Trò chơi bệnh hoạn khiến hàng trăm trẻ vị thành niên trên thế giới tự sát

Trò chơi trên có tên Blue Whale Challenge (Thử thách Cá voi xanh) bắt buộc kẻ tham gia phải thực hiện rất nhiều hành động quái đản trong 50 ngày, bắt đầu từ 4 giờ 20 phút hàng ngày. Các hành động bệnh hoạn đó là sử dụng dao hoặc lưỡi lam, kim khâu để cứa vào da tạo hình dáng cá voi lên cổ tay hoặc chân và xem phim kinh dị cả ngày lẫn đêm để hoàn thành thử thách.

Những kẻ tham gia thường rạch lên cơ thể hình cá voi xanh

Những kẻ tham gia thường rạch lên cơ thể hình cá voi xanh

Trong nhiều tấm hình, người xem có thể thấy phần da được "thêu" những đường viền bằng chỉ màu, từ bàn tay, cẳng chân cho đến cả môi. “Tại sao lại có người nghĩ rằng như thế này là thời trang nhỉ. Chơi với điện thoại chưa đủ giải trí hay sao?", một người nhận xét.

Điên rồ hơn là chọn con đường tự sát tựa con cá voi xanh tự nguyện lao lên bãi biển để tự tử. Khi trò chơi này bùng nổ trở thành hiện tượng trên mạng xã hội đã khiến ít nhất 13 thanh thiếu niên Nga thiệt mạng, tính từ tháng 11.2015 - 4.2016. Hiện tượng này hiện đã lan sang các nước châu Á, châu Âu, Mỹ… Phần lớn người chơi thổ lộ, khi đã chơi gần như bị gây nghiện, khó mà dứt ra được, nếu thành viên tham gia mà có ý định dứt ra thì sẽ bị thành viên khác của nhóm dọa giết người thân hay tạo các áp lực khác.

Những cái chết vì u muội

Cậu bé Ankan Dey, 14 tuổi, học sinh lớp 10 ở thị trấn Anandpur, bang Tây Bengal, Ấn Độ mới đây đã được phát hiện tử vong do ngạt thở. Nạn nhân đã chui vào 1 chiếc túi ni lông trong phòng tắm và bịt kín. Thầy giáo nạn nhân cho biết: "Cậu bé rất hiếu động, đã từng thừa nhận với cha mẹ rằng cậu có tham gia trò chơi Cá voi xanh trên mạng. Cậu cũng chia sẻ với bạn bè về trò chơi đó".

Ông Gopinath Dey, bố của Ankan, cho biết: "Sau khi đi học về, Ankan đã ngồi trước máy vi tính. Khi mẹ gọi ăn trưa, thằng bé bảo phải đi tắm. Mãi một lúc sau không thấy con trai ra, chúng tôi đã phá cửa và phát hiện con đang nằm bất động trên nền nhà. Chúng tôi đã nhanh chóng đưa con vào bệnh viện nhưng các bác sĩ cho biết con đã tử vong".

Bạn bè của Ankan khai báo với cảnh sát rằng trước đó, cậu bé có chơi trò thử thách Cá voi xanh trên mạng xã hội. Trước đó, cậu bé vị thành niên Manpreet Sahans cũng ở Ấn Độ đã nhảy lầu tự tử khi tham gia trò chơi Cá voi xanh đầy nguy hiểm này.

Hai thiếu niên người Nga Yulia Konstaninova (15 tuổi) và Veronica Volkova (16 tuổi) tham gia trò chơi Cá voi xanh, đã tìm đến cái chết khi nhảy xuống đất từ mái khu căn hộ cao tầng ở thành phố Ust-Ilimsk vùng Siberia. Việc làm dại dột của các em đã gây nên sự hoảng loạn trong cộng đồng xã hội, trường học và phụ huynh nước này.

