Trịnh Xuân Thanh và những vấn đề pháp lý về dẫn độ

Dẫn độ là nhằm giúp nước yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành hình phạt đối với người bị yêu cầu dẫn độ.

Đó là khẳng định của TS Ngô Hữu Phước – Phó Trưởng khoa Luật Quốc tế, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, ĐH Luật TP.HCM xung quanh những vấn đề pháp lý cơ bản về dẫn độ. Đất Việt xin đăng tải nguyên văn ý kiến của TS Ngô Hữu Phước.

Về phương diện pháp lý, dẫn độ là một hình thức hợp tác tương trợ tư pháp giữa các nước. Theo đó nước được yêu cầu sẽ bắt giữ và chuyển giao người đã thực hiện hành vi phạm tội hoặc người đã bị Tòa án của nước yêu cầu kết án bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước yêu cầu để nước này truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành hình phạt. Mục đích của dẫn độ là nhằm giúp nước yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành hình phạt đối với người bị yêu cầu dẫn độ.

Chủ thể của việc việc hợp tác dẫn độ chủ yếu là các nhà nước. Tuy nhiên, các vùng lãnh thổ có tư cách chủ thể của luật quốc tế như Vatican, Đài Loan, Macau, Hongkong...cũng có thể hợp tác dẫn độ với các nước trên thế giới. Trên thực tế, Mỹ và Hongkong đã ký hiệp định dẫn độ năm 1996 hoặc Italia và Vatican đã ký hiệp ước dẫn độ năm 2011. Nước yêu cầu dẫn độ có thể là nước mà người bị yêu cầu dẫn độ là công dân hoặc nước mà người này đã thực hiện hành vi phạm tội hoặc nước có quyền và lợi ích hợp pháp đã bị tội phạm xâm hại.

TS Ngô Hữu Phước – Phó Trưởng khoa Luật Quốc tế, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, ĐH Luật TP.HCM

Về nguyên tắc, người bị yêu cầu dẫn độ có thể là công dân của nước yêu cầu, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch. Công dân của nước được yêu cầu cũng có thể là đối tượng bị dẫn độ nếu pháp luật quốc gia và Điều ước quốc tế (ĐƯQT) về dẫn độ mà nước được yêu cầu là thành viên cho phép dẫn độ công dân cho nước ngoài.

Người phạm tội chỉ có thể bị dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ đáp ứng các điều kiện về tội phạm, hình phạt và các quy định khác liên quan đến việc xem xét, quyết định dẫn độ theo quy định của ĐUWQT (Điều ước quốc tế) và pháp luật về dẫn độ của nước yêu cầu và nước được yêu cầu dẫn độ. Các nước sẽ thỏa thuận trong các ĐƯQT về dẫn độ các nội dung liên quan đến đối tượng và phạm vi dẫn độ.

Các ĐƯQT về dẫn độ là cơ sở pháp lý để các nước yêu cầu và xem xét để dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ. Thông thường, các nước sẽ từ chối hoặc có thể từ chối dẫn độ nếu người bị yêu cầu dẫn độ là công dân của nước được yêu cầu; tội phạm bị yêu cầu dẫn độ là tội phạm chính trị hoặc tội phạm liên quan đến chính trị; người bị dẫn độ có thể bị kết án tử hình hoặc có thể bị thi hành án tử hình tại nước yêu cầu; khi người bị yêu cầu dẫn độ đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đã bị kết án hay hành vi của người bị yêu cầu dẫn độ đã được Tòa án tuyên là vô tội; khi đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành phạt; khi nước được yêu cầu có căn cứ xác đáng để cho rằng yêu cầu dẫn độ được đưa ra nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc trừng phạt người bị yêu cầu dẫn độ vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, giới tính, chính kiến hay làm người đó bị ảnh hưởng bởi các lý do trên.

Cơ sở pháp lý để các nước hợp tác dẫn độ là các ĐƯQT và pháp luật quốc gia về dẫn độ. ĐƯQT có về dẫn độ gồm bốn loại sau đây:

(1) Các điều ước quốc tế song phương và đa phương chuyên về dẫn độ. Loại ĐƯQT này chiếm số lượng rất lớn trong tổng số các ĐƯQT có quy định về dẫn độ được ký kết giữa các quốc gia. Các nước đã ký kết nhiều hiệp định song phương về dẫn độ trên thế giới có thể kể đến là Mỹ (đã ký 108 Hiệp định), Pháp (đã ký 60 Hiệp định), Úc (đã ký 60 Hiệp định), Canada (đã ký 50 Hiệp định), Ấn Độ (đã ký 38 Hiệp định và thỏa thuận)... Cho đến nay, Việt Nam đã ký 10 Hiệp định dẫn độ với Hàn Quốc năm 2003, Angiêri năm 2010, Ấn Độ năm 2011, Úc năm 2012, Căm Pu Chia năm 2013, Indonesia năm 2013, Hunggari năm 2013, Nam Phi năm 2014, Sri Lanka năm 2014 và Trung Quốc năm 2015.

Các tổ chức quốc tế liên quốc gia cũng ký kết các ĐƯQT đa phương về dẫn độ như Công ước của Châu Âu về dẫn độ năm 1957; Quyết định khung về Lệnh bắt Châu Âu và thủ tục chuyển giao giữa các nước thành viên của Liên minh Châu Âu năm 2002; Công ước về dẫn độ năm 1952 và Công ước dẫn độ 1983 của Liên đoàn các nước Ả Rập; Công ước về dẫn độ của các nước Châu Mỹ năm 1981...

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/trinh-xuan-thanh-va-nhung-van-de-phap-ly-ve-dan-do-3319231/