều trò chơi dân gian khác đã bị rơi vào quên lãng bởi thời buổi công nghệ điện tử, internet hiện đại lan tràn khắp nông thôn, thành thị. Trong khi trò chơi dân gian được đánh giá chứa đựng một nền văn hóa truyền thống và góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng nên nhân cách, tâm hồn thế hệ trẻ, thì việc đưa thành công vào trường học là điều đáng quý. Nhưng vấn đề đặt ra là các trường học cần phải nghiên cứu, tìm tòi biện pháp nhằm khơi gợi sự hứng thú cho học sinh. Nhiệm vụ của các nhà giáo dục, của các thầy cô không chỉ sưu tầm, mà quan trọng hơn là phải biết cách tổ chức sao cho các em thật sự hứng thú và tích cực hưởng ứng. D.Toại

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=22&newsid=166007