Hai thiếu niên người Nga Yulia Konstaninova và Veronica Volkova cũng tự vẫn vì Cá voi xanh

Cô bé Nadia, 16 tuổi, ở Georgia (Mỹ) cũng vừa chọn cách tự tử để kết thúc cuộc đời mình. Cô bé có nhiều tài năng và được gia đình, bạn bè yêu thương. Tên thật của em không phải là Nadia, báo chí thay tên theo yêu cầu của gia đình và coi đây là sự tôn trọng dành cho Nadia cũng như bảo vệ quyền riêng tư cho gia đình em. Bố mẹ Nadia đồng ý để CNN đưa tin về vụ việc với mong muốn cảnh tỉnh các bậc cha mẹ khác hãy dành sự quan tâm nhiều hơn cho con cái, bởi những mối nguy trên mạng xã hội luôn thường trực và nguy hiểm hơn chúng ta tưởng tượng.

Các bức tường và trang trí phòng ngủ của Nadia hoàn toàn giống như những đứa trẻ trung học khác. Một bức tranh có chiều dài bằng chiếc giường của Nadia treo ngay ngắn trên tường, kệ xếp đầy sách, đồ trang trí linh tinh và ảnh thời thơ ấu. Gần chiếc gương lớn là tác phẩm nghệ thuật gần đây của em: một bức ảnh cá voi xanh trên nền vẽ tay.

Gia đình của Nadia không hề biết gì về sự nguy hiểm của trò Cá voi xanh cũng như những hoạt động trên mạng xã hội của Nadia. Họ phát hiện thấy bức thư bằng tiếng Nga của cô bé và không hay biết rằng cô bé có khả năng giao tiếp bằng thứ tiếng này. Cầm trong tay thú bông yêu thích của con gái, mẹ Nadia nói: “Tôi vẫn không tin vào chuyện đã xảy ra. Tôi vẫn nghĩ đây chỉ là một giấc mơ. Một cơn ác mộng mà khi tôi thức dậy, con bé sẽ nhắn cho tôi”. Lau nước mắt, bà nói: “Các bậc cha mẹ cần phải biết rằng đây là câu chuyện có thực, chúng tôi không lên tiếng chỉ để gây sự chú ý. Những gì đã xảy ra, là thực”.

Marty, anh trai của cô đã rất suy sụp, gần như ngay lập tức, anh bắt đầu lục tìm lại những đồ vật Nadia hay dùng để tìm kiếm manh mối. Anh nhận ra những điểm chung khác lạ trong những bức tranh và nhật ký của Nadia, trong đó có bức vẽ một cô gái với cái tên Rina Palenkova, phía dưới được viết bằng tiếng Nga. Tiếp tục tìm hiểu, Marty nhớ ra bức ảnh cá voi xanh được dán cạnh gương trong phòng của em gái mình. Anh xem qua những bức ký họa của cô và tìm thấy những trang vẽ cá voi xanh và mảnh chữ cắt ra từ tạp chí ghép thành dòng chữ “Tôi là một con Cá voi xanh”, cùng với bức vẽ về các tuyên bố tự tử, tự làm hại mình, lời chào vĩnh biệt và nhiều dòng nhật ký tiếng Nga khác. Nadia vẽ tranh trừu tượng bộ xương của cá voi trong một dự án ở trường học, những bức tranh được đóng khung và trưng bày. Nhưng sau sự kiện tự tử, những bức tranh đã mang một ý nghĩa khác. Cùng với nhật ký, gia đình còn tìm thấy những bài đăng trên mạng xã hội của Nadia với nội dung tự làm đau bản thân bằng những vết cắt. Tất cả đều giống với những tài khoản của nạn nhân Cá voi xanh khác.

Trò chơi khiến trẻ mê muội và bệnh tật

Báo động tới gia đình, xã hội

Có thể nói “độc dược chết người” này hiện nay lan tỏa không biên giới khiến các bậc cha mẹ, xã hội, cơ quan chức năng lo lắng. "Các bậc cha mẹ nên để ý đến con cái mình xem chúng có dấu hiệu bất thường hay không, vì khi đã tham gia trò chơi trẻ thường bỏ bê học hành ăn uống", tiến sĩ Dan Reidenberg, Giám đốc điều hành tổ chức Tiếng nói giáo dục nhận thức về tự vẫn đưa ra cảnh báo trên.

Ông Dan Reidenberg khuyến khích tìm hiểu hoạt động trên mạng xã hội của trẻ có liên quan đến Cá voi xanh hoặc có bạn bè đang tham gia trò chơi không. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh “không cần thiết phải hoảng sợ, vì đây không phải là làn sóng khủng hoảng mà chỉ là một dấu hiệu cảnh báo mọi người”. “Trẻ em không rõ những cái bẫy nguy hiểm đang giăng đầy rẫy trên mạng. Chúng tôi muốn khuyến khích bố mẹ nói chuyện với con cái mình về sự an toàn khi sử dụng mạng xã hội”.

Ông Reidenberg cũng cảnh báo rằng, trong vài trường hợp tự tử là thứ dễ lây lan. “Giới trẻ rất nhạy cảm với chủ đề này. Chỉ cần xung quanh chúng có những trường hợp tự tử tương tự, dù chỉ là qua báo chí truyền thông, rất có thể chúng cũng sẽ bị ảnh hưởng”.

Kirsty Down, sĩ quan Phòng Cảnh sát Devon, Mỹ đã đăng lời cảnh báo trên Twitter: "Kẻ tạo ra trò chơi này là kẻ bệnh hoạn. Các phụ huynh xin hãy để ý đến trò chơi này. Hãy thường xuyên trò chuyện với con cái về mối nguy hiểm của trò chơi nếu bạn thấy lo ngại. Thực tế trẻ em không rõ những cái bẫy nguy hiểm đang giăng đầy rẫy trên mạng. Chúng tôi muốn khuyến khích bố mẹ nói chuyện với con cái mình về sự an toàn khi sử dụng mạng xã hội".

Mới đây cảnh sát Nga đã bắt kẻ sáng lập Philipp Budeikin, 21 tuổi, người Nga. Hắn thường nhằm vào trẻ vị thành niên, đặc biệt là các nữ sinh. Philipp đã thú nhận tội danh của mình và cho rằng các nạn nhân hắn nhắm tới đều là những kẻ thừa thãi trong xã hội. Hắn nghĩ rằng "họ rất vui khi được chết" và công việc của gã tâm thần này như hành động cao cả giúp thanh lọc xã hội. "Đúng, tôi đã làm thế. Đừng lo lắng, mọi người sẽ hiểu thôi. Họ chết trong hạnh phúc. Tôi chỉ cho họ những điều họ không có trong cuộc sống: sự ấm áp, kiến thức và kết nối", Philipp ngang nhiên trả lời.

Tại Nga, cảnh sát lo ngại rằng rất nhiều thiếu nữ đã làm như vậy, có thể là do mệnh lệnh của Budeikin hoặc những kẻ khác. Chuyên gia tâm lý Veronika Matyushina chia sẻ: "Phần lớn những cô gái này đã phải lòng Philipp. Do cuộc sống gia đình thiếu thốn tình cảm nên khi được một gã thanh niên đẹp trai để ý, các em sẽ không ngại ngần nghe theo lời hắn".

Philipp Budeikin - kẻ sáng lập trò chơi trên

Nhiều người còn ước tính rằng con số tự tử liên quan tới trò chơi này lên tới hàng trăm. Không chỉ Philipp mà có thể còn tồn tại rất nhiều gã như hắn. Cảnh sát Nga cho biết: "Philipp đã bắt đầu những trò như vậy từ năm 2013. Ban đầu, hắn thường dụ dỗ các thiếu niên tham gia các nhóm ảo trên mạng xã hội. Chúng cố gắng thu hút càng nhiều càng tốt, sau đó sẽ chọn ra những em dễ bị tổn thương tâm lý nhất. Trong khoảng 20.000 người, chúng sẽ chọn ra khoảng 20 người. Nhóm của chúng cho rằng 20 đứa trẻ đó là kẻ thừa thãi, cặn bã của xã hội. Philipp và những kẻ cầm đầu nhóm sẽ tiến hành đẩy các em vào việc tự tử như một hành động "thanh lọc" bệnh hoạn".

Chính quyền Tòa án quận St Petersburg xác nhận với báo chí rằng họ đang mở một cuộc điều tra mở về tội danh “kích động tự sát”. Cục điều tra thông báo Budeikin đã nhận tội danh tạo ra trò chơi và dùng mạng xã hội VK.com để xúi giục trẻ em từ 15 đến 17 tuổi tự tử. Các nhà điều tra đang truy tìm thêm tung tích và chi tiết của trò chơi Cá voi xanh này cũng như làm rõ tầm ảnh hưởng của nó. Cùng lúc đó, những tổ chức sức khỏe cộng đồng cho rằng chúng ta cần đối mặt với vấn đề. Người ta phải có được thông tin đáng tin cậy và sự giúp đỡ cần thiết khi họ cần, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên.

Mạng xã hội nguy hiểm hơn chúng ta nghĩ, chúng là con dao hai lưỡi, nhất là trong thời đại mà các bậc cha mẹ ít có thời gian bên con cái. Các bậc phụ huynh khó lòng mà kiểm soát hết vô vàn thứ mà con em đang tiếp xúc thông qua Internet hàng ngày. Vậy nên đừng lơ là bởi vì rất có thể chỉ cần một video, một trò chơi thôi cũng có thể cướp đi mạng sống của những thanh thiếu niên chưa đủ nhận thức.

Cơ quan mật vụ Nga FSB do Tổng thống Vladimir Putin đứng đầu nhận định: "Nguyên nhân gây ra những vụ tự tử ở trẻ vị thành niên trên mạng Internet là vô cùng nghiêm trọng". Theo đó, đây là những vụ án có tổ chức, có kế hoạch thực hiện rõ ràng, cụ thể. Ngay khi ấn nút tham gia trò chơi, người chơi đã được những tên "đạo diễn" đứng đằng sau lên kế hoạch từng bước dẫn dắt họ đến với nhu cầu được tự tử.

Ban đầu, người chơi sẽ được tẩy não rằng: "Những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống đều bắt đầu bằng kí tự "S" – trong đó có semiya (gia đình), Saturday (thứ bảy), sex, và suicide (tự tử)". Sau đó, công cuộc tẩy não sẽ được tiếp tục bằng nhiều hình thức khác nhau. Nó có thể là một bài hát với ca từ "Chúng tôi đã lên đường đi đến một không gian tươi đẹp và chúng tôi không còn vương vấn gì đối với thế giới này". Hay một bức ảnh về một đoàn tàu đang đến với dòng chữ "Thế giới này không dành cho chúng ta". Đôi lúc nó sẽ là bức ảnh của một thiếu niên ngồi trên mái nhà với dòng minh họa "Chúng ta là những đứa trẻ của một thế hệ đã chết".

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (Mỹ), tự tử là nguyên nhân xếp thứ ba gây ra cái chết ở độ tuổi 10 đến 14 tại Mỹ và thứ nhì với độ tuổi 15 đến 34. Người ta thường né tránh chủ đề tự tử và rất nhạy cảm với nó cho nên đây là vấn đề thường không được báo cáo đầy đủ. Không chỉ Ấn Độ mà ở nhiều quốc gia, ngày càng có thêm nhiều lời kêu gọi hối thúc Chính phủ yêu cầu các hãng cung cấp dịch vụ Internet như Google, Facebook, WhatsApp, Instagram, Microsoft và Yahoo loại bỏ ngay lập tức các liên kết với trò “Thách thức Cá voi xanh” và những trò chơi nguy hiểm tương tự.

Nguyễn Hưng - L.T (tổng hợp)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/tro-choi-benh-hoan-khien-hang-tram-tre-vi-thanh-nien-tren-the-gioi-tu-sat-71906.html